Vì sao không thay đồng loạt sách giáo khoa mới?

author 06:53 20/09/2013

(VietQ.vn) - Không thay sách giáo khoa tất cả các lớp cùng lúc vì không kịp tiến độ và những em học lớp trên không kịp chuẩn bị học theo phương pháp mới.

Bộ Giáo dục chưa biên soạn sách mới

Những hạn chế của bộ sách giáo khoa hiện hành đã khiến từ phụ huynh đến các đại biểu Quốc hội mong muốn có bộ sách mới, tiến bộ hơn. Nhưng tuyên bố mới đây về việc "mỗi năm chỉ thay sách cho một lớp" theo kiểu cuốn chiếu, đã khiến nhiều người hụt hẫng, vì cứ hy vọng đến 2015, con cái mình sẽ được học sách mới.

Sách giáo khoa mới sẽ không có bài đánh đố học sinh.

 

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam sáng 19/9, TS Trần Luận, tác giả SGK Toán bậc THCS cho biết, trước kia, chúng ta thay sách giáo khoa đồng loạt ở các lớp đầu cấp như lớp 1, 6 và 9. Cách làm đó đã khiến nhiều em bị thay đổi đột ngột cách học, có sự "vênh" giữa kiến thức học theo chương trình cũ và chương trình mới.

Nên lần này phải thay lần lượt, để đảm bảo sự đồng bộ và tránh "khập khiễng", "hổng" kiến thức. Điều quan trộng nhất là chương trình mới sẽ để học sinh tự khám phá kiến thức chứ không phải kiểu thầy cô dạy như trước. Nên nếu không làm quen từ các lớp dưới, lên lớp trên, các em khó có thể thích ứng. Mặt khác, để đổi mới cách dạy và học, phải cần thời gian để bồi dưỡng giáo viên, là đội ngũ mà không hề đồng đều về trình độ.

"Vậy tại sao chúng ta không dịch các bộ sách giáo khoa nước ngoài cho nhanh?" - trả lời câu hỏi này, TS Trần Luận cho biết, mỗi nước có điều kiện kinh tế - xã hội - văn  hóa khác nhau, nên không thể dập khuôn, bê nguyên xi nước khác cho học sinh nước mình học tập.

Còn PGS.TS Đào Thái Lai, Chủ biên sách giáo khoa Toán cấp tiểu học cho biết, phải chờ Hội nghị Trung ương Đảng vào tháng 10 lần này quyết định Đề án đổi mới giáo dục. Căn cứ vào đó mới quyết định đổi mới như nào, học phổ thông 11 năm hay 12 năm, theo những định hướng gì...mới có thể viết sách giáo khoa mới.

Hiện nay, lực lượng và các nguồn lực đã sẵn sàng, nhưng phải chờ quyết định của cấp trên mới tổ chức hội đồng biên soạn sách.

Sách sẽ không có bài "sao"

PGS.TS Đào Thái Lai cũng khẳng định, sách giáo khoa mới bậc tiểu học vẫn sẽ không có bài tập về nhà và khuyến khích nhà trường không ra bài tập cho học sinh, kể cả trong các cuốn sách bài tập của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Còn TS Trần Luận cho rằng, với cấp THCS trở lên thì vẫn có bài tập về nhà, vì trên bình diện cả nước, cấp THCS trở lên chưa thể tổ chức học 2 buổi, nên học sinh phải tự học ở nhà thêm.

Tuy nhiên, như định hướng của GS Phan Đức Chính và tập thể tác giả viết sách, các nội dung trong sách giáo khoa mới sẽ không có bài đánh đố, không có "bài toán sao". Thực tế, bộ sách hiện nay cũng không có những bài khó.

"Việc các phụ huynh kêu chương trình nặng không phải do sách giáo khoa. Bởi thực tế, các thầy cô đã dạy cao hơn nhiều so với chương trình trong sách. Mục đích là để các cháu vào các lớp chọn, lớp chuyên...hoặc để chuẩn bị thi ĐH. Ở các nước phát triển, họ có hệ thống trường nghề hiện đại, người học ra trường có thu nhập tốt. Còn ta thì không được vậy, nên phụ huynh và học sinh thường nghĩ, chỉ có con đường vào đại học. Thế mới sinh ra học thêm, quá tải..." - TS Trần Luận phân tích.

Dự kiến, đến 2017, sau khi thử nghiệm, bộ sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng đại trà.

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa có ít nhất 1/3 là giáo viên đứng lớp

Theo Nghị định mới thi hành Luật Giáo dục, Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa, giáo trình là tổ chức giúp người có thẩm quyền duyệt chương trình, sách giáo khoa, giáo trình. 

Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa, giáo trình bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ khoa học, kỹ thuật có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục và sách giáo khoa của giáo dục phổ thông phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.


Nhật Minh




Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang