Vì sao hạt lúa Việt Nam tụt hậu?

author 12:45 09/08/2012

(VietQ.vn) – Vì sao nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng lại dần tụt hậu so với thế giới?

Các nhà khoa học tại Hội thảo “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” nhận định, việc áp dụng khoa hoc và công nghệ (KH&CN) trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, khiến nông sản chưa tăng nhiều về năng suất và chất lượng.

TS Đặng Kim Sơn, nhà khoa học luôn có những ý kiến đổi mới về cách quản lý nghiên cứu khoa học nông nghiệp.
TS Đặng Kim Sơn, nhà khoa học luôn có những ý kiến đổi mới về cách quản lý nghiên cứu khoa học nông nghiệp.

Khi cán bộ khoa học chưa hăng say nghiên cứu

Nguyên nhân của tình trạng trên, TS. Đặng Kim Sơn – Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định yếu tố cản trở lớn nhất cho hoạt động của các cơ quan KH&CN công lập hiện nay không phải là kinh phí hay cơ sở vật chất mà chính là thiếu động lực cho đội ngũ cán bộ. Cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông không coi mình là chủ nhân của viện nghiên cứu, trạm kỹ thuật, không hăng say nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Các hoạt động nghiên cứu tại các viện nghiên cứu và chuyển giao khoa học tại các trung tâm khuyến nông không coi người sản xuất kinh doanh là khách hàng, KH&CN là hàng hóa. Bên cạnh khó khăn này thì hoạt động KH&CN nông nghiệp cũng gặp một số khăn khác như định mức kinh tế - kỹ thuật để xây dựng các dự toán hiện nay không linh hoạt, không gắn với giá trị trường của từng chuyên ngành kỹ thuật cụ thể. Các quy định về nâng lương theo ngạch bậc, tạo điều kiện cho cán bộ lâu năm có kinh nghiệm, không hỗ trợ cán bộ trẻ.

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm - ĐH Nông nghiệp 1, phân tích: hiện nay các cơ quan quản lý cho rằng, “đấu thầu” đề tài là đổi mới quan trọng nhất vì mở rộng dân chủ và nhờ đó có thể chọn được chủ nhiệm đề tài giỏi nhất để thực hiện nhiệm vụ KH&CN, nhưng các đơn vị này không biết rằng nếu “đấu thầu” ngay khi mới thuyết minh để chọn thì nghĩa là chọn “bản thuyết minh” tốt chứ không phải là chọn “sản phẩm” nghiên cứu tốt.

Trên đồng ruộng, người nông dân trồng lúa luôn cần giống lúa tốt, doanh nghiệp lại càng cần có giống lúa tốt như vậy để bán cho dân. Trong khi Chính phủ lại bảo hộ cho các “bản thuyết minh” tốt, cung cấp tài chính cho đơn vị “trúng thầu” thực hiện và kiểm soát từng đồng theo dự toán chủ quan… PGS.TS Trâm cũng cho rằng, cách quản lý đề tài như vậy là thủ tiêu cạnh tranh – động lực cơ bản để phát triển trong kinh tế thị trường.

Cách nào thúc đẩy khoa học phát triển?

Một trong những giải pháp mà TS Đặng Kim Sơn đưa ra là cán bộ hợp đồng làm việc của tổ chức KH&CN công lập được đóng cổ phần sáng lập, được tham gia hội đồng quản trị và làm giám đốc các doanh nghiệp do đơn vị đóng góp vốn sáng lập; các tổ chức KH&CN được thành lập các tổ chức liên doanh nghiên cứu và đào tạo và được thuê người có đủ tiêu chuẩn làm nhiệm vụ quản lý và lãnh đạo chuyên môn, kể cả chuyên gia nước ngoài hoặc Việt kiều đủ tiêu chuẩn và năng lực; khoán thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN đến sản phẩm cuối cùng đối với các sản phẩm KH&CN đạt tiêu chí nhất định; khoán chi nhiệm vụ KH&CN đối với các sản phẩm KH&CN thuộc diện không áp dụng được khoán đến sản phẩm cuối cùng bằng tính đúng, tính đủ dự toán. Đặc biệt tạo cơ chế ưu đãi, khuyến khích cán bộ trẻ có năng lực và thu hút người tài vào hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu.

Đại diện doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình khẳng định, cần phải xây dựng chiến lược phát triển KH&CN nông nghiệp dựa trên 3 trụ cột trí tuệ - công nghệ và mở rộng hợp tác. Khâu yếu nhất của hoạt động KH&CN ở Việt Nam hiện nay là chưa có cơ chế phối hợp đủ mạnh giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp.

Cần phải có cơ chế khuyến khích khen thưởng cho các nhà khoa học có những đề tài nghiên cứu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước và nhanh chóng xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới cơ chế tài chính trong nông nghiệp để khoa học nông nghiệp ngày càng có nhiều kết quả tốt hơn hiện nay.

Hoàn Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang