Vì sao giá sữa cứ thoải mái "nhảy múa"?

author 14:48 24/07/2013

(VietQ.vn) - Việc quản lí giá sữa đã được đề ra trong nhiều năm nay với rất nhiều văn bản của các Bộ ngành liên quan. Tuy nhiên chúng ta vẫn đang "bất lực" trước giá sữa. Chuyên gia kinh tế Phạm Việt Tường đã có trao đổi nhanh với phóng viên về vấn đề này.

Theo ông tại sao chúng ta có rất nhiều văn bản quy định giá sữa, rất nhiều cơ quan quản lý về vấn đề này mà từ đầu năm đến nay giá sữa vẫn cứ "nhảy múa" liên tục?

Một điều rất dễ thấy là từ đầu năm tới nay giá sữa thay đổi liên tục. Đó là do các nhà kinh doanh rất khôn, lách luật rất giỏi. Ví dụ, chúng ta quy định là sữa bột có hàm lượng đạm là 34% với mức thuế nhập khẩu chỉ có 3 - 5% thì họ kê khai là nhập với mức thuế như vậy. Tuy nhiên khi mang vào rồi họ lại chế biến ra những sản phẩm khác được gọi là " thực phẩm chức năng", " thực phẩm dinh dưỡng", "thực phẩm bổ sung"...thì tất cả những cái đó cũng là một dạng sữa. Họ dán tên khác là thực phẩm dinh dưỡng và khi họ bán thực phẩm dinh dưỡng này ra ngoài thị trường thì không phải đăng ký giá với Bộ tài chính cũng như là Bộ Y tế. do vậy mà họ có thể tăng giá thoải mái.

Giá sữa tăng 30 lần trong vòng 6 năm qua, với mức tăng đó là rất nhiều, không kém gì xăng dầu. (Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng)

Vậy theo ông cơ quan chức năng nên làm gì?

Tôi cho rằng cần phải thống nhất về mặt tên gọi để cho người tiêu dùng hiểu họ đang mua sản phẩm cho con họ dùng được hay không. Sữa dành cho 6 tháng tuổi phải khác, tiêu chuẩn khác, thực phẩm chức năng ngoài phạm vi đó.

Theo quy định, khi nào giá sữa tăng trên 20% thì mới có sự can thiệp của nhà nước vào vấn đề này. Tuy nhiên, giá thực phẩm dinh dưỡng là theo giá của thị trường, do doanh nghiệp định giá chứ không phải do giá của nhà nước định ra.

Bên cạnh đó, cần phải quy định sự phối hợp của các cơ quan, vì sữa là do Bộ y tế cấp, nhận tên gọi do doanh nghiệp đăng ký, nhưng giá do Bộ tài chính quản lí và chỉ quản lí giá sữa của trẻ em còn giá của những thực phẩm chức năng khác họ lại không quản lí. Tôi cho rằng đây là một trong những điều bất cập của chúng ta.

Các doanh nghiệp sữa đã đẩy khó khăn cho người tiêu dùng.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có những cơ chế quản lí mới thì chịu thiệt thòi nhất là người tiêu dùng khi mà giá sữa ngày một tăng. Vậy thì phải chăng các doanh nghiệp đang đẩy khó khăn cho người tiêu dùng ?

Giá sữa hiện nay đang gấp đôi giá thế giới. Theo nhiều khảo sát, giá bán trên thị trường rất cao mà phần chênh lệch đó thì chủ yếu rơi vào chi phí quảng cáo, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ, những khoản hoa hồng... Tất cả những điều đó đều bị dồn vào giá sữa thì đương nhiên người tiêu dùng lãnh đủ. Rõ ràng các doanh nghiệp sữa đã đẩy khó khăn cho người tiêu dùng.

Xin cám ơn ông !

Long Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang