Vì sao chưa xuất hiện người Mỹ nào trong Hồ sơ Panama?

author 17:02 06/04/2016

Hàng loạt chính trị gia, người nổi tiếng đang đứng ngồi không yên vì dính vào vụ lộ Hồ sơ Panama. Tuy nhiên một điều lạ là chưa có cái tên nào tại Mỹ được nhắc đến.

Vừa qua, Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phối hợp cùng hàng trăm hãng truyền thông trên thế giới tung ra hơn 11,5 triệu tài liệu liên quan đến hoạt động của công ty luật Mossack Fonseca (Panama), chuyên tư vấn và mở các công ty bình phong (offshore) cho giới nhà giàu.

Việc rất nhiều nhân vật cực kỳ quyền lực, nổi tiếng và giàu có đua nhau mở công ty offshore trong bí mật khiến người ta không thể không nghi ngờ việc này là để che giấu những khoản tiền "bẩn", trốn thuế và rửa tiền.
Hàng loạt cái tên đã được nêu ra, trong đó có anh rể của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Argentina, Quốc vương Ả Rập Xê Út… Mới đây, Thủ tướng Iceland là ông Sigmundur Gunnlaugsson cũng đã phải nộp đơn xin từ chức vì không chịu nổi áp lực từ dư luận sau khi tên ông xuất hiện trong Hồ sơ Panama.
Tuy vậy, chưa có cái tên nào từ Mỹ được nhắc đến trong vài ngày qua, theo NBC News ngày 5.4. Dù vậy, theo các chuyên gia, điều này không có nghĩa là người Mỹ minh bạch và tuân thủ luật pháp hơn các nước khác.

 

Có hàng ngàn công ty hoạt động kiểu như Mossack Fonseca tại Panama

 

Ở đâu cũng có công ty offshore 
Giám đốc điều hành Viện chính sách kinh tế và thuế Mỹ (ITEP) Matt Gardner cho rằng có đến hơn 11,5 triệu tài liệu của hồ sơ Panama và giới truyền thông cùng ICIJ sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể kiểm tra hết.
Bên cạnh đó, có khả năng người Mỹ còn làm việc với các hãng luật khác. Tại Mỹ và nhiều nước khác, các hãng luật như Mossack Fonseca có mặt rất nhiều, từ lớn tới nhỏ, luôn sẵn sàng tạo các vỏ bọc cho giới nhà giàu giấu tài sản, trốn thuế.
Hơn nữa, các công ty offshore này không hề phạm pháp. Người đồng sáng lập Mossack Fonseca, ông Ramon Fonseca nói rằng công ty của ông không vi phạm pháp luật và không phải chịu trách nhiệm về việc phạm pháp của các khách hàng.
“Có hàng trăm, hàng ngàn công ty như thế này tại Mỹ và trên thế giới. Và các công ty này cũng giống như Mossack Fonseca, hoàn toàn không hề phạm luật”, luật sư về thuế và ngân sách Ana Owens tại Tổ chức nghiên cứu lợi ích công tại Mỹ (PIRG) giải thích.
Bà Owens dẫn ví dụ về trường hợp tương tự xảy ra vào năm 2015, chính quyền liên bang đã không thể buộc một công ty ở bang California nhận tội gian lận dù nắm giữ bằng chứng phạm tội tài chính của các công ty liên quan đến công ty này, báo Portland Business Journal cho biết.

Mỹ cũng được coi là thiên đường thuế đối với giới nhà giàu. Trong hình là quần đảo Virgin thuộc Mỹ

Mỹ cũng là thiên đường thuế
Một lý do khác được nêu ra giải thích cho việc chưa có cái tên người Mỹ nào được nhắc đến sau khi Hồ sơ Panama được công bố là vì Mỹ cũng là thiên đường thuế. Do đó, giới nhà giàu Mỹ không lý do gì phải sang Panama để mở công ty để trốn thuế.
Theo NBC News, hai bang Delaware và Nevada cùng Quần đảo Virgin (Mỹ) là những nơi có quy định về thuế rất thoáng và mức thu thuế cũng thấp, giúp thu hút giới nhà giàu đến đây “giấu tiền”.
Tổ chức Mạng tư pháp về thuế (Anh) năm 2015 công bố chỉ số bí mật tài chính (FSI), theo đó Mỹ được coi là thiên đường thuế xếp thứ 3 thế giới, chỉ sau Thuỵ Sĩ và Hồng Kông. Còn Panama thì xếp vị trí thứ... 13.
Vì vậy, nhiều người Mỹ không cần phải đi mở công ty offshore ở nước ngoài do mức thuế ở Mỹ cũng không quá cao so với các nước phát triển khác, theo chuyên gia tài chính quốc tế Lee Sheppard của tổ chức nghiên cứu Tax Analysts (Mỹ).
Tuy nhiên, một số tập đoàn khổng lồ của Mỹ như Apple hay Google vẫn tìm cách giảm gánh nặng về thuế bằng hình thức lập các công ty con ở nhiều nước có mức thuế thấp hơn Mỹ như các thiên đường thuế ở Caribê hay các nước thiếu việc làm như Ireland, theo cựu uỷ viên Cục thuế nội địa Mỹ (IRS) Larry Langdon.
Theo ông Langdon, việc điều tra các công ty Mỹ phá luật, trốn thuế càng ngày càng khó vì ngân sách bị cắt giảm, buộc IRS phải "ưu tiên" giới nhà giàu. Tổ chức PIRG cũng đang phải lập ra một dự luật trình lên Quốc hội Mỹ để giúp thu thập dữ liệu về các hoạt động giấu tiền của giới nhà giàu. Nếu dự luật được thông qua, người Mỹ sẽ khó khăn hơn trong việc trốn thuế, theo bà Owens.
Trong khi đó, giám đốc ITEP Matt Gardner nhận định việc người Mỹ xuất hiện trong Hồ sơ Panama nếu có, cũng chỉ là một phần của mạng lưới rất lớn và đây là vấn nạn chung.
“Đây không phải là câu chuyện của riêng Panama. Đây là lời cảnh tỉnh đối với Mỹ về những thiệt hại khó tin được giấu đằng sau các công ty vỏ bọc", ông Gardner nói.

 

Theo Thanh niên


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang