Vì sao 'ông lớn' Hancorp bị xử phạt 85 triệu đồng?

author 19:34 05/10/2018

(VietQ.vn) - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) vừa bị xử phạt số tiền 85 triệu đồng vì không công bố thông tin theo quy định pháp luật.

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 257/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp, MCK: HAN) có địa chỉ ở số 57 phố Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội. Theo quyết định, Hancorp bị phạt số tiền 85 triệu đồng do không công bố thông tin theo quy định pháp luật.

Hancorp được biết đến là đơn vị từng thi công nhiều công trình “khủng” như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, hội trường Ba Đình mới, khách sạn Daewoo, tháp Hà Nội, tòa nhà Keangnam, Royal City... Công ty do Nhà nước (đại diện là Bộ Xây dựng) nắm giữ 98,83% vốn điều lệ, do đó việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động là công khai, bắt buộc.

Tòa nhà Hancorp Plaza tại Cầu Giấy, Hà Nội do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu đầu tư. 

Cụ thể, Hancorp không công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 4/2016, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 2/2017 trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Ngoài ra, Hancorp công bố thông tin không đúng thời hạn về báo cáo tài chính riêng và hợp nhất 2016 được kiểm toán, báo cáo thường niên 2016, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 1, 3/2017, nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên 2017 đã được soát xét.

Mức phạt được đưa ra căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Trước đó, vào ngày 2/10, HNX đã thông báo về việc tạm ngừng giao dịch trong 3 phiên (từ 03/10 đến 05/10/2018) trên UpCoM đối với 7 mã cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2018, trong đó có Hancorp.

Hancorp cũng từng bị Bộ Tài chính cảnh báo nguy cơ mất vốn Nhà nước do đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả. Theo đó, Bộ Tài chính nhận định, kết quả kinh doanh năm 2016 của Hancorp chưa cao khi tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản năm 2016 chỉ đạt 1,95%, lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ là 7,4%.

Trên nền tảng hiệu quả kinh doanh khiêm tốn đó, Hancorp bị cho là đã đầu tư hơn 1.280 tỷ đồng (số liệu đến cuối 2016) ngoài ngành kém hiệu quả.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2017 của Hancorp cho thấy doanh nghiệp này đang nợ hơn 5.800 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn hơn 5.600 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 186 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đang gấp 3,46 lần.

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình hoạt động của Hancorp cũng cho hay, có tới 2/6 công ty con của Hancorp làm ăn thua lỗ. Một số công ty có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao như Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng số 1 Hà Nội (11,45 lần), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ (7,19 lần) và Công ty TNHH MTV Hantech (7,38 lần).

Đầu năm 2016, Hancorp từng bị Thanh tra Chính phủ khui vụ việc bán thầu lòng vòng để hưởng chênh lệch hơn 13 tỷ đồng tại dự án cải tạo Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Theo kết luận của TTCP, ngày 25/12/2011, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ký với Hancorp hợp đồng số 689/HĐ-BVNTƯ về việc thiết kế, cung cấp lắp đặt thiết bị, vật tư và xây lắp nhà hợp khối 15 tầng, thuộc Dự án cải tạo, mở rộng và nâng cấp bệnh viện Nhi Trung ương – giai đoạn II.

Để thực hiện hợp đồng nói trên, ngày 12/1/2012, Hancorp có quyết định giao cho Đội Xây dựng Hancorp số 1 (sau này là chi nhánh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hancorp 1) thực hiện. Tuy nhiên, ngày 21/1/2013, Hancorp 1 ký với nhà thầu phụ là công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4 – Vạn Xuân thi công phần cọc khoan nhồi.

Tiếp đó, nhà thầu phụ Vạn Xuân không trực tiếp thi công mà chỉ cung cấp vật tư chính, còn phần thi công thì bán lại cho 4 công ty khác là: Công ty Cổ phần Thi công cơ giới xây lắp, công ty CP Đầu tư và Bất động sản Lanmak, công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4 – xí nghiệp Xử lý nền móng và xây dựng, giá trị hợp đồng thi công là 61,2 tỷ đồng. Trong khi chi phí xây dựng đầy đủ cho hạng mục này được ký trước đó có giá trị hơn 74 tỷ đồng.

“Nghịch lý” ở chỗ 4 công ty được Vạn Xuân bán lại này lại chính là 4 công ty con của Hancorp – là công ty mẹ ký hợp đồng trực tiếp với bệnh viện Nhi Trung ương(!). Kết luận thanh tra đã chỉ rõ: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội là nhà thầu chính không giao cho đơn vị trực thuộc Tổng công ty thực hiện thi công hạng mục cọc khoan nhồi mà ký hợp đồng giao cho nhà thầu phụ Vạn Xuân sau đó nhà thầu phụ này lại bán lại cho chính 4 công ty con của mình với giá thấp hơn để hưởng chênh lệch số tiền hơn 13 tỷ đồng. Kết luận khẳng định: “Đây là hành vi vụ lợi có dấu hiệu gây thất thoát phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội)”.

Nguyễn Huệ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang