Vì sao máy bay Vasco phải hạ cánh bằng bụng?

author 07:18 26/11/2013

Chiều 25/11, một tàu bay bay hiệu chuẩn của Vasco đã phải hạ cánh xuống sân bay Buôn Mê Thuột trong tình trạng máy bay không hạ được càng.

Vasco là một hãng hàng không thuộc Tổng công ty Hàng không VN chuyên thực hiện các chuyến bay từ TP HCM đi các tỉnh miền Nam, hải đảo và các thực hiện các dịch vụ như tìm kiếm cứu nạn, bay hiệu chuẩn, khảo sát....

Sau khi sự cố xảy ra, đại diện Vietnam Airlines cho biết, đây là chuyến bay chuyển trường (làm nhiệm vụ bay hiệu chuẩn) mang số hiệu VFC-750 của Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO, xuất phát từ Đà Lạt. Lúc 16h20, chiếc tàu bay của Vasco đã buộc phải hạ cánh tại Buôn Ma Thuột trong điều kiện rất nguy hiểm. Trên máy bay khi đó có 9 người bao gồm 3 phi công, 1 cán bộ điều hành bay VASCO và 5 cán bộ của Công ty TNHH Quản lý bay Việt Nam. Rất may, đã không có thiệt hại về người, toàn bộ tổ lái và các nhân viên trên máy bay đều an toàn.
Chiếc máy bay gặp sự cố
 
Chiếc máy bay gặp sự cố là máy bay King Air 200 có số hiệu đăng ký VN-B594, xuất xưởng năm 1989, được bảo dưỡng lần cuối theo kế hoạch vào ngày 29/08/2013 tại VASCO. Máy bay này chỉ được sử dụng vào các mục đích hàng không chung như bay hiệu chuẩn, tìm kiếm cứu nạn, chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất....

Theo lời kể của cơ trưởng chuyến bay Nguyễn Ngọc Chấn, người trực tiếp điều khiển máy bay hạ cánh: “Cơ phó Lương Ngọc Thắm lúc đó thay tôi lái chính phát lệnh hạ càng theo quy định. Tôi là người cầm cần thực hiện động tác. Thực hiện xong, tôi quan sát thấy tàu bay có tốc độ lớn hơn bình thường và nghiêng. Khi máy bay chạm đường băng, nghe lịch kịch, tưởng bị nổ lốp, chúng tôi tập trung vào giảm ga, điều chỉnh hướng. Nhưng rồi sự việc xảy ra rất nhanh, có tiếng chà sát dưới bụng máy bay, tiếng cánh quạt chém xuống đường băng. Cứ thế, máy bay trượt khoảng hơn 100m nữa thì dừng hẳn”.

Vị cơ trưởng 58 tuổi, 20 năm bay loại máy bay này bình tĩnh hô tất cả 8 người còn lại mở cửa nhanh chóng xuống máy bay, còn mình điện cho bộ phận điều hành ở sân bay về sự cố, tắt máy và rời máy bay sau cùng.

Các công tác cứu nạn được triển khai, xăng được hút hết ra ngoài để tránh cháy nổ, sân bay hoạt động trở lại lúc 19 giờ cùng ngày. Chiếc máy bay bị hỏng cánh quạt, bụng máy bay bị chà xát mạnh.

“Mọi người đều nói may mắn. Máy bay vẫn nằm ở vị trí thẳng đứng, tất cả người trong khoang an toàn. Còn với tôi cảm thấy cuộc đời bay của mình không mỹ mãn”, cơ trưởng Chấn nói.

Cơ trưởng Chấn cho biết, thường thì trong tình huống máy bay không hạ được càng có nhiều cách xử lý như: Lấy lại độ cao để thực hiện “bơm” cho càng nhả ra. Nếu càng không nhả ra, sân bay sẽ rải bọt để hạ trên đường băng, hạ trên bãi cỏ hoặc trên sông, biển... Tuy nhiên, trong trường hợp này, tổ bay không nhận được tín hiệu càng không hạ được. “Thông thường khi ga nhỏ để hạ cánh, nếu càng không hạ được, buồng lái sẽ có tiếng tít tít phát ra, nhưng chúng tôi không nghe thấy. Tuy nhiên, để đi đến kết luận sẽ phải qua một quá trình điều tra”.

Theo GTVT
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang