Vì sao người Việt lại ít khi tổ chức đám cưới vào mùa hè?

author 06:08 12/04/2015

(VietQ.vn) - Vì sao người Việt thường tổ chức đám cưới vào mùa xuân và mùa đông mà lại không phải là mùa hè?

Đây là câu hỏi mà tòa soạn Chất lượng Việt Nam được bạn đọc gửi thư đến hỏi nhiều trong thời gian qua. Trong đó một số người cho rằng, vì mùa hè nóng, mùa đông và mùa xuân mát mẻ hơn nên nam nữ mới tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhiều nhà văn hóa, không hoàn toàn là như vậy, bởi “mùa đông, mùa xuân mát mẻ thì không phải nói rồi nhưng còn mùa hè nóng nực chẳng lẽ lại mỗi người một giường hay sao?”

người việt thường tổ chức đám cưới vào mùa xuân và mùa đông

Đám cưới ở vùng nông thôn Việt Nam

Trước băn khoăn này, phóng viên Chất lượng Việt Nam có xin ý kiến Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng - khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo Tiến sĩ Thắng thì có hai nguyên nhân khiến người Việt thường tổ chức đám cưới vào mùa xuân và mùa đông mà không phải là mùa hè.

Lí do đầu tiên, Tiến sĩ Thắng cho rằng một phần phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết.

“Mùa hè là mùa của mưa gió, bão bùng, nắng nôi. Do đó, nếu có hôn sự tổ chức vào mùa này thì về thời tiết khí hậu rất bất thuận, khiến gia đình có hôn sự không yên tâm. Tuy nhiên đây chỉ là lí do nhỏ”, Tiến sĩ Thắng nói.

Còn lí do mấu chốt, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng lí giải là do tâm linh. Theo ông, mùa hạ có tháng là tháng 7. Tháng 7 thì có mưa ngâu, có sự tích Ngưu Lang – Chúc Nữ, hay còn gọi là ông ngâu – bà ngâu.

“Hai người yêu nhau nhưng không đến được với nhau, họ mỗi người mãi mãi phải ở hai đầu của con sông ngân hà và một năm chỉ được gặp nhau một lần. Việc này nó thể hiện cho sự chia lia, xa cách, không trọn vẹn, nên người Việt mới kiêng tổ chức đám cưới vào mùa hạ”, Tiến sĩ Thắng lí giải.

Ngoài hai lí do trên, theo một số “tài liệu truyền miệng” thì nguyên nhân người Việt ít cưới vào mùa hạ có ảnh hưởng từ văn hóa cưới hỏi của Trung Quốc xưa kia, mấu chốt là liên quan đến nghề trồng lúa nước.

Văn minh lúa nước là một nền văn minh cổ đại xuất hiện từ cách đây khoảng 10.000 năm tại vùng Đông Nam Á, sau đó được du nhập tới một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ,…

Trung Quốc là đất nước có khí hậu lạnh, mùa đông nước ở ruộng đồng đều bị đóng băng nên người nông dân không thể canh tác. Phải đợt đến mùa xuân, khi nước đã tan băng họ mới có thể trồng lúa được. Hết mùa xuân, đến mùa hạ thì lúa trổ bông và được thu hoạch.

Vào thời gian này, nhà nông rất cần lao động để gặt, đập lúa và phơi thóc, nên nếu nhà nào có con gái mà gả đi lấy chồng thì gia đình đó sẽ mất đi lao động. Bởi thế nên nhà nông dân Trung Quốc xưa kia không cho con gái đi lấy chồng vào mùa hạ mà phải để qua đến mùa đông và mùa xuân.

Về lí giải này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, văn hóa đôi khi cùng một vấn đề nhưng có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo tìm hiểu của ông, Trung Quốc là một quốc gia rất rộng lớn, chỉ có phía bắc Trung Quốc và lưu vực sông Hoàng Hà hắt lên thì khí hậu mới khô lạnh. Còn phía Nam Trung Quốc bao gồm Vân Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây,… thì cũng giống như ở Bắc Việt Nam. Cho nên Tiến sĩ Thắng cho rằng, luận giải việc cưới hỏi theo mùa dựa theo thời tiết của Trung Quốc là thiếu cơ sở.

“Hơn nữa, đây là văn hóa cưới hỏi của người Việt Nam, mặc dù có tiếp biến của văn hóa Trung Quốc nhưng chúng ta vẫn giữ lại được những hồn cốt bản địa”, Tiến sĩ Thắng giải thích. 

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang