GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: Vì sao phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn?

author 08:31 24/04/2013

(VietQ.vn) - 9 giờ sáng nay (24/4), Chất lượng Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: Vì sao phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn?

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Quy định về việc xử phạt người đội mũ không phải mũ bảo hiểm theo quy định khi tham gia giao thông đường bộ nêu trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ phía người dân.

 
Nhằm giải đáp những thắc mắc của người dân trong việc phân biệt, nhận biết mũ bảo hiểm thật giả; tư vấn mua, sử dụng mũ bảo hiểm an toàn cho mọi người trong gia đình và làm rõ vai trò, trách nhiệm của liên Bộ Khoa học công nghệ - Công an - Giao thông vận tải – Công thương trong thông tư liên tịch 06/2013, Chất lượng Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Vì saophải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn?”.
Tổng Biên tập Trần Văn Dư tặng hoa khách mời.
Tổng Biên tập Trần Văn Dư tặng hoa khách mời.

Chương trình giao lưu có sự tham gia góp mặt của:

1. Ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện  - Đại diện của Cục cảnh sát giao thông đường sắt và đường bộ - Bộ Công an.

4. Á hậu Việt Nam năm 2008 Thụy Vân.

5. Bà Hoàng Thị Na Hương - Đại diện Quỹ phòng chống thương vong châu Á tại Việt Nam.

Em thấy hiện nay nhiều nghệ sỹ khi đi xe máy thường rất ít khi đội mũ bảo hiểm vì họ nghĩ rằng đội mũ bảo hiểm sẽ làm mất đi vẻ đẹp hoặc làm hỏng tóc của mình. Chị nghĩ như thế nào về những nghệ sỹ này? Hoa Phượng (hoaphuongdo@...)

Á hậu Thụy Vân: Chào bạn, Thụy Vân không biết là bạn đang nói đến ai nhưng quả thật nếu như những nghệ sỹ đi xe máy không đội MBH, điều đầu tiên là họ không chấp hành luật giao thông. Bên cạnh đó, chính bản thân họ không biết coi trọng sự an toàn và mạng sống của chính mình và hành động đó sẽ bị mọi người lên án.

Thụy Vân hi vọng rằng, tất cả chúng ta dù ngành nghề nào, tuổi tác nào cũng cần phải chấp hành luật an toàn giao thông, vì an toàn của chính mình.

Xin chào ông Phó Tổng cục trưởng, trong thời gian vừa qua, được biết khi liên Bộ KH&CN, Công Thương, Công an, Giao thông Vận tải chưa ban hành Thông tư liên tịch để quản lý MBH thì Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) đã thực hiện các công việc gì để chấn chỉnh thị trường kinh doanh MBH như hiện nay? Vũ Thị Trúc Quỳnh (30 tuổi, An Lão, Hải Phòng, quynhvtt@yahoo...)

Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng: Chào độc giả của Chất lượng Việt Nam! Trong quá trình chờ ban hành Thông tư liên tịch để có cơ sở pháp lý xử lý mũ có hình dáng mũ bảo hiểm, đầu năm 2013, Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) cũng đã có buổi làm việc với Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) xem xét, vận dụng thế mạnh của các cơ quan, đặc biệt vận dụng hiệu quả các văn bản quy định hiện hành để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm trên thị trường hiện nay như: MBH không có nhãn, không có tên cơ sở sản xuất, không tuân thủ các quy định về nhãn hàng hoá; Kinh doanh hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, không có giấy đăng ký kinh doanh, không chứng từ, hóa đơn; MBH chưa thực hiện chứng nhận hợp quy nhưng dán dấu CR...

Trên cơ sở đó, hai cơ quan đã phối hợp kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm và đã đạt được kết quả nhất định. Về cơ bản những loại mũ giả mạo MBH, có hình dáng giống MBH bày bán trên vỉa hè đã giảm đáng kể. Người sử dụng đã quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng của MBH và đã có phong trào đổi mũ giả lấy MBH thật trên thị trường.

Ông Trần Văn Vinh -  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang trả lời câu hỏi của độc giả.
Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang trả lời câu hỏi của độc giả.

Xin ông cho biết tình hình tai nạn giao thông trong thời gian qua và việc chấp hành đội MBH của người dân như thế nào? Nguyễn Kiều Anh (20 tuổi, Cầu Diễn, Hà Nội)

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện – Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Bộ Công an:  Chúng ta đều biết, đội mũ bảo hiểm giúp giảm khả năng chấn thương nặng do tai nạn giao thông đối với người đi mô tô, xe máy.

Mỗi năm, tại Việt Nam, có khoảng hơn 30.000 vụ TNGT đường bộ, làm khoảng 11.000 người chết và hơn 38.000 người bị thương, trong đó 70% là TNGT liên quan đến mô tô, xe máy và có đến 30% chấn thương sọ não dẫn tới tử vong. Vì thế, việc đội mũ bảo hiểm là thực sự cần thiết đối với người đi trên mô tô, xe gắn máy.

Luật giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ đã quy định: Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Tuy nhiên, thực trạng là nhiều người tham gia giao thông có đội mũ bảo hiểm nhưng vẫn mang tính đối phó, ví dụ: có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách (cài dây mũ lên trên hoặc về phía sau), không đội mũ bảo hiểm cho người ngồi sau, nhất là khi chở trẻ em; người đi xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm,…

Trong những năm qua, Bộ Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT; mỗi năm kiểm tra, lập biên bản xử lý hàng triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó xử phạt hàng chục ngàn trường hợp người người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm. Việc xử lý không đội mũ bảo hiểm vẫn được tiến hành thường xuyên trên toàn quốc.

Vì thế, việc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số người tham gia giao thông chưa có ý thức tự giác chấp hành quy định này. Nhất là vẫn còn không ít người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường trong nội thị, đường liên xã, liên thôn. Đáng chú ý là có một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, những kiểu mũ giống mũ bảo hiểm chứ thực ra không có tác dụng bảo hiểm khi có tai nạn xảy ra.

Xin nói thêm hiện nay trên cả nước có 36 triệu xe máy. Nếu một xe có 2 mũ bảo hiểm (MBH) thì thường xuyên cần đến 72 triệu mũ. Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, có tới 70% người tham giao thông đội MBH không đảm bảo chất lượng, các địa phương cũng đang rất tích cực hỗ trợ người tham gia giao thông đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn đồng thời phối hợp ngăn chặn các loại MBH không đạt chuẩn.

Gửi chị Thụy Vân, em thấy chị rất xinh. Đi đâu cũng gây được thiện cảm với mọi người. Em rất muốn biết chị có thể chia sẻ thông tin, chị đã bao giờ đi xe máy chưa? Chị nghĩ như thế nào về quy định phạt người đội mũ bảo hiểm dởm mà liên Bộ KH&CN, Công an, GTVT, Công thương ban hành? Hà Oanh (haoanh30@...)

Á hậu Thụy Vân tại buổi giao lưu trực tuyến
Á hậu Thụy Vân tại buổi giao lưu trực tuyến

Á hậu Thụy Vân: Thời sinh viên, Thụy Vân cũng đã có nhiều kỷ niệm gắn liền với chiếc xe máy và chiếc MBH. Cho đến bây giờ, tuy không thường xuyên sử dụng nhưng Vân luôn ý thức việc phải đội MBH mỗi khi đi xe máy. Vân rất đồng tình với Thông tư 06 mà liên bộ KH&CN, Công an, GTVT, Công thương đã ban hành.

Với những người có ý thức về mạng sống và sự an toàn của mình thì Thông tư này có thể là một lời nhắc nhở về việc chọn lựa, sử dụng MBH đạt chuẩn chất lượng là như thế nào. Còn với những người chưa chấp hành tốt các quy định về đội MBH đạt chuẩn thì quy định này là một bắt buộc bảo vệ cho chính mạng sống của họ.

Dù thời điểm này, cảnh sát giao thông vẫn chưa xử phạt người dân đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, nhưng Thụy Vân nghĩ rằng, mỗi người tham gia giao thông hãy lựa chọn cho mình một chiếc MBH đạt chuẩn. Khi đó, dù cơ quan chức năng có phạt hay không thì điều quan trọng nhất là chiếc MBH đã góp phần đảm bảo sự an toàn cho người đi mô tô, xe máy và xe gắn máy.

Xin đồng chí cho biết lực lượng dân phòng có được chặn xe phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng không? Nếu không được phạt thì người dân có thể liên hệ phản ánh sự việc qua đường dây nóng của đơn vị nào để giải quyết? Vĩ Thanh (31 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội)

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện – Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Bộ Công an:

Hiện nay, chưa có chế tài xử phạt đối với các trường hợp khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, do đó không có lực lượng chức năng nào được xử phạt đối với các trường hợp này. Nếu nhân dân phát hiện những việc làm chưa đúng của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT thì phản ánh theo đường dây nóng của Cục CSGT đường bộ-đường sắt (theo số máy điện thoại 06942608) hoặc gọi về đường dây nóng của Công an các tỉnh, thành phố nơi phát hiện vi phạm: Lực lượng dân phòng được huy động tham gia công tác giữ gìn bảo đảm TTATGT khi cần thiết theo Kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền. Không có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và thẩm quyến xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT.

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện – Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Bộ Công an đang giao lưu cùng độc giả
Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện – Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Bộ Công an đang giao lưu cùng độc giả

Hiện nay DN của bà sản xuất được bao nhiêu mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn chất lượng để lưu hành trên thị trường? Người tiêu dùng có thể tìm mua ở đâu? Người dân ở ngoài khu vực TP Hà Nội có thể tìm mua mũ bảo hiểm của Công ty ở đâu? Ở các TP khác Công ty đã có đại lí bán mũ bảo hiểm đạt chất lượng chưa? Đặng Thanh Mai (45 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Bà Hoàng Thị Na Hương: Hiện nay Công ty MBH Protec hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa trong việc sản xuất MBH đạt chất lượng. Tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh chúng tôi có tổng cộng 10 phòng trưng bày trực thuộc Công ty và các đại lý ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Quý khách hàng có thể tìm hiểu thêm trên trang web của công ty: www.protec.com.vn.

Ông Trần Quốc Tuấn (Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đang giao lưu cùng độc giả.
Ông Trần Quốc Tuấn (Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đang giao lưu cùng độc giả.

Được biết, mới đây đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đã phát hiện ra hàng nghìn mũ bảo hiểm kém chất lượng. Tôi được biết, có hơn 10 ngàn mũ bảo hiểm của Công ty Song Long đã phân phối ra thị trường nhưng số mũ đó lại không đảm bảo chất lượng, chưa được chứng nhận hợp quy, cụ thể vấn đề này cơ quan chức năng xử lí ra sao đối với DN này? Số mũ kém chất lượng phát ra thị trường có được thu hồi lại hay không? Nguyễn Văn Cường (30 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Ông Trần Quốc Tuấn (Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng): Ngày 13/3/2013, đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa (QLCLSPHH) chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội đã kiểm tra chất lượng sản phẩm mũ bảo hiểm (MBH) tại Hợp tác xã Song Long, có trụ sở tại Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội.

Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở có vi phạm, Cục QLCLSPHH đã thực hiện xử lý vi phạm theo quy định, tạm đình chỉ sản xuất và lưu thông đối với 04 model MBH không đạt và tạm đình chỉ lưu thông đối với các model MBH đạt chất lượng nhưng chưa chứng nhận và công bố hợp quy, sử dụng giấy chứng nhận hợp quy hết hiệu lực; yêu cầu thu hồi sản phẩm MBH không đạt chất lượng đã đưa ra thị trường; thực hiện hành động khắc phục; chứng nhận và công bố hợp quy theo quy định trong thời hạn 01 tháng.

Đồng thời đã chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý thị trường Hà Nội, xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt vượt thẩm quyền của Đội quản lý thị trường và đã chuyển hồ sơ để UBND Quận Long Biên xử lý vi phạm hành chính đối với Song Long là 42 triệu đồng.

Hợp tác xã Song Long đã chấp hành việc xử lý, thu hồi MBH không đạt của 04 model đã đưa ra thị trường và những MBH thuộc 04 model không đạt còn trong kho với tổng số lượng phải xử lý, khắc phục là 2364 chiếc. Hiện nay hợp tác xã đang khắc phục và thực hiện đánh giá chứng nhận hợp quy cho lô hàng đã khắc phục và tất cả các kiểu MBH do hợp tác xã sản xuất.

Sau khi hoàn thành khắc phục, Cục QLCLSPHH sẽ tái kiểm tra, nếu đạt yêu cầu sẽ thông báo tiếp tục sản xuất và lưu thông sản phẩm MBH của hợp tác xã Song Long.

Bà Hoàng Thị Na Hương trả lời thắc mắc của độc giả.
Bà Hoàng Thị Na Hương đang trả lời thắc mắc của độc giả.

Kính gửi chị Na Hương, chị nghĩ như thế nào về việc các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm dởm bán cho người tiêu dùng? Bản thân Doanh nghiệp chị đã từng chịu áp lực cạnh tranh đối với các loại mũ bảo hiểm thời trang, giá rẻ nhưng kém chất lượng ngoài thị trường hay chưa? Đỗ Chiến Thắng (33 tuổi, TPHCM)

Bà Hoàng Thị Na Hương: Là một đơn vị trực thuộc Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (AIP)- 1 tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực an toàn giao thông từ năm 1999, nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ cung cấp MBH an toàn cho thị trường Việt Nam mà còn cung cấp những sản phẩm phục vụ các dự án của Quỹ AIP. Chính vì vậy tiêu chí về mặt chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Các loại MBH thời trang lưu hành rộng rãi trên thị trường trong suốt 3 năm qua gây ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi xem rằng một sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng cần phải được kiểm định chặt chẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng. 

Thưa ông Vinh, gần đây, xuất hiện một số loại mũ trông giống MBH mà nhà sản xuất, người bán gọi là mũ dành cho người đi bộ, cưỡi ngựa. Tổng Cục TCĐLCL có ý kiến thế nào về loại mũ này? Phạm Văn Vinh (Quận 1 – Thành Phố Hồ Chí Minh, Vinhpq…@gmail.com)

Ông Trần Văn Vinh: Hiện tượng này trong thời gian vừa qua là một hình thức lách luật của một số cơ sở sản xuất và kinh doanh đánh vào tâm lý của một số người tiêu dùng ham rẻ, không nghiêm túc tuân thủ luật, đội mũ mang tính hình thức, đối phó lực lượng cảnh sát giao thông

Chính vì lý do đó Thông tư 06 liên bộ có hiệu lực trong thời gian tới đây sẽ đua ra các biện pháp xử lý đối các loại mũ giả mạo MBH. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ những quy định của Thông tư 06 mới được phép sản xuất và lưu thông hàng hoá.

Vậy thưa ông, Xin ông cho biết với việc ban hành Thông tư liên tịch 06 thì việc quản lý MBH trong thời gian tới có được cải thiện không? Văn Dũng ( 29 tuổi, Đào Tấn, Hà Nội)

Ông Trần Văn Vinh: Tôi nghĩ rằng với việc ban hành Thông tư liên tịch 06 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giúp cho việc lập lại trật tự và chấn chỉnh thị trường kinh doanh MBH trong thời gian tới. Thông tư này quy định quản lý chất lượng MBH chặt chẽ từ sản xuất, nhập khẩu đến kinh doanh buôn bán và trách nhiệm của người sử dụng MBH.

Để việc quản lý chất lượng MBH có hiệu quả, thì thông tư cũng quy định sự phối kết hợp của các lực lượng chức năng trong việc phối hợp kiểm tra, thanh tra, đặc biệt lực lượng chức năng ở các địa phương. Đưa ra những biện pháp xử lý, răn đe phù hợp để nâng cao trách nhiệm, đạo đức của nhà sản xuất kinh doanh. Hơn thế nữa để việc quản lý chat lượng được tốt hơn thì người tiêu dùng, người sử dụng cần phải quan tâm đến chất lượng và tẩy chay MBH kém chất lượng, mũ giả mạo MBH nhằm không thể tạo ra một thị trường, cơ hội cho những nhà sản xuất, kinh doanh chộp giật.

Chào chị Thụy Vân, em là fan hâm mộ của chị. Chị nghĩ như thế nào về việc hiện nay giới trẻ nhất là các bạn đang ngồi học ghế nhà trường đi xe máy không đội mũ bảo hiểm? Chị có lời khuyên nào dành cho các bạn học sinh đang đi học, đi xe máy đến trường không? Đan Trường (Đội Cấn, Quận Ba Đình, Hà Nội).

Á hậu Thụy Vân: Cảm ơn bạn đã dành tình cảm cho Thụy Vân. Có một lưu ý nho nhỏ các bạn học sinh từ phổ thông trung học (PTTH) trở xuống vẫn chưa được phép sử dụng xe máy khi đến trường. Có nhiều trường PTTH đã ra những quy định cấm, thậm chí là đánh vào hạnh kiểm của học sinh nếu như học sinh đó cố tình đi xe máy đến trường. Chính vì vậy, lời khuyên đầu tiên của Thụy Vân là nếu bạn chưa đến tuổi đi xe máy (theo luật định) thì hãy chờ nhé! Còn nếu đã đủ tuổi để có được một chiếc bằng lái xe (theo luật định) thì không có lý do gì chúng ta lại không chấp hành đầy đủ luật an toàn giao thông. Trong đó, việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và xe gắn máy là điều bắt buộc. Điều đó cũng vừa thể hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân Việt Nam phải kh

Còn về lời khuyên, Thụy Vân nghĩ rằng, khi đã có quy định, cấm người chưa đủ tuổi đi xe máy thì các bạn học sinh cũng không nên vi phạm. Nếu vi phạm các bạn sẽ bị phạt và như vậy sẽ ảnh hưởng tới học tập và uy tín của chính trường các bạn đang học.

Kính gửi chị Na Hương, tôi thấy hiện nay trên thị trường các loại mũ thời trang bán rất nhiều, mẫu mã cũng rất đẹp tuy nhiên xuất xứ thì rất mập mờ. Tôi quan sát các loại mũ thời trang có giá trên 100.000 đồng vẫn có đủ 3 lớp: xốp – dây quai – vỏ. Trong khi đó giá thành của các loại mũ bảo hiểm do Công ty sản xuất có giá cao hơn rất nhiều. Vật liệu mà Công ty mua để sản xuất mũ bảo hiểm lấy từ đâu? Có được cơ quan chức năng kiểm định đạt tiêu chuẩn hay không? Trong quá trình sản xuất mũ bảo hiểm xịn, Doanh nghiệp có phải chịu những áp lực cạnh tranh nào hay không? Phan Trà Giang (35 tuổi, Bình Dương, gianglap@gmail...)

Bà Hoàng Thị Na Hương: Chúng tôi luôn khuyến cáo người tiêu dùng khi chọn mua MBH cần phải kiểm tra thông tin của cơ sở sản xuất để đảm bảo cơ sở đó sản xuất sản phẩm đạt chất lượng. Đối với Protec, chúng tôi sử dụng những nguyên vật liệu tốt nhất để sản xuất các bộ phận của mũ và khi thực hiện các hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu chúng tôi có đầy đủ giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng từ phía nhà xuất khẩu, các đơn vị xuất khẩu. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện các bước kiểm tra nguyên vật liệu đầu vào bằng hệ thống kiểm định được đặt tại nhà máy. Các sản phẩm MBH của chúng tôi đều được kiểm định theo quy trình của nhà nước.

Áp lực trong quá trình sản xuất của chúng tôi là những biến động về giá của nguyên vật liệu đầu vào do Việt Nam chỉ có thể nhập khẩu nguyên vật liệu thô từ các nước khác

Quy định mũ bảo hiểm như thế nào thì không bị phạt? Người dân chúng tôi có thể tìm mua các địa điểm bán mũ bảo hiểm đạt chất lượng ở đâu tại Hà Nội, TPHCM, Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ? Qua báo chí phản ánh tôi thấy hiện nay có nhiều cửa hàng lợi dụng việc đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn nâng giá bán. Đối với những cửa hàng không được cơ quan chức năng cấp phép đổi mũ bảo hiểm chất lượng cho người dân thì cơ quan chức năng sẽ xử lí như thế nào đối với hành vi nêu trên? Mai Duy Ngọc (44 tuổi, Tập thể Trung Tự, Đống Đa Hà Nội).

Ông Trần Quốc Tuấn: MBH phải phù hợp các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa thì sẽ không bị phạt. Cụ thể:

MBH có cấu tạo đủ 03 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động, bên trong vỏ mũ và quai đeo, có kiểu dáng theo quy định tại QCVN 2:2008/ BKHCN, trong đó có 03 loại là Mũ che nửa đầu; Mũ che cả đầu, tai; Mũ che cả đầu, tai và hàm. Trường hợp có lưỡi trai mềm hoặc rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai không quá 70mm, trường hợp lưỡi trai cứng gắn liền vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai không quá 50mm, trường hợp mũ có vành cứng thì phần nhô ra không được quá 20mm;

MBH phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, phù hợp QCVN 2:2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR và có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Người tiêu dùng có thể mua MBH đạt chất lượng ở các cửa hàng đại lý của nhà sản xuất MBH đã thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy và tại các cửa hàng bán MBH có uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ , hồ sơ chất lượng đầy đủ (bản sao chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy, hợp đồng mua bán MBH với các nhà sản xuất đã thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy, nhà nhập khẩu đã thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu). NTD có thể xem danh sách MBH được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy trên website: tcvn.gov.vn để biết và lựa chọn.

Một số doanh nghiệp thực hiện đổi MBH phù hợp quy chuẩn cho NTD là việc làm tích cực. Cơ quan chức năng không cấp phép cho việc đổi MBH. Các cơ sở thực hiện bán và đổi MBH vẫn phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng MBH và chịu sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, nếu vi phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý hành vi nâng giá bán MBH sẽ do cơ quan quản lý thị trường, giá kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Kinh gửi ông Luyện, xin ông cho biết người dân khi phát hiện tiêu cực trong quá trình bị CSGT xử phạt mũ bảo hiểm thì phản ánh ở đâu? Vũ Hoàng Trọng Trinh ( 24 tuổi, Đà Nẵng).

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện: Nếu nhân dân phát hiện những tiêu cực trong quá trình bị CSGT xử phạt mũ bảo hiểm thì phản ánh theo đường dây nóng của Cục CSGT đường bộ-đường sắt (theo số máy điện thoại 06942608) hoặc gọi về đường dây nóng của Công an các tỉnh, thành phố nơi phát hiện vi phạm (được đăng tải trên Website CSGT.vn).

Tôi thấy hiện nay trên thị trường các loại mũ thời trang bán rất nhiều, mẫu mã cũng rất đẹp tuy nhiên xuất xứ thì rất mập mờ. Tôi quan sát các loại mũ thời trang có giá trên 100.000 đồng vẫn có đủ 3 lớp: xốp – dây quai – vỏ. Trong khi đó giá thành của các loại mũ bảo hiểm do Công ty sản xuất có giá cao hơn rất nhiều. Vật liệu mà Công ty mua để sản xuất mũ bảo hiểm lấy từ đâu? Có được cơ quan chức năng kiểm định đạt tiêu chuẩn hay không? Trong quá trình sản xuất mũ bảo hiểm xịn, Doanh nghiệp có phải chịu những áp lực cạnh tranh nào hay không? Phan Trà Giang (35 tuổi, Bình Dương, gianglap@gmail...)

Bà Hoàng Thị Na Hương: Chúng tôi luôn khuyến cáo người tiêu dùng khi chọn mua MBH cần phải kiểm tra thông tin của cơ sở sản xuất để đảm bảo cơ sở đó sản xuất sản phẩm đạt chất lượng. Đối với Protec, chúng tôi sử dụng những nguyên vật liệu tốt nhất để sản xuất các bộ phận của mũ và khi thực hiện các hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu chúng tôi có đầy đủ giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng từ phía nhà xuất khẩu, các đơn vị xuất khẩu. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện các bước kiểm tra nguyên vật liệu đầu vào bằng hệ thống kiểm định được đặt tại nhà máy. Các sản phẩm MBH của chúng tôi đều được kiểm định theo quy trình của nhà nước. Áp lực trong quá trình sản xuất của chúng tôi là những biến động về giá của nguyên vật liệu đầu vào do Việt Nam chỉ có thể nhập khẩu nguyên vật liệu thô từ các nước khác.

Việc chứng nhận hợp chuẩn hợp quy cho mũ bảo hiểm được thực hiện như thế nào? Khi nào một chiếc mũ bảo hiểm được gọi là đạt chuẩn và được gắn dấu hợp quy? Lã Kim Huyền (29 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ)

Ông Trần Văn Vinh: Theo quy định tại QCVN 2:2008/BKHCN, việc chứng nhận hợp quy MBH như sau:

MBH sản xuất trong nước: Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản. Tức là tổ chức chứng nhận tiến hành lấy mẫu, gửi thử nghiệm tại tổ chức thử nghiệm có uy tín và đánh giá quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

Nếu đạt yêu cầu theo quy định thì tổ chức chứng nhận được chỉ định sẽ cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp. Giấy chứng nhận hợp quy có giá trị 03 năm và trong thời gian hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy, tổ chức chứng nhận phải tiến hành đánh giá giám sát 6 tháng/1lần hoặc đột xuất khi cần thiết.

MBH nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng phù hợp với các quy định tại quy chuẩn này cho từng kiểu mũ, tức là lấy mẫu và gửi thử nghiệm tại tổ chức thử nghiệm có uy tín. Nếu đạt yêu cầu theo quy định, tổ chức tổ chức chứng nhận được chỉ định sẽ cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho lô hàng nhập khẩu.

Sau khi được chứng nhận hợp quy, nhà sản xuất, nhập khẩu phải công bố hợp quy tại Chi cục TCĐLCL địa phương, nơi doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hoặc tại Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá và tự chịu trách nhiệm gắn dấu hợp quy CR trên MBH theo quy định.

Là một á hậu, khi ra đường thường trau chuốt hình ảnh, đặc biệt là mái tóc, chị có cảm thấy bất tiện khi phải đội MBH hay không? Nhiều bạn gái khi tham gia giao thông thường không đội MBH vì sợ đội mũ bảo hiểm làm hỏng hết kiểu tóc thời trang của họ. Á hậu Thụy Vân có thể tư vấn cho các bạn ấy về vấn đề này? Chu Dương (23 tuổi, Đồng Tháp, hoamaudon911@yahoo....)

Theo mong muốn của độc giả, Á hậu Thụy Vân đội mũ bảo hiểm tại phòng giao lưu.
Theo mong muốn của độc giả, Á hậu Thụy Vân đội mũ bảo hiểm tại phòng giao lưu.

Á hậu Thụy Vân: Thú thật với bạn, nếu Thụy Vân phải đi dạ tiệc và có một kiểu tóc cầu kỳ thì Vân sẽ lựa chọn việc đi taxi. Còn nếu bình thường, Vân sẽ lựa chọn kiểu tóc phù hợp mọi điều kiện công việc, kể cả việc đội MBH.

Vân luôn tâm niệm thời trang trong đó có việc ăn mặc, kiểu tóc, cách trang điểm… giúp cho mình đẹp hơn, nhưng không có nghĩa là nó sẽ gây phiền toái cho mình. J Và đương nhiên, một kiểu tóc khiến Vân không thể đội MBH, Vân sẽ không chọn. Đó cũng là lời khuyên Vân dành cho các bạn trẻ, đừng vì một kiểu tóc mà các bạn từ bỏ chiếc MBH, điều có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của bạn khi tham gia giao thông.

Xin ông cho biết CSGT khi xử phạt người đi đường đội mũ bảo hiểm dởm có camera ghi hình không? Lực lượng 113, thanh tra giao thông có được xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm dởm không? Ung Chu Linh (52 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện: Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 65/2012/TT-BCA “Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ” và Thông tư số 66/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012, ngày 30/10/2012 “Quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông đường bộ”.

Nhân đây tôi cũng xin trao đổi thêm, theo phân định thẩm quyền xử phạt hành chính thì Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng Công an cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các trường hợp khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách.

Qua phản ánh báo chí, đợt kiểm tra vừa rồi của cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm có sai phạm. Ông nghĩ như thế nào về trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng trong thời gian qua để các cơ sở sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm vi phạm này tồn tại? Hà Tuấn Anh (28 tuổi, Thái Thịnh, Hà Nội).

Ông Trần Quốc Tuấn: Theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa (CLSPHH) thì:

Quản lý CLSPHH là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Người sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước nhà nước, trước người tiêu dùng về CLSPHH mà mình sản xuất, kinh doanh.

Quản lý nhà nước về CLSPHH là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm thực thi các quy định của pháp luật về CLSPHH.

Đối với MBH là hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn (nhóm 2), Bộ KH&CN đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý. Các cơ quan chức năng thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Việc giám sát chất lượng mũ bảo hiểm sau chứng nhận hợp quy được các tổ chức chứng nhận hợp quy thực hiện; việc thanh tra, kiểm tra chất lượng MBH do cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện theo quy định của pháp luật.

Hàng năm qua thanh tra kiểm tra đã phát hiện các cơ sở vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Ví dụ: đợt vừa qua, qua tổng hợp kết quả kiểm tra tại 04 tỉnh, thành phố cho thấy có 14/72 cơ sở được kiểm tra có vi phạm, đã xử lý và tạm dừng lưu thông 4571 MBH vi phạm, tạm dừng sản xuất và lưu thông 06 model MBH, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 57,800,000 đồng. Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiếp tục kiểm tra trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, việc vẫn tồn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH vi phạm pháp luật bởi nhiều nguyên nhân: chế tài xử lý theo nghị định 54/2009/NĐ-CP về chất lượng còn có những hành vi và biện pháp chưa được quy định; thẩm quyền của cơ quan kiểm tra còn hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh; ý thức và nhu cầu không lành mạnh của một bộ phận NTD, sử dụng các loại mũ đội đầu không phải là MBH vẫn tồn tại mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp rất tích cực với tinh thần trách nhiệm của mình như: tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo chất lượng MBH, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật, thực hiện tốt chỉ thị 04/CT – TTG và công điện số 659/CĐ-BKHCN về tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng MBH. Mặt khác, hiện nay Bộ KH&CN đang rà soát, sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ sửa đổi nghị định 54/2009/ NĐ-CP, quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Thưa ông Vinh, Xin ông cho biết với việc ban hành Thông tư liên tịch 06 thì việc quản lý MBH trong thời gian tới có được cải thiện không? Văn Dũng ( 29 tuổi, Đào Tấn, Hà Nội)

Ông Trần Văn Vinh: Tôi nghĩ rằng với việc ban hành Thông tư liên tịch 06 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giúp cho việc lập lại trật tự và chấn chỉnh thị trường kinh doanh MBH trong thời gian tới. Thông tư này quy định quản lý chất lượng MBH chặt chẽ từ sản xuất, nhập khẩu đến kinh doanh buôn bán và trách nhiệm của người sử dụng MBH.

Để việc quản lý chất lượng MBH có hiệu quả, thì thông tư cũng quy định sự phối kết hợp của các lực lượng chức năng trong việc phối hợp kiểm tra, thanh tra, đặc biệt lực lượng chức năng ở các địa phương. Đưa ra những biện pháp xử lý, răn đe phù hợp để nâng cao trách nhiệm, đạo đức của nhà sản xuất kinh doanh. Hơn thế nữa để việc quản lý chat lượng được tốt hơn thì người tiêu dùng, người sử dụng cần phải quan tâm đến chất lượng và tẩy chay MBH kém chất lượng, mũ giả mạo MBH nhằm không thể tạo ra một thị trường, cơ hội cho những nhà sản xuất, kinh doanh chộp giật.

Có thông tin cho rằng đội mũ bảo hiểm dởm (thường là mũ của Trung quốc) sẽ bị hói đầu. Là đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm, DN có nắm được thông tin này không? Mũ bảo hiểm giá rẻ kém chất lượng hiện nay trên thị trường theo DN do đâu mà có? Các nguyên liệu để sản xuất MBH được DN lựa chọn theo tiêu chí nào? Nguyễn Yến Trang (28 tuổi, Định Công, Hà Nội, trangtretrung@yahoo...)

Bà Hoàng Thị Na Hương: Hiện chúng tôi chưa nhận được các kết quả thí nghiệm liên quan đến vấn đề này. Trong quá trình kiểm định các nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là vải Visa xốp để may miếng đệm lót, chúng tôi cũng chưa tìm thấy các tác hại ảnh hưởng tới da đầu từ vải. Tuy nhiên, quý khách hàng cũng không nên lựa chọn những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ rang bởi những sản phẩm này có thể được nhập lậu và chưa qua công tác kiểm định chất lượng.

Chúng tôi sử dụng các nguyên liệu nguyên sinh để sản xuất MBH nhằm đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu.

Tôi thấy tóc chị rất đẹp. Vậy giữa mũ bảo hiểm thời trang có lỗ để không làm hỏng tóc và mũ bảo hiểm đạt chuẩn 3 lớp, nặng và bí, chị sẽ chọn loại mũ nào. Vì sao? Trịnh Anh Kiệt (27 tuổi, P8, Q.10, TPHCM, snadky10@yahoo...)

Á hậu Thụy Vân: Nghe bạn nói thì có vẻ như bạn sẽ chọn chiêc mũ nhẹ và thời trang nhưng không an toàn kia phải không ạ? Thụy Vân sẽ không chọn chiếc mũ nào bạn nói cả mà sẽ chọn một chiếc mũ vừa nhẹ, vừa an toàn và đạt chuẩn. Vì theo Vân được biết nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh MBH đạt chuẩn của VN đã đưa ra thị trường đa dạng các loại mũ khác nhau, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Kính gửi ông Luyện, qua kinh nghiệm của ông, những tai nạn giao thông hay ảnh hưởng đến bộ phận nào trên đầu của nạn nhân. Từ đó, mũ bảo hiểm hiện nay nên thiết kế thế nào để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông (Hồng Nga, Cầu Giấy, HN)

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện:  Những vụ TNGT có liên quan đến người ngồi trên xe mô tô, xe máy khi xảy ra, thường thì người ngồi trên phương tiện bị ngã xuống đường, bộ phận tiếp xúc đầu tiên là mặt và đầu. Vì vậy, nếu đội MBH có phần bảo vệ cả quai hàm hoặc loại mũ có chế tạo ôm cả phần đầu và tai, gáy thì khả năng chấn thương sẽ giảm hơn nhiều.

Thưa ông Tuấn, công tác hậu kiểm chất lượng MBH được cơ quan quản lý thực hiện như thế nào khi MBH có Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn không đạt chất lượng khi lưu thông trên thị trường. Trong trường hợp này, lỗi thuộc cơ quan cấp giấy hay lỗi của DN? Kim Tuyến (tuyen71@...)

Ông Trần Quốc Tuấn: Việc kiểm tra chất lượng MBH (hậu kiểm) thực hiện theo quy định tại các thông tư số 16/2012/ TT- BKHCN, thông tư số 26/2012/TT- BKHCN.

Trường hợp MBH có giấy chứng nhận hợp quy nhưng thực tế mẫu thử nghiệm không đạt chất lượng theo QCVN 2:2008/ BKHCN thì xử lý theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN và xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định 54/2009/NĐ-CP. Trước hết, lỗi vi phạm thuộc người bán hàng:

 “Khoản 5, điều 17, nghị định 54/2009/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ ba lần đến năm lần tổng giá trị sản phẩm hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với một trong các hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đã công bố hoặc đã được chứng nhận .”

Từ vi phạm trên thị trường, cơ quan kiểm tra, thanh tra sẽ xem xét, kiểm tra trong sản xuất đối với cơ sở sản xuất và xử lý vi phạm theo thông tư 16/2012/ TT – BKHCN và nghị định 54/2009/NĐ-CP đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm thuộc về cơ sở sản xuất; nếu có vi phạm thuộc về tổ chức chứng nhận thì tổ chức chứng nhận đã cấp giấy chứng nhận hợp quy sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 18, nghị định 54/2009/NĐ-CP. 

Tôi kinh doanh MBH, không làm đại lý cho một thương hiệu riêng nào do vậy mỗi lần nhập hàng chỉ khoảng 10 chiếc/ thương hiệu. Vậy tôi có phải có hồ sơ chất lượng cho 10 chiếc mũ ấy không? Cao Đức Trung ( 41 tuổi, Thị trấn Sông Mã, Sơn La, trunganhduc@yahoo...)

Ông Trần Quốc Tuấn: Theo quy định tại thông tư 06/2013/TTLT/BKHCN-BCT- BGTVT- BCA thì người kinh doanh sản phẩm MBH bắt buộc phải có hồ sơ chất lượng cho sản phẩm MBH; khi có yêu cầu của người, cơ quan có thẩm quyền phải xuất trình bản sao y bản chính chứng chỉ chất lượng, giấy chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đối với MBH sản xuất trong nước; giấy chứng nhận hợp quy hoặc thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng đối với MBH nhập khẩu, sao y bản chính, hợp đồng mua bán MBH với tổ chức, cá nhân sản xuất, cơ sở nhập khẩu.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

 Được biết, Protec tham gia các chương trình phối hợp với quỹ phòng chống thương vong Châu Á tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em được đánh giá rất cao. Tuy nhiên tôi chỉ có 1 thắc mắc là tại sao lại chỉ tặng cho trẻ em ở thành phố lớn nơi dân trí cao, đời sống đủ đầy mà ko hỗ trợ những trẻ em vùng sâu vùng xa nơi đời sống của người dân ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn hơn TP rất nhiều...? Mai Lam (33 tuổi, Tp.Ninh Bình, khatvongvinhquang@yahoo...)

Bà Hoàng Thị Na Hương: Dự án “Mũ bảo hiểm cho trẻ em” được Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á thực hiện từ năm 2000 đến nay. Cho đến nay, Quỹ đã trao tặng gần 500.000 chiếc MBH cho học sinh ở các trường tiểu học tại Việt Nam và các nước Châu Á, Châu Phi. Tiêu chí khi chúng tôi chọn trường là những trường học nằm gần đường quốc lộ, học sinh đi đến trường bằng xe đạp hoặc bố mẹ chở đến trường bằng xe máy. Trong 2 năm vừa qua chúng tôi đã tặng mũ cho các vùng nông thôn như: huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), Quảng Trạch (Quảng Bình), Trảng Bom (Đồng Nai) và trong các năm tiếp chúng tôi sẽ tiếp tục đi về các tỉnh nằm trên tuyến đường quốc lộ.

Được biết Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan chứng nhận chất lượng và cấp dấu CR cho doanh nghiệp. Nhưng việc in ấn và gắn nhãn mác lại do doanh nghiệp làm. Có không ít doanh nghiệp đã lợi dụng việc này để gian lận, gắn dấu lên các lô hàng không đảm bảo chất lượng, việc này lãnh đạo Tổng cục có nắm được hay không?  Và biện pháp xử lý đối với các DN gian lận như thế nào? Trương Vũ Ánh (22 tuổi, TP Vinh, Nghệ An)

Ông Trần Văn Vinh: Trước hết, Tổng cục TCĐLCL không phải là cơ quan chứng nhận chất lượng và cấp dấu CR cho doanh nghiệp. Theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn thì sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn được quản lý bằng QCVN do các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành.

MBH là mặt hàng có khả năng gây mất an toàn được quản lý bằng quy chuẩn. Theo quy định, MBH trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu CR. Việc chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật thực hiện. Sau khi doanh nghiệp được chứng nhận hợp quy, nếu đạt yêu cầu theo quy định tại QCVN 2 thì MBH sẽ được gắn dấu CR.

Việc gắn dấu CR sẽ do tổ chức chứng nhận được chỉ định hướng dẫn và doanh nghiệp thực hiện gắn dấu hợp quy. Doanh nghiệp tự in, gắn dấu hợp quy CR và phải chịu trách nhiệm đối với MBH do mình gắn dấu hợp quy CR. Theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư liên tịch số 06/2013 thì dấu hợp quy CR đối với MBH phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được dán lên mũ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy CR.

Trường hợp, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại MBH chưa thực hiện chứng nhận hợp quy hoặc chứng nhận hợp quy không đạt yêu cầu quy định tại QCVN 2 mà đã gắn dấu hợp quy CR lên MBH là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trong thời gian vừa qua, Tổng cục TCĐLCL cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng MBH của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH và đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính.

Hiện nay ở Hải Phòng tình trạng mũ kém chất lượng bán ở vỉa hè vẫn rất nhiều. Cơ quan chức năng kiểm tra nhiều song vẫn không dẹp được các địa điểm bán mũ bảo hiểm vỉa hè này. Tình trạng này tồn tại nhiều năm nay. Vậy Tổng cục TCĐLCL có giải pháp hay kiến nghị nào đối với các cơ quan chức năng có liên quan khác trong việc xóa bỏ những địa điểm bán mũ vỉa hè kém chất lượng này hay chưa? Lưu Gia Huỳnh (36 tuổi, Kiến An, Hải Phòng)

Ông Trần Văn Vinh: Trước hết, cần phân biệt rõ 2 khái niệm: MBH kém chất lượng và mũ giả mạo Mũ bảo hiểm, mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm. Hai loại Mũ này là hoàn toàn khác nhau.

Nếu MBH kém chất lượng (Mũ không phù hợp với Quy chuẩn) vẫn được người kinh doanh bán ra trên thị trường thì sẽ bị xử lý theo các chế tài, quy định hiện hành đã có.

Các loại mũ bày bán trên vỉa hè trong thời gian vừa qua là những mũ không phải là MBH mũ giả mạo MBH, mũ có hình dáng giống MBH và trong thời gian vừa qua nhiều cơ sở kinh doanh cố tình lách luật cho rằng đây là mũ dành cho người đi bộ, mũ thời trang thì trong thời gian tới sẽ bị xử lý theo các quy định của Thông tư liên tịch giữa 4 Bộ: KH&CN, Công thương, GTVT và Công An, ký hiệu số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT và có hiệu lực từ ngày 15/5/2013.

Thời gian vừa qua dư luận có đưa thông tin sẽ xử phạt người đi mô tô, xe máy đội MBH rởm, Tổng cục TCĐLCL có ý kiến như thế nào về việc này? Nguyễn Duy Trang (23 tuổi, TPHCM)

Trần Văn Vinh: Đây là dư luận liên quan đến Thông tư liên tịch 4 bộ về quản lý chất lượng MBH. Trong dự thảo Thông tư liên tịch và tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không có quan điểm xử phạt người đội MBH rởm, MBH kém chất lượng.

Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi phải xử lý vi phạm hành chính đối với người tham gia giao thông đi mô tô, xe máy, xe đạp máy đội mũ có cấu tạo không phải là MBH.

Một bạn trẻ phát biểu "tuổi trẻ phải thể hiện được cá tính, vượt ra ngoài mọi chuẩn mực và khuôn khổ. Đội mũ thì bảo vệ được con người tôi nhưng không bảo vệ được cá tính của tôi". Thụy Vân nghĩ sao về câu nói đó? Lê Quang Anh (22 tuổi, TP.HCM, matnatrang21@yahoo...)

Á hậu Thụy Vân: Đó chỉ là sự ngụy biện mà thôi. Cá tính thể hiện bằng nhiều cách, nhiều hành động chứ không bằng chiếc MBH. Nếu một người vi phạm luật an toàn giao thông mà nói là “tôi cá tính” thì chẳng ai có thể chấp nhận được.

Xin chị chuyển tải một thông điệp ngắn gọn về tác dụng của việc đội MBH chuẩn tới bạn đọc?

Á hậu Thụy Vân: Chiếc mũ thông thường chỉ có thể giúp bạn che nắng, nhưng MBH sẽ giúp bảo vệ an toàn cho bạn.

Nếu nói với người hâm mộ của mình về việc đội mũ bảo hiểm, chị sẽ nói điều gì? Thu Thủy (35 tuổi - Sơn Trà – Đà Nẵng, [email protected])

Á hậu Thụy Vân: Vân chỉ nói một câu rất quen thuộc: “ Đội mũ MBH sẽ góp phần giữ gìn an toàn cho Vân, cho bạn và cho mọi người".

Mặc dù còn rất nhiều câu hỏi của độc giả nhưng do thời lượng buổi giao lưu có hạn nên chúng tôi xin phép được trả lời vào một dịp khác. Mọi câu hỏi xin gửi về địa chỉ [email protected]. Rất mong được gặp lại độc giả của Chất lượng Việt Nam trong những lần giao lưu sau.

Xin cảm ơn!

Chất lượng Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang