Vì sao người Nhật cúi chào cả người ở đầu dây điện thoại bên kia và… đoàn tàu rời sân ga?

author 09:11 02/08/2017

(VietQ.vn) - Ở mỗi nước, người dân lại có một nghi thức chào hỏi khác nhau, thể hiện văn hóa và tính cách con người đặc trưng. Trong đó, cách chào hỏi của người Nhật được đánh giá là lịch sự nhất thế giới.

Không giống với các nước phương Tây, Nhật Bản không bắt đầu chào hỏi qua cái bắt tay hoặc ôm hôn mà họ gập người cúi chào lịch sự.

Lý do trẻ con Nhật Bản phải học chào đúng cách ngay từ khi còn nhỏ

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ con Nhật Bản đã phải học cách cúi chào lịch sự.

Là một đất nước vốn coi trọng đặc biệt văn hóa, nghi thức và lễ nghĩa nên người Nhật đánh giá người khác không chỉ ở cách nói chuyện mà còn quan sát cả cử chỉ, thái độ mà một người thể hiện xem họ có lịch sự và nhã nhặn hay không.

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ con Nhật Bản đã phải học cách cúi chào một cách lịch thiệp.

Cách chào của Nhật Bản rất quan trọng. Sở dĩ họ không chào hỏi giống như người dân ở phương Tây là vì người Nhật kiêng không chạm vào cơ thể người khác và việc gập người cúi chào không chỉ thay cho lời chào với đối phương mà còn thể hiện được sự tôn trọng của họ với người đó.

Nghi thức cúi chào ở Nhật Bản không đơn giản, ngược lại còn khá phức tạp nhưng vô cùng quan trọng trong giao tiếp nên nếu có dịp tiếp xúc với người dân ở Nhật bạn phải học cúi chào đúng cách một cách lịch sự, nhã nhặn và thể hiện được sự tôn trọng đối với người dân xứ sở mặt trời mọc này.

Cách chào hỏi truyền thống khi gặp gỡ của người Nhật là cúi gập người về phía đối phương. Tùy vào tình huống cụ thể, sự trang trọng, mối quan hệ giữa 2 bên, cách cúi chào và tư thế gập người sẽ thay đổi.

Nam giới Nhật Bản thường cúi chào với 2 bàn tay để dọc theo người, còn nữ giới thường cúi chào với 2 bàn tay để phía trước và chạm vào phần đùi của mình.

Nghi thức cúi chào ở Nhật Bản không chỉ dùng mỗi khi gặp nhau, mà còn thể hiện sự biết ơn, hối lỗi, nhờ cậy...

Có 3 kiểu cúi chào ở Nhật đó là:
- Cúi 15 độ: Đối với những người ngang bằng mình như là bạn bè, đồng nghiệp, thể hiện xã giao hàng ngày.
- Cúi 30 độ: Khi gặp mặt lần đầu tiên, thể hiện sự trang trọng, lịch sự hơn.
- Cúi 40 độ: Thể hiện lòng biết ơn ai đó bằng cả tấm lòng của mình.

Với những người lớn tuổi hơn hay sếp của mình, nếu cúi càng thấp và giữ tư thế đó lâu hơn bình thường thì càng thể hiện rõ sự kính trọng của bạn đối với họ.

Người Nhật cúi chào cả người ở đầu dây điện thoại bên kia và… đoàn tàu rời sân ga

Tần suất người Nhật cúi chào nhau tương đối cao, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Hành động cúi chào không chỉ được dùng trong những trường hợp trang trọng.

Có khi đang phải làm việc bận rộn trong công ty, hoặc đang ở bến xe…, người dân Nhật Bản vẫn không quên cúi chào nhau. Có thể nói việc cúi chào dường như đã trở thành thói quen, phản xạ của người dân nơi đây.

Nếu có dịp đến Nhật Bản, bạn đừng quá ngạc nhiên khi thấy một người dân đang nghe điện thoại cúi chào trên đường trong khi chẳng có ai xung quanh họ cả. Mặc dù đối phương cũng không thể nhìn thấy họ nhưng họ vẫn cúi chào như một thói quen, phản xạ lịch sự.

Tới những sân ga ở Nhật, bạn có thể chứng kiến cảnh những người đàn ông và phụ nữ làm việc trong ngành đường sắt cúi đầu chào đoàn tàu đang rời khỏi sân ga. Hành động cúi chào này của họ thể hiện sự trân trọng và biết ơn đối với những hành khách trên chuyến tàu đó.

Lý giải cảm giác được là thượng đế khi tới nhà hàng, khách sạn ở Nhật

Là đất nước rất coi trọng văn hóa, nghi thức và lễ nghĩa nên người Nhật thường đánh giá người khác không chỉ dựa vào cách nói chuyện mà còn xem xét cả cử chỉ, thái độ của người đó có nhã nhặn và đúng cách hay không.

Nhân viên mới vào các công ty ở Nhật thường phải để ý rất kỹ về việc chào hỏi đúng quy cách.

Có những công ty cẩn thận tới mức còn dùng thước để đo độ gập thân cúi chào của nhân viên bởi họ quan niệm, cúi gập người chào khách là điều đặc biệt quan trọng, không những thể hiện sự tôn trọng, ân cần đối với khách hàng mà còn nói lên sự kính trọng đối với những người lãnh đạo.

Văn hóa chào hỏi lịch sự của người Nhật được thể hiện ở gần như tất cả mọi lúc, mọi nơi. Khi bước chân vào các quán ăn hay nhà hàng, khách sạn ở Nhật, nhân viên ở đây sẽ cho bạn có cảm giác mình trở thành thượng đế khi họ cúi gập đón chào bạn bằng câu nói Irasshaimase (chào mừng quý khách).

Khi trả tiền thừa, nhân viên nhà hàng sẽ đặt một tay dưới tay bạn để không làm rơi tiền xu xuống đất. Khi bạn rời khỏi quán, sẽ có nhân viên đứng ở lối ra và cúi chào bạn cho đến khi bạn đã đi khuất.

Mỗi khi bước vào thang máy, nhân viên túc trực, hướng dẫn khách đi luôn cúi chào lịch thiệp bạn. Không ít người tưởng những quý cô này là robot được lập trình sẵn bởi những động tác chào hỏi quá chính xác và chỉn chu.

Mộc Trà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang