Vì sao tập đoàn IDG và Công ty chủ sở hữu Zing bị kiện ra tòa án Mỹ?

author 07:43 22/02/2014

Cty cổ phần VNG, đơn vị sở hữu website nghe nhạc trực truyến Zing Mp3, khó tránh được những rắc rối cũng như những thiệt hại về mặt quảng cáo khi vụ kiện vi phạm bản quyền diễn ra.

Khó tránh trách nhiệm 

Theo thông tin từ Trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn, đơn vị này đã đã khởi kiện Tập đoàn International Data (IDG) và Cty cổ phần VNG, đơn vị sở hữu website nghe nhạc trực tuyến Zing Mp3 ra tòa án của bang California vì vi phạm bản quyền của trung tâm. Theo đơn kiện, Làng Văn là Cty có trụ sở ở California (Mỹ) hiện giữ bản quyền nhiều bài hát và album nhạc Việt.

Làng Văn cáo buộc trang web Zing.vn (Zing) hiện do VNG sở hữu và điều hành đã sử dụng trái phép hơn 3.000 bài hát và hơn 600 album nhạc mà Làng Văn có bản quyền. Đây là con số mà Làng Văn tính trong giai đoạn họ tự theo dõi và đếm từ tháng 10/2012 đến tháng 11/2013.

Theo đơn kiện, Làng Văn cáo buộc Zing đã đưa các tác phẩm có bản quyền này lên trang Zing Music và để cho mọi người trên thế giới tải xuống hoàn toàn miễn phí mặc dù Zing và VNG không có bản quyền các bản nhạc này.

Theo cáo buộc, các bị đơn đã kiếm lời được vì các bản nhạc mà Làng Văn có bản quyền đã giúp tăng số lượng người truy cập vào Zing, từ đó giúp VNG bán được số lượng lớn quảng cáo và thu hút được người dùng sử dụng dịch vụ game của VNG. Trong đơn kiện của mình, Làng Văn đòi bồi thường 150.000 USD Mỹ cho mỗi vi phạm.

Trao đổi với PV  ngày 21/2 xung quanh vụ việc, đại diện truyền thông của VNG và một Phó tổng giám đốc của đơn vị này cho biết không muốn bình luận hay trả lời báo chí về vụ việc này.

“Vụ việc cũng giống như các vụ khác thôi. Khi vụ việc được đưa ra tòa thì tòa sẽ giải quyết. Khi vụ kiện diễn ra, chắc chắn sẽ có bên đúng bên sai. Bên tôi không muốn trả lời về vụ việc này. Về bản chất bên tôi không có vấn đề gì”, đại diện VNG nói

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Chủ tịch HĐQT Cty Luật hợp danh Đông Nam Á cho rằng, đây là vụ việc không dễ dàng đối với cả đơn vị đi kiện cũng như bên bị kiện.

Theo ông Thuật, với những thông tin có được, về cá nhân, ông thấy cũng có những vi phạm về luật pháp Việt Nam cũng như cả công ước Berne mà Việt Nam có tham gia.

Trường hợp đơn vị chủ quản của trang Zing MP3 cho rằng các bản nhạc là do người nghe, người dùng đưa (up) lên mạng và phải chịu trách nhiệm về bản quyền cũng như cũng vấn đề liên đới khác thì không thể chối trách nhiệm trong vụ việc. Lấy lý do là trang mạng xã hội cũng không chối bỏ được hoàn toàn trách nhiệm vì đã có những quy định trong nhiều điều khoản của luật.

“Khi anh làm chủ tài sản, làm chủ trang web thì phải có khả năng kiểm soát tất cả các hoạt động của thành viên, người dùng tham gia vào đó. Khi người dùng đưa các thông tin không trung thực, bản nhạc không có bản quyền lên thì anh cũng phải chịu trách nhiệm liên quan hành vi đó. Là chủ trang anh phải phát hiện và ngăn chặn các hành vi này. Ở đây có thể xử phạt trách nhiệm quản lý”, Luật sư Thuật phân tích.

Khó cả đôi bên

Luật sư Thuật cũng cho rằng, việc Làng Văn kiện Zing Mp3 trong trường hợp này sẽ gặp một số trở ngại. Làng Văn hiện là chủ sở hữu của một số bản nhạc, album nhạc, trong đó có nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ với nhiều ca sĩ hát, biểu diễn các ca khúc này. Khi kiện, Làng Văn phải chứng minh có ký hợp đồng với các tác giả bài hát, từng ca sĩ biểu diễn các bài hát đó và những hành vi mà Zing Mp3 vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, sẽ phức tạp hơn nếu Làng Văn khởi kiện và có thông báo đến các tổ chức bản quyền thế giới. Khi đó, việc chứng minh quyền sở hữu và vi phạm bản quyền trong sử dụng các bài hát quốc tế, do ca sĩ nước ngoài biểu diễn sẽ là việc rất khó khăn với đơn vị vi phạm.

“Làng Văn nộp đơn kiện ở California nên phải xem lại thẩm quyền điều chỉnh của luật quốc tế và quốc gia trong trường hợp này. Nếu vụ kiện được thực hiện ở Việt Nam hoặc kiện lên Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thì chắc chắn sẽ còn phức tạp nữa đối với các bên liên quan”, Luật sư Thuật nhận định.

Theo một chuyên gia về xử lý các vụ tranh chấp của doanh nghiệp, vụ kiện này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề quảng cáo của Zing MP3. Không khách hàng nào muốn quảng cáo sản phẩm của mình tại một địa chỉ đang bị tiếng xấu hoặc đang vướng mắc về tranh chấp pháp lý.

Thực tế, năm 2012 trang Zing.vn đã từng bị ảnh hưởng rất lớn sau khi Coca-Cola, Samsung rút quảng cáo trên trang này cũng vì những lý do liên quan bản quyền.

“Nhiều hãng lớn trên thế giới, trong các hợp đồng quảng cáo, đều ghi rõ khi đối tác thực hiện quảng cáo bị khiếu kiện làm ảnh hưởng đến sản phẩm hay hình ảnh của họ là họ sẽ cắt hợp đồng quảng cáo. Trường hợp này, thiệt hại về các hợp đồng quảng cáo là có thể thấy được”, vị này cho biết.

Theo Tienphong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang