Vì sao không công bố doanh nghiệp, sản phẩm sữa kém chất lượng?

author 09:16 04/04/2013

(VietQ.vn) - Cả hai Phó cục trưởng của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) là ông Nguyễn Thanh Phong và Nguyễn Hùng Long đều cho rằng, không thể công bố danh tính doanh nghiệp và sản phẩm sữa kém chất lượng trong vấn đề liên quan đến 13 mẫu sữa thiếu chất như Cục này đã công bố mới đây.

Trước thông tin, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra 188 mẫu sữa bột bổ sung vi chất (DHA) và phát hiện 13 mẫu không đạt yêu cầu.

Trong đó, 13/13 mẫu không đạt về hàm lượng DHA, 4/13 mẫu không đạt về hàm lượng omega 3, 6/13 mẫu không đạt về hàm lượng canxi, 8/13 mẫu phát hiện hàm lượng sắt thấp hơn hàm lượng công bố trên bao bì sản phẩm.

Thông tin nói trên là một cú đánh mạnh vào lòng tin người tiêu dùng khi họ đã yêu quý và sử dụng sản phẩm sữa của các doanh nghiệp trong suốt thời gian vừa qua. Người tiêu dùng bức xúc và tự đặt câu hỏi, chất lượng sản phẩm sữa thế nào là do doanh nghiệp công bố, Cục An toàn thực phẩm là nơi kiểm tra, kiểm nghiệm với các công bố đó của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự việc 13 mẫu sữa không đạt chất lượng như công bố đã cho thấy, doanh nghiệp không những “qua mặt” người tiêu dùng một cách dễ dàng mà còn “định” qua mặt cả các cơ quan chức năng quản lý.

Doanh nghiệp sữa nói rối, "thần thánh" hóa về sản phẩm của mình. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp sữa nói quá, "thần thánh" hóa về sản phẩm của mình. Ảnh minh họa

Nếu không có việc kiểm tra, lấy mẫu của các cơ quan chức năng và cho biết trong 188 mẫu sữa bột bổ sung vi chất (DHA), có 13 mẫu không đạt hàm lượng, chất lượng như doanh nghiệp công bố, chắc chắn doanh nghiệp vẫn tiếp tục lừa bán sản phẩm kém chất lượng cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, trên các trang website của các doanh nghiệp sữa, trên truyền hình, báo chí, các doanh nghiệp sữa lại quảng cáo, “thần thánh hóa” sản phẩm sữa của mình như một loại thực phẩm “vạn năng”.

Điều đáng nói là, sau khi có thông tin các sản phẩm sữa của các doanh nghiệp kém chất lượng, chính bản thân Cục An toàn thực phẩm phát hiện ra dựa vào chương trình kiểm tra giám sát chủ động trong năm 2012. Nhưng trả lời câu hỏi của PV về việc các doanh nghiệp đó là ai, sản phẩm đó là gì, người tiêu dùng có quyền biết về các sản phẩm đó thì cả hai Phó cục trưởng Cục an toàn thực phẩm là ông Nguyễn Thanh Phong và ông Nguyễn Hùng Long đều cho rằng, không thể công bố điều đó.

Theo lý giải của ông Nguyễn Thanh Phong, các nhãn sữa thiếu vi chất, đó là kết quả của hoạt động giám sát chủ động được thực hiện định kỳ hàng năm và thực hiện trong năm 2012.

Khi lấy mẫu chủ động, phát hiện ra các kết quả xét nghiệm với các chỉ số không đảm bảo, cơ quan quản lý, trực tiếp là Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các cơ sở y tế các tỉnh đóng trên địa bàn, cùng thanh tra của Cục An toàn thực phẩm trực tiếp lấy mẫu.

“Khi lấy mẫu, phát hiện các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, Cục đã giao cho các cơ sở y tế các tỉnh có liên quan xử lý vi phạm. Việc xử lý vi phạm cũng có ba trường hợp. Một là khi sản phẩm không có chất độc hại, ảnh hưởng, uy hiếp tính mạng của người sử dụng thì sẽ thu hồi, tái chế sản phẩm. Khi sản phẩm không tái chế được sẽ buộc chuyển mục đích sử dụng. Khi chuyển mục đích sử dụng vẫn không được, buộc doanh nghiệp phải tiêu hủy sản phẩm – Điều này được quy định rất cụ thể trong điều 30 – 40 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, trong điều kiện phát hiện thấy sản phẩm có chứa chất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan chức năng sẽ xử lý ngay, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trả lời trên báo Lao Động mới đây, ông Trần Hùng – Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương cho rằng, việc đăng tải thông tin minh bạch về sữa tôi rất ủng hộ. Phối hợp cùng với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, hải quan và các đơn vị chức năng để chúng ta hướng dẫn cho người tiêu dùng được biết danh sách công bố những  công ty đang kinh doanh sản phẩm sữa. Những công ty mà có thương hiệu và chất lượng có uy tín sẽ được xếp hạng, những doanh nghiệp vi phạm cũng phải nói để các doanh nghiệp được biết.  

“Ở những mặt hàng thiết yếu phải có chế tài hình sự, thậm chí khởi tố, truy tố trước pháp luật để răn đe làm gương. Chúng ta phải làm rõ công khai minh bạch, ai tốt chúng ta quảng bá, hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng; nhưng ai làm không tốt, chúng ta phải chỉ  rõ để mọi người được biết. Sản phẩm nào có chất lượng tốt, chúng ta phải đăng báo trên các phương tiện để người tiêu dùng biết”, ông Hùng cho biết.

Còn với trường hợp, biện pháp xử lý như yêu cầu tái chế, chuyển đổi mục đích sử dụng, thiêu hủy được đưa ra nhưng doanh nghiệp không chấp hành, trong 7 ngày làm việc, cơ quan quản lý mới được phép công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Việc công bố đó bao gồm: Tên, địa chỉ doanh nghiệp, sản phẩm vi phạm

Còn khi đã thu hồi, tái chế… doanh nghiệp đã chấp hành, việc xử phạt vẫn được thực hiện và việc công bố danh tính sản phẩm doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện được.

Một điều mà ông Phong lưu ý là, tất cả các sản phẩm sữa kém chất lượng được xử lý trong năm 2012 không có sản phẩm nào chứa chất độc hại, gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng mà nó chỉ không đạt chất lượng.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hùng Long ngươì đồng cấp với ông Phong cho rằng, việc giám sát chủ động là giám sát về mối nguy, các yếu tố độc hại… còn về chất lượng, các địa phương cũng được phép chủ động tiến hành.

Việc giám sát này cũng được thực hiện trên một dòng sản phẩm, mô lô hàng. Khi thanh tra sản phẩm, nếu có vấn đề, thanh tra chuyên ngành sẽ yêu cầu thu hồi và xử lý lô hàng đó.

“Khi đã xử lý sản phẩm và doanh nghiệp đã khắc phục được rồi thì việc không công bố danh tính doanh nghiệp và sản phẩm kém chất lượng sẽ không thực hiện. Làm điều đó là để tráng tình trạng người tiêu dùng hiểu nhầm. Chỉ một hoặc vài sản phẩm kém chất lượng mà đánh đồng với tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp đó kém chất lượng”, ông Long nói.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang