Vì sao giới kinh doanh nước ngoài rời Trung Quốc?

author 23:09 26/10/2013

(VietQ.vn) - Phải chăng kỷ nguyên sự thống trị thế giới của các mặt hàng “Made in China” đang đến hồi kết, khi các tập đoàn nước ngoài tính chuyện rời khỏi Trung Quốc?

131026_toyota dealerMột đại lý của Toyota bị những người biểu tình đốt cháy ở Trung Quốc

Motorola, Apple và một số doanh nghiệp khổng lồ khác đang gây dựng lại cơ sở sản xuất ở Mỹ. Nhiều công ty Đức ngày càng quan tâm đến Bắc Phi và các tập đoàn ô tô Nhật Bản đang rút khỏi Trung Quốc.

Gần hai thập kỷ qua, Trung Quốc là guồng máy khổng lồ không ngừng xuất xưởng đủ thứ sản phẩm. Ở nơi sinh sống của gần 1/5 dân số thế giới, người ta sẵn sàng nhận đồng tiền thù lao rẻ mạt cho bất kỳ công việc nào. Nhà chức trách Trung Quốc cũng ủng hộ sự xuất hiện của đầu tư nước ngoài, nhờ đó giải quyết được vấn đề thất nghiệp trong nước và thu hút công nghệ tiên tiến. Chính sách này đã đem lại tốc độ tăng trưởng vùn vụt cho nền kinh tế. Giờ đây, tăng trưởng có chiều hướng chậm lại và ban lãnh đạo ở Bắc Kinh quyết định kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo Giáo sư Alexey Portansky của Viện Hàn lâm khoa học Nga, một số động thái mới của chính phủ Trung Quốc đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài.

Giáo sư Portansky nói:  “Từ phía Trung Quốc, gần đây xuất hiện thông tin rằng ban lãnh đạo nước này sẵn sàng tiến hành những điều chỉnh cơ bản trong chiến lược kinh tế. Đặc biệt, Quốc vụ viện ban hành kế hoạch cắt giảm công suất dư thừa trong một loạt ngành công nghiệp. Trung Quốc gần như cạn kiệt lao động giá rẻ, được thu hút từ nông thôn trong một thời gian dài. Do vậy, quyết định của giới kinh doanh nước ngoài di chuyển sản xuất sang các nước khác là  hoàn toàn hợp lý”.

Một nguyên nhân khác là các hình thức sản xuất ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao của công nhân. Người lao động Trung Quốc bắt đầu nhận thức được giá trị của họ và đòi hỏi cải thiện về điều kiện làm việc. Chỉ sau vài cuộc đình công, giới chủ buộc phải nhượng bộ. Về vấn đề này,  Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn ĐôngAndrei Ostrovsky nhận xét: “Mặt bằng lương ở Trung Quốc ngày càng cao. Các công ty nước ngoài buộc phải tăng chi phí lao động. Thêm vào đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện cuộc cải cách bảo hiểm xã hội, đẩy cao chi phí về lao động trong các doanh nghiệp”.

Vào thời điểm hiện tại, lương tối thiểu ở Trung Quốc tương đương 0,8 USD cho mỗi giờ làm việc. Tại các tỉnh ven biển, nơi tập trung nhiều cơ sở liên doanh với nước ngoài, thu nhập của công nhân Trung Quốc còn tăng nhanh hơn nữa: 1giờ công tối thiểu là 1 USD. Trong khi ở Philippines, con số này chỉ ở mức 0,61 USD. Đây là một lý do không nhỏ để các doanh nghiệp suy nghĩ về việc di chuyển địa điểm sản xuất. Ngoài Philippines còn có Myanmar, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Các nước Đông Nam Á đang trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Do việc đưa sản xuất hàng loạt trở về Mỹ hoặc Tây Âu là điều khó thực hiện, các nhà sản xuất phương Tây sẽ không hoàn toàn rút khỏi Trung Quốc. Đó là chưa kể, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ khổng lồ với đội ngũ trung lưu ngày càng đông đảo.

Chuyên gia Andrei Ostrovsky về Viễn Đông nhận định: “Các nhà sản xuất ô tô Đức đang thu lợi nhuận chính từ thị trường Trung Quốc chứ không phải thị trường châu Âu. BMW. Opel chậm chân vào Trung Quốc nên bị lỗ lớn, trong khi Volkswagen rất phát đạt. Tất cả các hãng xe hơi lớn ở châu Âu đều có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và không có ý định di chuyển đến nơi nào khác”.

Đối với Nhật Bản, câu chuyện lại không như vậy. Những quan hệ chính trị song phương căng thẳng và tâm lý bài Nhật gay gắt trong xã hội Trung Quốc đã buộc Honda và Toyota xây dựng nhà máy ở các nước khác. Khi cơ sở mới đi vào hoạt động hết công suất, họ sẽ quyết định về số phận các nhà máy trên lãnh thổ Trung Quốc.

Liệu Trung Quốc có lo ngại trước những diễn biến nói trên? Có lẽ không nhiều như một vài năm trước. Trước hết, đây không phải là giải pháp một sớm một chiều. Tiếp đến, người Trung Quốc chủ trương bắt tay sản xuất các sản phẩm nội địa. Phó giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Nga Konstantin Kokarev nhận định người Trung Quốc tiến theo hướng tự sản xuất xe hơi, đồ điện tử và cung cấp dịch vụ. Đây chính là giai đoạn phát triển mới ở Trung Quốc.


Theo Đài Tiếng nói nước Nga


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang