Vì sao càng "ném đá" càng lắm "bà Tưng"?

author 09:17 15/07/2013

(VietQ.vn) - Hàng loạt những “hiện tượng” mà giới trẻ tạo ra gần đây đang bị dư luận “ném đá”. Nhưng vì sao dư luận càng “ném đá” lại thì những “bà Tưng”, trò lố lại càng nhiều thêm?

Không nên vội phê phán

Từ câu chuyện khóc như mưa vì thần tượng đến câu chuyện "bà Tưng" nổi đình nổi đám vì uốn éo, sexy..., giới trẻ đang có những cách bộc lộ mình khiến nhiều người không thể hiểu nổi. Người lớn càng phê phán, cộng đồng càng lên án thì các sự việc lại càng nhiều.

Chuyên gia tâm lý học Trịnh Trung Hòa (thuộc Công ty tư vấn tâm lý và tình cảm Linh Tâm) cho rằng, việc giới trẻ trong nước hiện nay nhạy bén và sớm tiếp nhận một số trào lưu văn hóa từ bên ngoài đưa vào là điều bình thường. Trước cái mới, bao giờ giới trẻ cũng háo hức đón nhận và muốn tìm hiểu về nó. Có thể là âm nhạc, điệu nhảy, phim ảnh,… đó là xu thế và tâm lý chung.

Ông phân tích: “Cái mới chưa hẳn đã mang yếu tố tích cực hay tiêu cực hoàn toàn. Tuy nhiên, để được đón nhận thì còn phụ thuộc vào việc cái mới đó phù hợp với văn hóa của chúng ta hay không. Có thể qua thời gian, những yếu tố tiêu cực sẽ bị loại bỏ, những yếu tố mang tính tích cực sẽ được lưu giữ lại, bởi văn hóa của chúng ta luôn là sự đón nhận có chọn lọc. Thực tế đã chứng minh điều đó. Bởi vậy, thay vì vội phê phán, chúng ta nên có cái nhìn cởi mở, nên tìm hiểu rõ vấn đề hơn”.

Để chứng minh, ông cho biết: “Hiện nay, rất nhiều sinh hoạt, ứng xử văn hóa có nguồn gốc từ phương Tây đã trở nên quen thuộc trong đời sống người Việt như ngày lễ Noel, kỉ niệm ngày sinh, ngày Lễ Tình nhân (14/2), Ngày Nói dối (1/4) hay ngày Lễ hóa trang Halloween (31/10)… Những ngày lễ này lúc đầu cũng chỉ được giới trẻ tiếp nhận một cách tự nhiên và hoàn toàn vô tư, đến nay thì không chỉ riêng giới trẻ mà còn thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng của nhiều tầng lớp khác nữa.

Hay như việc tôn sùng “thần tượng”  (ngôi sao bóng đá, ca nhạc, điện ảnh…) hoặc thành lập các CLB người hâm mộ của các “thần tượng”, rồi  bắt chước trang phục, đầu tóc của “thần tượng”… cũng đã rất phổ biến, không còn quá xa lạ với chúng ta. Điều này giúp đời sống văn hóa sinh hoạt của chúng ta thêm phần phong phú, đa dạng, mà những bản sắc văn hóa truyền thống cũng không phải vì thế mà bị mất đi”.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, dù muốn hay không muốn, việc giới trẻ đón nhận và tỏ ra hứng khởi trước những yếu tố văn hóa mới mẻ là tâm lý chung và xu thế chung, chúng ta không thể ngăn cản và cũng không nên vội phê phán.

 

Cần có cái nhìn cởi mở với giới trẻ

Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết  – nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: “Chúng ta cần phải có cái nhìn cởi mở hơn với giới trẻ, bởi lẽ muốn giáo dục, định hướng giới trẻ thì phải “hiểu” giới trẻ đã”.

“Ví dụ gần đây rất nhiều bạn trẻ thủ đô nhảy điệu Gangnam Style, ngoài ra còn có thông tin cho rằng sẽ nhảy điệu này trong dịp lễ kỷ niệm Giải phóng Thủ đô đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Trong dư luận cũng có người đồng tình, có người phản đối, tuy nhiên theo tôi thì trước tiên nên tìm hiểu cặn kẽ vấn đề thay vì vội đưa ra phán xét”, GS.Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

GS.Nguyễn Minh Thuyết phân tích: “Có  ý kiến cho rằng điệu nhảy Gangnam Style ra đời và  mang ý nghĩa châm biếm, phê phán chứ không phải mang ý nghĩa ca ngợi và bởi thế không nên nhảy điệu này. Nhưng nên hiểu theo cách khác, có thể ban đầu điệu nhảy mang ý nghĩa châm biếm, đả kích, nhưng quan trọng là do cách nhìn, cách tiếp nhận của chúng ta như thế nào mà thôi. Nếu chúng ta coi đó là điệu nhảy kiểu như một dạng khiêu vũ hay như một trong số những động tác trong đồng diễn thì cũng tốt chứ sao”.

“Theo tôi, điệu nhảy Gangnam Style mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực là do cách đánh giá, nhìn nhận của chúng ta. Ví dụ như ngày xưa Nguyễn Du viết tác phẩm “Truyện Kiều”, ban đầu tác giả cũng chỉ muốn thông qua tác phẩm để giải thích cho thuyết “tài mệnh tương đố”, nhưng sau khi tác phẩm ra đời, độc giả lại tìm thấy trong “Truyện Kiều” những tư tưởng khác nữa, không chỉ là vấn đề “tài mệnh tương đố”, và đây là một kiệt tác văn học. Đó là người đời sau đã đọc tác phẩm với một tâm thế khác, cách nhìn khác”, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm.

Cũng theo GS.Nguyễn Minh Thuyết, muốn giáo dục, định hướng cho giới trẻ về văn hóa thì  trước hết cần phải “hiểu” giới trẻ  đã, nên có cái nhìn cởi mở hơn, không nên quá khắt khe với giới trẻ.


Trường Giang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang