Vì sao giá xăng dầu trong nước không thể giảm mạnh như thế giới?

author 12:44 30/03/2020

(VietQ.vn) - Tại kỳ điều hành giá ngày 29/3, Bộ Công thương cho biết tất cả các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm, mạnh nhất là mặt hàng xăng với mức giảm hơn 4.000 đồng/lít.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 11.956 đồng/lít;

- Xăng RON95-III: không cao hơn 12.560 đồng/lít;

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.259 đồng/lít;

- Dầu hỏa: không cao hơn 9.141 đồng/lít;

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 9.453 đồng/kg.

Việc điều chỉnh giảm mạnh như trên là do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 29-3 liên tục lao dốc mạnh. Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các nước, ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa thế giới, giá xăng dầu có biến động có tăng và giảm nhưng xu hướng chung là giảm.

Cụ thể, mức giảm tương ứng lên tới 23-24 USD/thùng với xăng và 13-19 USD thùng với dầu diesel và dầu hỏa, 58 USD/tấn với dầu mazut.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, giá xăng trong nước giảm không tương xứng với giá thế giới. Cụ thể, giá xăng RON 92 thành phẩm dùng để pha chế xăng E5 RON 92 và giá xăng RON 95 bình quân trên thế giới 15 ngày trước kỳ điều chỉnh 29/3 đều giảm khoảng 50% so với kỳ trước.

Lý giải về điều này, trao đổi với Zing, một thành viên trong Tổ điều hành giá xăng dầu thuộc liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, giá xăng dầu hiện nay được điều chỉnh theo cơ chế thị trường và có sự tác động của Nhà nước, cụ thể nhất là quỹ bình ổn.

Tại kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít, với xăng RON 95 là 1.150 đồng/lít. Tức là nếu không trích quỹ, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 sẽ giảm thêm lần lượt 300 đồng/lít và 1.150 đồng/lít.

Về chu kỳ điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần, đại diện Tổ điều hành giá xăng dầu khẳng định có độ trễ. Tuy nhiên, phải tính đến dư địa cho kỳ điều chỉnh tiếp theo, trường hợp này là giá thế giới có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Tỷ giá VND/USD cao hơn những năm gần đây cũng góp phần khiến giá xăng trong nước không thể giảm mạnh như giá thế giới.

Bên cạnh đó, cơ cấu của giá xăng chứa nhiều loại thuế, phí, trong đó thuế bảo vệ môi trường cố định cao nhất là 4.000 đồng/lít. Khi giá xăng được điều chỉnh giảm, đồng nghĩa với việc tỷ trọng các loại thuế, phí tăng lên.

Theo liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng RON 95 thành phẩm bình quân trên thế giới 15 ngày trước kỳ điều chỉnh 29/3 là 25,668 USD/thùng. Như vậy, một lít xăng RON 95 nhập về cảng có giá gốc 0,16 USD, tương đương 3.827 đồng/lít.

Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu chỉ ra cơ cấu giá xăng phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 20% (tương ứng 765 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 383 đồng), VAT 10% (tương ứng 383 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.

Ngoài ra, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (tối đa 300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (tại kỳ điều chỉnh 29/3 với xăng RON 95 là 1.150 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp. Tổng của 4 sắc thuế và các loại phí là 8.031 đồng.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19 của Bộ Công Thương trong tuần qua, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho hay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có báo cáo cho thấy, nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng kéo dài, doanh thu từ bán dầu thô của PVN chỉ còn 2,36 tỷ USD. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD.

Theo ông Sơn, hiện lượng tồn kho xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-80% và có thể tăng trong những ngày tới. Do yếu tố tồn kho và khoảng cách chênh lệch giữa giá sản phẩm với giá dầu thô thấp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tháng 2/2020 lỗ 313 tỷ đồng, lũy kế hai tháng lỗ 228 tỷ đồng.

“Nếu tính giá bán dầu ở mức 30 USD/thùng, nhiều mỏ dầu sau khi nộp thuế và tính các loại chi phí thì thu sẽ không đủ bù chi. Tuy nhiên, hợp đồng dầu mỏ là hợp đồng dài hạn, nếu dừng sản xuất ngay lập tức sẽ gây thiệt hại lớn”, ông Sơn cho hay.

Bảo My (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang