Vì sao thương lái Trung Quốc mua rau, củ, quả?

author 11:40 30/06/2013

(VietQ.vn) - Từ mua đỉa đến rễ cây, thân cây gỗ rồi trái cây, cua, tôm hùm … mỗi lần thu mua của thương lái Trung Quốc đều diễn ra rất "lạ đời" và người nông dân Việt Nam không biết lý do họ thu mua là gì.

Điểm mặt các vụ thu mua lạ

Tại nhiều tỉnh phía Nam, thương lái Trung Quốc đang thu mua dứa (khóm) xanh số lượng lớn.

Theo bà con nông dân tại tỉnh Tiền Giang, các thương lái Trung Quốc thu mua dứa còn non, xanh, sau đó xịt thuốc tăng trưởng để cho trái to đẹp hơn. Giá thu mua của thương lái Trung Quốc thường cao hơn so với giá thị trường từ 300 – 500 ngàn đồng.

Do đánh trúng vào tâm lý muốn bán giá cao nên nhiều hộ nông dân trồng dứa diện tích lớn tại Tiền Giang đã “bán vội”.

Theo cơ quan Công an huyện Tân Phước – tỉnh Tiền Giang, hành động phun thuốc kích thích, ép dứa chín sớm có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường đất.  

Trên địa bàn Tây Nguyên rộ lên một thời việc thương lái thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu đang sống. Giá thu mua vào khoảng 40.000 đồng/kg.

Người nông dân ở TP. Playku tỉnh Gia Lai đã ồ ạt chặt cây hồ tiêu để bán cho thương lái Trung Quốc và kết quả là hàng chục ha hồ tiêu bị hạ chặt. Tuy không rõ mục đích thu mua của thương lái Trung Quốc là gì nhưng đó là hành động phá hoại ngành sản xuất hồ tiêu ở Việt Nam. Nhiều người nông dân ở Tây Nguyên do nhẹ dạ, cả tin, vì hám lợi trước mắt nên đã lĩnh hậu quả, hồ tiêu trồng lại không kịp ra trái, không có thu nhập ổn định hàng năm, phục vụ cuộc sống sinh hoạt đơn thuần. 

Cùng thời điểm, khoai lang tím đã từng là nguồn thu nhập lớn của nhiều hộ nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuy nhiên, khi thương lái Trung Quốc tới mua, giá khoai lang tím giống Nhật Bản có giá tới 1 triệu đồng/60 kg.

Thấy nhu cầu mua của thương lái Trung Quốc lớn, giá cao, người dân đã ồ ạt trồng khoai lang. Tuy nhiên, sau hành động thu mua ồ ạt, vô hiệu hóa các thương lái nhỏ lẻ của Việt Nam, thương lái Trung Quốc quay sang ép giá người nông dân. Giá từ chỗ 1 triệu đồng/60 kg đã giảm xuống còn 200 – 300 ngàn đồng/60 kg. 

<em>Mua hạt chè tươi không rõ lý do của thương lái Trung Quốc. Ảnh: N. M</em>
Mua hạt chè tươi không rõ lý do của thương lái Trung Quốc. Ảnh: N. M

Ở diễn biến khác, phân trâu nói chung thường chỉ để bón cho cây cối và dùng nuôi một số loại cá nước ngọt. Tuy nhiên, những năm gần đây, không hiểu mua vì lý do gì mà thương lái Trung Quốc đã thu gom ồ ạt phân trâu khô.

Từ năm trước, tình trạng thu gom, mua bán phân trâu khô của thương lái Trung Quốc tại biên giới giữa ba nước Việt-Trung-Lào ở Apachair, Mường Né, Điện Biên đã diễn ra rất nhộn nhịp.

Vào các buổi sáng, có hàng chục lượt xe công nông chất đầy các bao phân trâu khô của bà con các bản giáp biên giới lại tấp nập nối đuôi nhau mang bán cho tư thương Trung Quốc. Phân trâu mà bà con thu gom ở các đồi núi, khu chăn thả gia súc trong vùng được bán với giá 60.000 đồng/bao 15kg. Tính ra mỗi kg phân trâu khô có giá chỉ có 4000 đồng, con số này không lớn nhưng đã thu hút được rất nhiều người dân ở các bản giáp biên giới Apachai tham gia. 

Thương lái Trung Quốc trả giá mua đỉa rất cao lên tới vài trăm nghìn/kg khiến không ít người dân đã bỏ công bỏ việc để đi “săn đỉa” đem bán. Thậm chí, không ít ngươi ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tham gia vào việc thu mua đỉa để bán cho thương lái Trung Quốc.

Mặc dù thương lái Trung Quốc mua đỉa nhưng không ai biết họ mua với mục đích mua để làm gì và sử dụng chúng như thế nào. Tới một ngày “đẹp trời”, thương lái Trung Quốc bỏ đi, ngưng mua đỉa, số lượng lớn đỉa thu gom được không biết đổ đi đâu và kết quả là môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề, người dân khiếp sợ vì đỉa thâm nhập tràn lan. 

Từ cuối năm 2011, thương lái Trung Quốc bắt đầu sang xã Diêm Tiêu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định để tìm mua cây hoa ngâu. Họ không cho biết mình mua cây ngâu về để làm gì nhưng cứ cây nào cao ráo, xum xuê là họ hỏi mua với giá 3,5 triệu đồng/cây.

Từ đó nhiều người từ bắc tới nam lần lượt kéo về huyện Phù Mỹ lùng sục mua cây ngâu. Có những gia đình bán 20 cây một lượt, mỗi cây từ 2 đến 3 triệu thu về hơn 60 triệu đồng.

Nhiều người nông dân cho rằng, khi cây ngâu hiệu quả khai thác không còn, già cỗi, năng suất thấp, định chặt bỏ làm củi để trồng cây mới thì thương lái Trung Quốc lại ầm ầm kéo đến hỏi mua. Bán được giá nên người nông dân ồ ạt đào ngâu bán cho thương lái Trung Quốc.

Tại nhiều khu vực trồng chè nổi tiếng của Việt Nam như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, thương lái Trung Quốc đến đặt tiền và thu gom hạt chè tươi

Theo người dân ở các vùng này, hạt của tất cả các giống chè chỉ cần đạt tiêu chuẩn còn tươi là sẽ được thu mua hết với giá khoảng 6.000 đồng/kg. Điều lạ là thương lái mua hạt chè không phân biệt, đề cập đến chất lượng giống hay kích cỡ hạt, chỉ cần còn tươi là được. Mục đích mua cả các thương lái Trung Quốc cũng không rõ ràng, không ai biết họ mua vì mục đích gì. 

Sau mỗi lần thu mua của thương lái Trung Quốc, nguyên liệu và nông thủy sản Việt Nam thường bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: N. M
Sau mỗi lần thu mua của thương lái Trung Quốc, nguyên liệu và nông thủy sản Việt Nam thường bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: N. M

Từ nhiều năm nay tại vùng núi Tây Bắc có hiện thường thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt thân, rễ cây thuốc.

Giá thu mua của thương lái Trung Quốc tuy không cao nhưng theo người dân cũng là phần thu nhập quan trọng của họ. Nhiều bà con vùng dân tộc ùn ùn đi khai thác thân, rễ cây thuốc. Kết quả là thu được vài trăm ngàn trước mắt nhưng sau đó, nguồn cây thuốc bị tận diệt, muốn khai thác, chữa bện tại chỗ lại không có.

Ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũng vậy, thương lái người Trung Quốc đến thu mua thân, rễ cây thuốc một thân. Cây thuốc một thân là một loại dược liệu quý được dùng chữa trị nhiều loại bệnh cho bà con trong vùng đồng bào Dao. Thế nhưng do thương lái Trung Quốc đến tận nơi đặt mua với giá cao nên nhiều bà con trong các thôn bản đã rủ nhau lên rừng lấy thuốc bán.

Hiện trên địa bàn xã Phúc Lợi đang có hơn 10 hộ gia đình thu mua thân, rễ cây thuốc một thân với giá 8.000 đồng/kgthân, rễ tươi, và 40.000 đồng/kg thân, rễ khô. Các hộ này thu mua về đem phơi khô, khi gom đủ số lượng cho 1 xe, chỉ cần một cuộc điện thoại sẽ lập tức có ô tô đến bốc tận nơi.

Chưa dừng lại đó, thương lái Trung Quốc tới Cà Mau trú trong các khách sạn, nhà trọ thậm chí nhà dân để chờ thu mua cua.

Theo Công an thị trấn Năm Căn, H. Năm Căn (Cà Mau), có tới 20 thương lái Trung Quốc đang hoạt động tại địa bàn để thu mua cua.

Một chủ vựa thu mua cua ở H. Đầm Dơi (Cà Mau) cho biết, hiện người TQ đến Cà Mau thu mua cua ngày càng đông, bởi Cà Mau đang vào vụ thu hoạch cua. Giá thu mua cua của thương lái Trung Quốc tuy cao hơn vài ngàn đồng so với giá thông thường nhưng tình trạng hoạt động lộn xộng của thương lái Trung Quốc khiến cho thị trường rối loạn, khó kiểm soát giá cua trên thị trường.

Vì sao thế?

Với dân số hơn 1 tỷ người Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thực phẩm lớn nhất thế giới nhưng nguồn cung thực phẩm trong nước không đáp ứng cả về chất lượng lẫn số lượng nên Trung Quốc liên tiếp thực hiện các thương vụ thâu tóm, thu mua thực phẩm. Thậm chí là thuê đất để mở rộng sản xuất nông nghiệp trên khắp thế giới. Dưới áp lực về lương thực, Trung Quốc đã phải hướng ra ngoài để thuê đất nông nghiệp, chính phủ Trung Quốc đã cổ vũ cho các DN ra nước ngoài thuê mua đất nông nghiệp, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Mỹ. Thậm chí cả một số nước ở châu Âu.
 
Hiện tại có hơn 40 Công ty nông nghiệp Trung Quốc hoạt động ở 30 nước trên cả 5 châu lục để sản xuất các thực phẩm mà nước này đang thiếu như gạo, đậu tương, ngô… Các nhà đầu tư Trung Quốc thường ưa thích lựa chọn mua, thuê đất ở châu Phi và Nam Mỹ, vì ở đây việc thuê, mua dễ dàng hơn các châu lục khác.
 
Năm 1996, Công ty Tân Thiên ở Tân đã đầu tư 50.000 USD vào Cuba để trồng lúa nước. Sau đó là 1.000 ha đất ở Mexico. Năm 2004, chính quyền thành phố Trùng Khánh (TQ) đã ký thỏa thuận hợp tác “Khu nông nghiệp tổng hợp Trung Lào” với diện tích 5.000 ha đất.
 
Từ hơn 10 năm trước, người Trung Quốc đã tới Mông Cổ trồng rau cải, kinh doanh rất phát đạt. Kazakhstan đã nhượng gần 400km2 cho Trung Quốc. Từ năm 2006 đến 2009, có từ 15-20 triệu hécta đất nông nghiệp ở các nước thuộc vùng Tiểu sa mạc Sahara châu Phi đã được bán, nay thuộc quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Tại Argentina, công ty của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với chính quyền tỉnh Rio Negro thuê diện tích đất trang trại lên tới 320.000 ha. Hợp đồng lớn nhất mà Trung Quốc ký được ở châu Phi là với Cộng hòa Dân chủ Congo: 2,8 triệu hécta đất để trồng cọ, tương đương 1% diện tích đất của nước này.
 
Không chỉ mở rộng sang châu Phi và Nam Mỹ, Trung Quốc còn đặt chân tới những thị trường phát triển hơn như châu Âu, Bắc Mỹ. Năm 2011, Trung Quốc thuê đất của quần đảo Bắc Mariana ( một vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương). Năm 2012, một công ty của Trung Quốc đã giành được quyền sử dụng 15.200 ha đất nông nghiệp tại miền Bắc Australia trong vòng 50 năm. Tại Nga, cũng có nhiều vùng đất đã được các tổ chức và cá nhân đến từ Trung Quốc thuê lại để trồng trọt, khai thác khoáng sản.
 
Đi liền sau các hợp đồng thuê đất ở khắp 5 Châu là dòng người Hoa được đưa tới đó để làm việc. Việc Trung Quốc mua, thuê đất khiến nhiều quốc gia lâm vào nguy cơ bất ổn tiềm ẩn. Hoạt động nông nghiệp của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới hoạt động nông nghiệp của nước sở tại.

Hồng Anh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang