Vì sao nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Agribank bị bắt giam?

author 08:10 21/09/2014

Ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.

Tháng 9-2014, các lãnh đạo Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Agribank lại ra tòa vì tham ô liên quan đến vụ mua bán thiết bị lặn - Ảnh: Hoàng Điệp
Tháng 9-2014, các lãnh đạo Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Agribank lại ra tòa vì tham ô liên quan đến vụ mua bán thiết bị lặn - Ảnh: Hoàng Điệp

Ông Ngọc bị bắt​ để điều tra hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Ngọc bị bắt vì liên quan đến những sai phạm tại Công ty in - thương mại và dịch vụ Agribank. Ngoài ra, ông Ngọc còn bị xác định có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế trong vụ án tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II).

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam ông Đỗ Tất Ngọc (65 tuổi, trú tại phố Hàng Đồng, Hà Nội), nguyên chủ tịch HĐQT Agribank.

Các quyết định đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn. Ông Ngọc bị bắt khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in - thương mại và dịch vụ Agribank và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo quốc tế (INED).

4 sai phạm ở công ty con

Trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có kết luận thanh tra tại Công ty in - thương mại và dịch vụ Agribank (nay là Công ty TNHH một thành viên dịch vụ Agribank).

Tại bản kết luận thanh tra này, cơ quan thanh tra của ngân hàng đã xác định có bốn vấn đề sai phạm lớn tại Công ty in - thương mại và dịch vụ Agribank gồm: vi phạm pháp luật trong việc dùng quyền sử dụng đất tại số 10 Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội và tài sản trên đất để góp vốn vào Công ty cổ phần bất động sản Agribank;

Vi phạm Luật đất đai trong việc đầu tư vào dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; việc đầu tư dự án xây dựng khách sạn năm sao tại đường Trần Phú, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có nguy cơ bị mất vốn;

Vi phạm Luật đất đai trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Hà Nội) để xây dựng nhà máy in ngân hàng.

Xác định các sai phạm trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cơ quan thanh tra ngân hàng đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ trách nhiệm.

Quá trình xác minh, cơ quan công an đã làm rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại Khu công nghiệp Quang Minh có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nên đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.

Trụ sở chính của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ở Hà Nội Ảnh: Nguyễn Khánh - Ảnh: tư liệu
Trụ sở chính của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ở Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Bỏ hơn 93 tỉ đồng thuê đất sai quy định

Trước đó, vào năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Agribank di chuyển Nhà máy in ngân hàng I ra khỏi nội ô TP Hà Nội.

Ông Phạm Ngọc Ngoạn, khi đó là giám đốc công ty, được giao thực hiện chủ trương này. Sau khi khảo sát, ông Ngoạn đã lựa chọn địa điểm đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Quang Minh và làm việc với  Công ty INED có trụ sở tại phố Cao Bá Quát, quận Ba Đình, Hà Nội để thỏa thuận chuyển nhượng nhà xưởng và diện tích đất gần 20.400m2 do Công ty INED đứng tên thuê đất.

Trên cơ sở đàm phán thỏa thuận với INED, ông Ngoạn đã có tờ trình gửi chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Agribank, đề nghị cấp vốn xây dựng cơ bản để chuyển nhà máy in và được ông Đỗ Tất Ngọc có văn bản chấp thuận về kế hoạch vốn; đồng ý cho thuê đơn vị tư vấn để lập dự án đầu tư di chuyển nhà máy in để trình HĐQT xem xét phê duyệt...

Ngay sau đó, ông Ngoạn tiếp tục có các tờ trình đề nghị phê duyệt dự án chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà máy, tờ trình về dự án xây dựng nhà máy in...

Trên cơ sở các tờ trình này, ông Ngọc đã ký quyết định phê duyệt dự án xây dựng nhà máy in thuộc Công ty in - thương mại và dịch vụ Agribank với tổng mức đầu tư hơn 158 tỉ đồng. Trong đó, số tiền thuê đất trong 49 năm là hơn 93 tỉ đồng.

Cơ quan chức năng xác định lô đất của Công ty INED đứng tên sở hữu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo diện đất thuê trả tiền hằng năm. Do đó, lô đất này không được chuyển nhượng hay cho thuê lại theo quy định của Luật đất đai năm 2003.

Theo quy định tại điều 111 Luật đất đai, tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo diện đất thuê trả tiền hằng năm chỉ được bán, cho thuê, thế chấp tài sản thuộc quyền sở hữu của mình gắn liền với đất thuê.

Cơ quan chức năng tình nghi ông Phạm Ngọc Ngoạn biết rõ những quy định này, biết việc định giá chuyển nhượng với số tiền 4,6 triệu đồng/m2 đất là không có căn cứ nhưng vẫn thực hiện việc thuê đất. Việc ông Đỗ Tất Ngọc có quyết định đồng ý với các tờ trình đã tạo điều kiện cho ông Ngoạn thực hiện các hành vi vi phạm.

Ngay sau khi HĐQT phê duyệt dự án, ông Ngoạn đã ký hợp đồng với INED và chỉ đạo chuyển hơn 90 tỉ đồng cho Công ty INED. Mặc dù chưa xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này nhưng sau đó ông Ngoạn đã ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng để hợp thức hóa thủ tục chuyển nhượng tài sản thuê trên đất.

Cho đến nay, Công ty TNHH một thành viên dịch vụ Agribank vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của lô đất trên và dự án di dời Nhà máy in ngân hàng I vẫn chưa được thực hiện. Khoản tiền đã chuyển cho Công ty INED cho đến nay không có khả năng thu hồi.

Thiếu trách nhiệm liên quan vụ án tại ALC II

Quá trình điều tra vụ án tham nhũng tại ALC II thuộc Agribank, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định số tiền thiệt hại hơn 500 tỉ đồng.

Liên quan đến những sai phạm trong vụ án này, các cơ quan tố tụng xác định còn có trách nhiệm của lãnh đạo Agribank gồm các ông Đỗ Tất Ngọc (khi đó là chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Hữu Lương (khi đó là trưởng ban kiểm soát HĐQT Agribank)...

Theo quy định của pháp luật, người đứng đầu có trách nhiệm quản lý ở Agribank có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế, không thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động của ALC II trong các năm 2007, 2008, sáu tháng đầu năm 2009, không phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm tại Công ty ALC II dẫn đến gây thất thoát lớn tài sản nhà nước.

Đáng chú ý, ngày 19-1-2007, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về các tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Quyết định này nêu rõ: “Tổng mức cho vay và bảo lãnh tín dụng đối với một doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức tín dụng”.

Nếu tuân thủ theo quy định này thì ALC II sẽ không được vay tiền từ Agribank do từ cuối năm 2006, công ty này đã vay của Agribank trên 2.200 tỉ đồng.

Thế nhưng tháng 4-2007, HĐQT Agribank vẫn ban hành quyết định do ông Đỗ Tất Ngọc, khi đó là chủ tịch HĐQT Agribank kiêm chủ tịch HĐQT của ALC II, ký phê duyệt kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2007 đối với các công ty cho thuê tài chính trực thuộc, trong đó cho ALC II vay tới 3.770 tỉ đồng.

Ở thời điểm này, ALC II đang nợ Agribank 2.555 tỉ đồng, vượt 1.325 tỉ đồng hạn mức theo quy định tại quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Do vụ án tham nhũng tại ALC II có nhiều nội dung phải tách ra điều tra xử lý tiếp nên cơ quan điều tra chưa kết luận về tất cả các sự việc có liên quan đến những cá nhân này và tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để kết luận xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều lãnh đạo Agribank đã bị bắt

Từ năm 2013 đến nay, hàng loạt lãnh đạo của Agribank đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

Cụ thể đầu năm 2013, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Agribank, để điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tiếp đó, tháng 1-2014, cơ quan điều tra bắt tạm giam ông Kiều Trọng Tuyến, nguyên phó tổng giám đốc Agribank, cũng về tội danh trên.

Cơ quan điều tra tình nghi hai ông Phạm Thanh Tân, Kiều Trọng Tuyến đã có những sai phạm trong việc để cho Agribank - chi nhánh Nam Hà Nội cho vay quá hạn mức quy định, gây thiệt hại số tiền khoảng 3.900 tỉ đồng.

Tiếp đến, tháng 7-2014, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Ngọc Ngoạn, nguyên thành viên hội đồng thành viên Agribank, về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và đến nay đã bắt tạm giam ông Đỗ Tất Ngọc cũng về hành vi trên.

Ngoài việc bắt tạm giam các lãnh đạo cấp cao nhất của Agribank để điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và các cơ quan điều tra cấp tỉnh cũng khởi tố hàng loạt vụ án liên quan đến hệ thống ngân hàng của Agribank để điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật.

Điển hình như vụ án xảy ra tại Agribank chi nhánh Hồng Hà, cơ quan điều tra đã bắt cả trưởng, phó phòng tín dụng của chi nhánh này; tại Agribank chi nhánh 6, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam cả giám đốc chi nhánh và xác định số tiền thiệt hại lên đến gần 1.000 tỉ đồng; tại Agribank Bình Chánh, nguyên phó giám đốc chi nhánh cũng bị bắt tạm giam; tại Agribank chi nhánh 7, nguyên giám đốc và nhiều lãnh đạo phòng đã bị truy tố do gây thiệt hại khoảng 600 tỉ đồng; tại Agribank Bến Thành, nguyên giám đốc đã cùng thuộc cấp gây ra thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, kết thúc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Agribank, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển 15 vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Minh Quang - Tuoitre

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang