Vì sao đậu phộng Tân Tân biến mất?

author 14:30 08/07/2013

Đang một mình một thế giới, đậu phộng Tân Tân bỗng dưng biến mất chỉ vì trót đầu tư vào bất động sản.

Ước mơ của hạt đậu phộng

Khó có thể tưởng tượng được một sản phẩm bé nhỏ, giá chỉ vài ngàn đồng một gói mà có thể làm mưa làm gió trên thị trường như đậu phộng Tân Tân của Công ty TNHH Thương mại Chế biến thực phẩm Tân Tân. Tân Tân là sản phẩm mang đậm phong vị Việt Nam.

Từ xuất phát điểm là một cơ sở chế biến đậu phộng chiên từ năm 1984, Tân Tân có mặt trên khắp mọi nơi từ những quán ăn trên đường phố đến nhà bếp của từng gia đình. Sản phẩm tiêu thụ nhanh tới mức, công ty phải nhanh chóng mở rộng sản xuất.

Thương hiệu lừng lẫy một thời
Thương hiệu lừng lẫy một thời

Năm 1997 công ty xây dựng nhà máy và văn phòng mới tại tỉnh Bình Dương với diện tích trên 45.000 m2 và mở rộng bộ máy nhân sự hơn 800 nhân viên. Cũng từ đó, công ty đã mở rộng quy mô kinh doanh trong nước với hơn 140 nhà phân phối, hơn 40.000 điểm bán lẻ, ở hầu hết các siêu thị và trung tâm thương mại chiếm 80% thị phần trong cả nước.

Là một thương hiệu dẫn đầu, sản phẩm Tân Tân từng có mặt khắp mọi nơi. Theo ước tính của chuyên gia, số điểm bán lẻ của Tân Tân trên cả nước vào lúc cao điểm là trên 150.000 tức là ngang với các thương hiệu FMCG như Unilever, Thuốc lá 555 …

Bên cạnh đó, Tân Tân xuất khẩu thành công đến thị trường của hơn 20 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Đài Loan, Hong Kong, Cộng hòa Czech, Ukraine, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Nigeria, Nam Phi và Campuchia.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết: “Cá nhân tôi thật sự ngưỡng mộ quá trình phát triển cũng như tính chuyên nghiệp và tư duy cởi mở cầu thị của CEO Tân Tân. Tôi thật sự đánh giá cao về khả năng chinh phục thị trường thế giới của sản phẩm nông nghiệp chế biến có thế mạnh này của Việt Nam.

Một số người cho rằng đậu phộng chế biến chỉ là một sản phẩm nhỏ. Đó là có thể họ chưa thấy câu chuyện của những ông lớn thực phẩm thế giới. Đó là chuyện về các sản phẩm nhỏ nhưng biến doanh nghiệp thành ông lớn. Có thể kể đến thành công của khoai tây chiên Pringles hay Doublemint (kẹo cao su) với chiến lược sản phẩm không khác mấy so với Tân Tân”.

Ông Quang bình luận, trong cán cân thương mại với thị trường khổng lồ Trung Quốc, khi mà tỷ trọng nhập siêu vẫn trên 10 tỷ USD hàng năm, thì chiến lược của nông nghiệp chế biến Việt Nam rất cần được Chính phủ coi trọng với những dòng sản phẩm nhỏ như đậu phộng, kẹo dừa, mít sấy, cà phê, bánh Piá…và hàng loại nông sản nhiệt đới mà Trung Quốc không có.

Với tiềm năng đó, trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập công ty diễn ra vào năm 2007, ông Trần Quốc Tân - Tổng Giám đốc Tân Tân khẳng định công ty sẽ tiến hành cổ phần hóa và niêm yết chứng khoán trên sàn giao dịch.

Nếu kế hoạch này được thực hiện, có lẽ Tân Tân sẽ có diện mạo mới vì 2007 là thời điểm bùng nổ của thị trường chứng khoán. Nhiều cổ phiếu “nóng” đã tăng giá trị tới hàng chục lần. Nếu Tân Tân may mắn như FPT, SAM hay REE, chắc chắn công ty này sẽ đủ nguồn vốn để xoay sở.

Thế nhưng điều đó đã không xảy ra.

Chết vì bất động sản

Từ giữa năm 2011, Tân Tân luôn trong tình trạng “ăn đong” đơn hàng. Những năm trước đó, vào thời điểm này công ty đã ký hợp đồng hàng sản xuất đến hết quí 1 năm sau, nhưng trong 2011, nguồn hàng của công ty sản xuất chỉ còn đến tháng 12 là hết. Lãnh đạo công ty đang chạy đôn chạy đáo tìm hợp đồng nhưng tình hình cũng không mấy khả quan.

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, dù vẫn còn hoạt động nhưng kể từ năm 2012, nhãn hàng Tân Tân đã biến mất khỏi tất cả các kệ hàng siêu thị. Đây thực sự là điều đáng tiếc cho một thương hiệu rất thành công của Việt Nam.

Một trong các nguyên nhân khiến Tân Tân gặp khó, theo ông Quang chính là việc đầu tư bất động sản. Ông Quang cho biết, trong thời điểm bong bóng bất động sản hình thành, Tân Tân cũng nhảy vào đầu cơ, mà thực ra là với mục đích khá “chiến lược”. Đó là việc mua những khu đất trồng nguyên liệu đậu phộng, với mục tiêu thứ cấp là hy vọng sau có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang bất động sản.

Từ cuối năm 2007, Tân Tân rầm rộ “khoe” các dự án bất động sản như đầu tư vào công ty TNHH Đông Dương I thành lập Khu du lịch cao cấp Đông Dương I tại Bình Thuận. Giá trị dầu tư dự kiến 10 tỷ đồng; Thành lập công ty cổ phần đầu tư bất động sản Tân Tân; Xây dựng khu liên hợp căn hộ cho thuê và văn phòng cho thuê cao cấp tại khu đất đường Lương Minh Nguyệt; Xây dựng khu dân cư Tân Tân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn bó lâu dài của cán bộ, công nhân viên trong công ty.

Tuy nhiên, cho tới nay, khó có thể biết được số phận của các dự án này. Khi tìm kiếm tên dự án, google không đưa ra bất cứ kết quả nào.

Cuối năm 2012, Tân Tân còn bị dính tin đồn phá sản do không trả được nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên, không một tuyên bố chính thức nào được đưa ra. Hiện nay, website của Tân Tân vẫn hoạt động.

Như vậy, công ty Tân Tân vẫn “sống”, không phá sản như tin đồn. Nhưng có một điều không thể phủ nhận được chính là việc sản phẩm đậu phộng Tân Tân đã vắng bóng trên thị trường. Bây giờ, tìm mua được một gói đậu phộng Tân Tân không phải là điều dễ dàng.

Còn một điều khó hiểu, khi phóng viên tỏ ý muốn mua sản phẩm, nhân viên kinh doanh của Tân Tân lại giới thiệu thông tin liên lạc của một người… ở công ty khác. Dường như, công ty này vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn.

Dù vậy, ông Quang vẫn hy vọng thương hiệu Tân Tân sẽ sớm tái xuất đầy mạnh mẽ trên thương trường, xứng đáng với một đơn vị từng là thương hiệu mạnh quốc gia. Và muốn có được điều này, ông Quang cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần có được sự chia sẻ từ ngân hàng.

Theo VTC

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang