Vì sao ‘người trong nhà’ Thế giới Di động không mua đủ số cổ phiếu đã đăng ký?

author 10:39 28/04/2020

(VietQ.vn) - Dù đăng ký mua số lượng lớn nhưng khi hết kỳ hạn thực hiện giao dịch, hàng loạt lãnh đạo Thế giới Di động (MWG) không thể mua hết số cổ phiếu này.

Sự kiện: Kết quả kinh doanh

Mới đây, Công ty Cổ phần Thế giới Di động (MWG) công bố hàng loạt báo cáo về việc mua cổ phiếu của các lãnh đạo trong thời gian từ ngày 23/03 đến 25/04/2020. Điều đáng chú ý, tất cả các lãnh đạo này đều không mua đủ số lượng cổ phiếu như đã đăng ký trước đó.

Kết quả công bố, MWG cho biết trong 6 giao dịch đăng ký mua, chỉ có 2 giao dịch được hoàn tất. Cụ thể, ông Trần Kinh Doanh - Tổng Giám đốc MWG và ông Đoàn Văn Hiểu Em - Giám đốc Điều hành hai chuỗi điện thoại và điện máy đã mua thành công số lượng cổ phiếu đăng ký trước đó, lần lượt là 720.000 cổ phiếu và 80.000 cổ phiếu trong thời gian từ 27/03 - 23/04 và từ 23/03 - 21/04. Như vậy, kết thúc giao dịch, ông Doanh nắm giữ hơn 4,7 triệu cổ phiếu MWG (1,04%) và ông Hiểu Em nắm hơn 261.000 cổ phiếu MWG (0,12%).

Trong khi đó, thời gian từ 27/03-25/04, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG chỉ thực hiện mua 40% trong số 500.000 cổ phiếu MWG đã đăng ký. Nguyên nhân do ông Tài thay đổi kế hoạch tài chính cá nhân. Sau khi giao dịch hoàn tất, số lượng cổ phần mà Chủ tịch HĐQT nắm giữ hơn 12 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng với tỷ lệ 2,7%.

Cũng thay đổi kế hoạch tài chính cá nhân, bà Nguyễn Thị Thu Hương - vợ ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng ban Kiểm soát MWG đã đăng ký mua 200 ngàn cp MWG trong thời gian từ 27/03 - 25/04 nhưng không thực hiện hết.

Còn Giám đốc Tài chính MWG - bà Vũ Đăng Linh do không thu xếp kịp nguồn tài chính cá nhân nên chỉ mua được 10.000 cổ phiếu MWG, chưa tới 15% con số đã đăng ký giao dịch từ ngày 23/03 - 21/04. Kết thúc giao dịch bà Linh nắm giữ hơn 386 ngàn cp MWG (0,09%).

Bà Lý Trần Kim Ngân - Kế toán trưởng MWG đã đăng ký mua 50.000 cổ phiếu MWG trong thời gian 23/03-21/04. Tuy nhiên với lý do điều kiện thị trường không thuận lợi nên bà Ngân chỉ mua được 50% số lượng đã đăng ký, qua đó nâng tổng số lượng cổ phần nắm giữ lên 261.000 cổ phiếu (0,06%).

Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch 29/4, mã cổ phiếu MWG có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp, còn 81.600 đồng/cổ piếu. Tính tới hiện tại, mã cổ phiếu này giảm 0,61% so với phiên giao dịch trước đó. Vốn hóa trên thị trường của MWG đang ở ngưỡng 36.950 tỷ đồng.

Năm 2019, bức tranh kinh doanh của MWG có nhiều thay đổi ngược chiều. Dù doanh thu, lợi nhuận tăng nhưng khoản nợ phải trả, hàng tồn kho của doanh nghiệp bán lẻ này không ngừng đi lên. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý IV/2020, khoản lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của MWG năm 2019 âm nặng 1.285 tỷ đồng, chủ yếu do ảnh hưởng của khoản mục hàng tồn kho khi tăng tới 47% lên mức 26.196 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Hàng tồn kho lớn cũng khiến MWG phải trích lập dự phòng giảm giá tới 405 tỷ đồng trong năm 2019.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của MWG cũng liên tục âm từ năm 2016 đến nay, nhất là năm 2019 đột biến hơn gấp đôi lên 5.818 tỷ đồng do tăng chi tiền cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác ngoài việc mua sắm và xây dựng tài sản cố định như hàng năm. Ngoài ra, trong cơ cấu nguồn vốn 41.708 tỷ đồng của MWG, nợ phải trả chiếm tới gần 71%, tương ứng 29.564 tỷ đồng chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn của MWG tăng vọt gấp 2,2 lần đầu kỳ, lên tới 13.031 tỷ đồng. Còn vay nợ tài chính dài hạn vẫn duy trì ở mức chỉ 1.122 tỷ đồng. Do vay nợ lớn khiến MWG phải chi ra hơn 568 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2019, tăng hơn 30% so với năm 2018.

Về các khoản vay ngắn hạn của MWG có kỳ hạn trả gốc và lãi, khoản dài nhất là đến tháng 7/2022 với 464 tỷ đồng từ Ngân hàng BNP Paribas chi nhánh Singapore, còn lại đều tối đa đến tháng 3/2020.

Đáng chú ý, 5 khoản nợ mà MWG vay trên ngàn tỷ là tại Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) 1.952 tỷ đồng; Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi nhánh Hà Nội là 1.844 tỷ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG) cho vay 1.698 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) chi nhánh TP.HCM với 1.432 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH Mizuho Bank chi nhánh Hà Nội 1.268 tỷ đồng...

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang