Vì sao Trung Quốc tuyên bố dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981?

author 07:58 16/07/2014

Trung Quốc cho là đã hoàn thành hoạt động khoan thăm dò trái phép của giàn khoan 981 tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nay rút về đảo Hải Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Tin tức trên Báo Giáo dục Việt Nam dẫn thông tin từ Tân Hoa xã tối ngày 15 tháng 7 đưa tin, Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Quốc (COSL) – công ty con của Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết, giàn khoan “Hải Dương Thạch Du 981” (HYSY 981) do công ty này quản lý, vận hành đã kết thúc hoạt động khoan thăm dò (trái phép) tại “vùng biển đảo Tri Tôn, quần đảo Tây Sa” (thực chất là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), họ đã thu được các thông tin địa chất có liên quan.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc liên tục dịch chuyển

Theo tuyên truyền của bài báo, "hoạt động khoan thăm dò (trái phép) này đã tiến hành thuận lợi, không bị ảnh hưởng bởi tình hình biển và thời tiết xấu như gió bão. Đồng thời, dự án được quản lý có hiệu quả, đã tối ưu hóa thiết kế giàn khoan, nâng cao hiệu suất hoạt động, đã bảo đảm hoạt động khoan thăm dò (trái phép) hoàn thành thuận lợi theo thời gian xác định".

Theo kế hoạch, giàn khoan HYSY 981 sẽ chuyển địa điểm, đến hoạt động tại dự án Lăng Thủy, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Theo tờ “Tin tức Trung Quốc”, bước tiếp theo phía Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá tổng hợp về những thông tin, số liệu địa chất thu được, trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng phương án làm việc giai đoạn tiếp theo.

Theo bài báo, ngày 2 tháng 5 năm 2014, giàn khoan 981 bắt đầu khoan thăm dò (trái phép) ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, ngày 27 tháng 5 hoàn thành hoạt động khoan thăm dò giếng số 1 ở vùng biển đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), ngày 28 tháng 5 chuyển sang khoan thăm dò trái phép ở giếng số 2 cũng ở vùng biển này, đến ngày 15 tháng 7 năm 2014 kết thúc hoạt động trái phép này.

Theo chuyên gia Trung Quốc, sở dĩ Trung Quốc thực hiện khoan thăm dò thuận lợi là đã tính kỹ các nhân tố như thảm họa địa chất, rủi ro kỹ thuật và ảnh hưởng của bão; đồng thời trên thực tế trong quá trình hoạt động trái phép cũng không bị ảnh hưởng bởi các nhân tố này; ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, phía Trung Quốc đã tăng cường phân tích động thái, tăng cường tổ chức hoạt động, tối ưu hóa phương án, đã nâng cao hiệu suất hoạt động.

Tất cả các hoạt động của dàn khoan và đoàn tàu hộ tống của TQ đều hoạt động trái pháp luật, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trong vùng viển thuộc vùng đặc quyền kinh tế.

Như vậy, giàn khoan 981 đã ngang nhiên tiến hành hoạt động khoan thăm trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tới 73 ngày, bất chấp luật pháp quốc tế, đồng thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Trung, Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam cũng như bất chấp sự phản đối của Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động trái phép của giàn khoan 981, Trung Quốc đã điều hơn 100 tàu các loại cùng nhiều loại máy bay, trong đó có cả tàu chiến, máy bay quân sự, máy bay do thám, tàu hải cảnh, tàu dịch vụ, tàu cá vỏ sắt… Những tàu Trung Quốc được lệnh hung hăng ngăn cản, hung hãn đâm húc, khủng bố tàu chấp pháp, tàu cá Việt Nam. Đáng chú ý là, một “đặc sắc” khủng bố kiểu Trung Quốc là đã đâm chìm tàu cá, định cho đâm chìm tàu kiểm ngư KN 951 của Việt Nam…

Đây là những hành vi có tính chất “khủng bố” rất rõ ràng, thậm chí vô nhân đạo (không cho cứu ngư dân trên tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm). Đồng thời, hành động này phản ánh rõ tính chất phi nghĩa từ hành động phi pháp của Trung Quốc.

Trong thời gian tới, đối với những hành động khiêu khích, khủng bố, bành trướng như trên của Trung Quốc, Việt Nam cần kiên quyết ngăn chặn, nghiên cứu đưa ra nhiều phương án xử lý bám sát và đón đầu các diễn biến thực địa.

Tin tức trên Dantri dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho hay, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc về phía đảo Hải Nam.

Như vậy, sau 75 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đến 21h ngày 15/7, Trung Quốc đã di dời giàn khoan ra khỏi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

 

 

 

Trước đó, ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Ngày 27 tháng 5 năm 2014, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý.

Hành động của Trung Quốc xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông.

Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và tiến hành khảo sát thăm dò địa chấn 2D, 3D từ năm 2005.

Những lần như vậy, Việt Nam đều đã cử tàu dân sự thực thi pháp luật ra yêu cầu Trung Quốc không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đã nhiều lần tiếp xúc ngoại giao, trao công hàm kiên quyết phản đối hoạt động sai trái của Trung Quốc, gồm một loạt các cuộc tiếp xúc giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Ngày 05 tháng 8 năm 2010 và ngày 08 tháng 8 năm 2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công khai phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.

Từ ngày 2/5/2014 đến nay, Việt Nam đã nhiều lần gửi công hàm, tiếp xúc trên 30 lần ở nhiều cấp khác nhau để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam – hành động xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong các công hàm và tại các lần tiếp xúc này, Việt Nam luôn yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc triển khai hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Nhiều bằng chứng dưới dạng băng hình và hình ảnh được thực hiện bởi các phóng viên quốc tế được Việt Nam mời ra hiện trường cho thấy rõ ràng các hành động bạo lực và hung hăng của Trung Quốc như đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu của Việt Nam, làm bị thương hàng chục cán bộ và đâm hỏng nhiều tàu của các cơ quan thực thi pháp luật dân sự của Việt Nam và đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam (ngày 26 tháng 5 năm 2014) mà không xem xét đến an toàn và tính mạng của ngư dân Việt Nam. Các hành động của Trung Quốc đã không chỉ vi phạm quy định cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với những người đi biển.

 

 

 

 

Phùng Nguyên (Tổng hợpTheo GDVN-Dantri)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang