Bão số 13 nguy hiểm như thế nào?

author 16:59 08/11/2013

Ông Tăng cho rằng việc dự báo luôn có sai số và chính quyền địa phương triển khai phòng chống để đối phó với khả năng xấu nhất là điều cần thiết. “Không chỉ Việt Nam mà các nước luôn thực hiện như vậy”.

Mỗi người dân, mỗi cơ quan tổ chức, các cấp chính quyền đều sẵn sàng ứng phó với thiên tai, có đủ kiến thức phòng chống thiên tai, thì mới có thể tránh được tình trạng: Cứ có tin báo bão là nháo nhào ứng phó, nháo nhác di dân, sơ tán, rồi tư thương tranh thủ tăng giá… Phòng chống thiên tai không chỉ phó mặc cho ngành Khí tượng “trông trời, trông đất, trông mây”!

Bão số 13


Cuối cùng rồi áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cũng không thành cơn bão số 13 “xui xẻo” như dự đoán. Trước đó, ngành Khí tượng thủy văn dự báo ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 13 với sức gió cấp 8 cộng với thông tin cơn bão Hải Âu cấp 17 đang ầm ầm tiến vào biển Đông, khiến công tác ứng phó với “cơn bão số 13” cực kỳ khẩn trương.

Tại cuộc họp ngày 5/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cử ngay đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan đi ngay vào các địa phương để chỉ đạo phòng chống bão. Các địa phương được dự đoán bão sẽ vào “lo sốt vó”. TP HCM đã sơ tán 2.154 người dân tại huyện Cần Giờ đến nơi trú bão an toàn, học sinh, sinh viên, giáo viên toàn thành phố cũng được nghỉ... Nhưng rồi bão không vào.

Trước sự ồn ào của dư luận về “dự báo sai”, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TW, phân trần: Khi gió mạnh nhất vùng gần tâm xoáy thuận nhiệt đới mạnh từ 17,5m/s (cấp 8) trở lên được gọi là bão, còn mạnh cấp 6 - 7 thì gọi là ATNĐ. Như vậy từ ATNĐ với bão chỉ chênh nhau tốc độ gió 0,3m/s. Việc dự báo ATNĐ thành bão cấp 8 nhưng thực tế chỉ dừng lại ở ATNĐ là nằm trong sai số cho phép (sai số dự báo bão từ 1-2 cấp). Ông Tăng cho rằng việc dự báo luôn có sai số và chính quyền địa phương triển khai phòng chống để đối phó với khả năng xấu nhất là điều cần thiết. “Không chỉ Việt Nam mà các nước luôn thực hiện như vậy”.

Ngành Khí tượng dự báo bão. Ảnh: nchmf.

Cũng theo ngành Khí tượng, thông thường, trên biển Đông chỉ có khoảng 10-11 cơn bão hoạt động/năm. Nhưng năm nay, tới hiện tại đã có 12 cơn bão (chưa kể bão Hải Âu đang rình rập), ngoài ra còn 5 ATNĐ (tính cả ATNĐ suýt thành bão kia). Con số này đã phá vỡ mức kỷ lục lâu nay. Theo số liệu thống kê, vào năm 1964 ghi nhận có 16 cơn hoạt động trong vùng biển Đông. “Năm 1964 thì dự báo vẫn chưa phân biệt bão hay áp thấp, tất cả đều gọi chung là bão. Nhưng năm nay, cả áp thấp và bão đã lên tới 17 cơn”, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TW nhận định.

Ngoài ra, khu vực biển Tây Bắc Thái Bình Dương cũng đã ghi nhận một con số kỷ lục với 31 cơn bão và ATNĐ. Trung bình nhiều năm chỉ ở mức 28 cơn. Trong khi, vẫn còn gần 2 tháng nữa mới hết năm 2013. “Riêng tháng 10/2013, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã ghi nhận 7 cơn bão, vượt con số kỷ lục vào tháng 10/1989 với 6 cơn bão”. Như vậy, về diễn biến của bão năm nay ghi nhận 2 kỷ lục. Hơn nữa, số cơn bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong năm nay cũng nhiều hơn. Thông thường, mỗi năm chỉ có khoảng 1 cơn bão mạnh từ cấp 12 trở lên ảnh hường trực tiếp đến nước ta, nhưng năm nay, thời điểm này đã có 2 cơn bão mạnh (bão số 10 và 11).

Với một năm đầy biến động, thậm chí “lập kỷ lục” về số cơn bão thì có lẽ sự “cẩn thận” của ngành Khí tượng cũng không thừa. Sẽ làm sao nếu bão vào mà không được dự báo trước? Việc các địa phương sơ tán dân, chuẩn bị ứng phó với bão có thể tốn kém, nhưng sẽ là tốn kém hơn nếu bão vào mà chính quyền và người dân không kịp trở tay. Năm nay, nước ta lập kỷ lục về số ATNĐ và bão. Sau “rốn bão” Philippines thì số lượng thiên tai “đến từ biển” của nước ta cũng vào loại cao nhất khu vực.

Việc cần làm lúc này là nâng cao kỹ năng phòng chống thiên tai (bão lũ) cho người dân, đặc biệt là người dân miền Trung; chính quyền các tỉnh thành phố ven biển cũng cần có quy hoạch, kế hoạch “sống chung với bão lũ”, việc đào tạo kỹ năng, kiến thức cơ bản về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai cho học sinh cần phải được thực hiện ngay chứ không thể chậm trễ…

Mỗi người dân, mỗi cơ quan tổ chức, các cấp chính quyền đều sẵn sàng ứng phó với thiên tai, có đủ kiến thức phòng chống thiên tai, thì mới có thể tránh được tình trạng: Cứ có tin báo bão là nháo nhào ứng phó, nháo nhác di dân, sơ tán, rồi tư thương tranh thủ tăng giá… Phòng chống thiên tai không chỉ phó mặc cho ngành Khí tượng “trông trời, trông đất, trông mây”!

Theo Công an Nhân dân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang