Vì sao túi nhựa thân thiện chưa được chuộng?

author 13:56 20/06/2013

(VietQ.vn) - Tiện ích cho người dùng, thân thiện với môi trường hơn các sản phẩm túi nilong nhưng túi nhựa vẫn "vắng bóng" trên thị trường.

Túi nhựa tự hủy khan hiếm và giá quá cao

Túi nhựa tự hủy (túi nhựa thân thiện với môi trường) bán trên thị trường Việt Nam chủ yếu có 2 loại. Dòng sản phẩm túi nhựa có trộn phụ gia thúc đẩy quá trình tự phân rã của màng nhựa và dòng sản phẩm Biobased, dùng nhựa nguyên sinh phối trộn với tinh bột sắn theo tỷ lệ 30 - 70%. Giá bán các loại túi này từ 36.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khảo sát qua các chợ ở TP. HCM thì chỉ thấy có một vài sạp nhỏ trong chợ Soái Kình Lâm, chợ Sơn Kỳ là có bán sản phẩm này.

Túi ni lông tiện lợi nhưng nguy hại với môi trường. Ảnh: N. M
Túi ni lông tiện lợi nhưng nguy hại với môi trường. Ảnh: N. M

Tại sạp ở chợ Sơn Kỳ, người bán cho biết: "Mỗi ngày tôi bán gần 1 tấn túi nhựa nhưng tính bình quân một tháng chỉ bán được 200 - 250 kg túi nhựa tự hủy.. Dù giá bán của 2 loại túi tương đương nhau, chúng tôi cũng cố gắng giới thiệu với các khách hàng nhưng vài tháng trở lại đây dòng sản phẩm này bán kém, tôi cũng đang ngưng chưa lấy tiếp hàng vì còn tồn hàng khá nhiều".

Theo bà Nguyễn Thanh Vân -  Giám đốc Công ty Một Bước Tiến, doanh nghiệp sản xuất dòng túi nhựa Biobased cho biết: "Ngoài một vài siêu thị lớn, cửa hàng hiện đại có sử dụng sản phẩm của công ty thì chúng tôi vẫn chưa tìm được cách xâm nhập vào các chợ để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng".

Ông Lê Lộc - Giám đốc Công ty Phúc Lê Gia, đơn vị đầu tiên cung ứng dòng túi nhựa thân thiện với môi trường, chia sẻ: "Dẫu mỗi ngày TP. HCM tiêu thụ vài ngàn tấn túi xốp nhưng công ty chúng tôi mỗi tháng cung ứng cho thị trường tầm 60 tấn túi nhựa, đó là con số rất nhỏ. Trước đây chúng tôi đã đưa được sản phẩm đến chợ An Đông, Bình Tây nhưng hiện nay phải thu hẹp lại phạm vi cung ứng".

Trong khi đó, túi xốp thông thường vẫn đang bán rất chạy. Chủ một sạp tại chợ Phạm Văn Hai nói: "Chúng tôi không bán túi nhựa tự hủy. Hiện tại bán nhiều loại túi xốp thường với nhiều giá cả khác nhau, túi xốp màu trắng loại tốt giá bán 40.000 đồng/kg, túi nhựa màu đen, nhiều màu dùng nhựa tái chế giá chỉ từ 25.000 - 26.000 đồng/kg".

Túi ni lông tiện dụng nhưng hại môi trường

Hệ lụy từ việc sử dụng túi ni lông là không thể chối bỏ. Ít thì gây chai hóa đất sản xuất, nặng thì gây tắc nghẽn hệ thống hạ tầng đô thị, làm gia tăng tình trạng ngập lụt và gây ảnh hưởng chất lượng xử lý chất thải. Mặt khác, với những loại túi ni lông kém chất lượng có thể gây tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng làm cách nào để có thể loại bỏ sản phẩm này trong cuộc sống lại là điều không đơn giản.

Tại các chợ Soái Kình Lâm (Đồng Khánh), Kim Biên, Bình Tây… quận 5 - khu vực sử dụng túi ni lông khá nhiều trên địa bàn TP.HCM, trung bình mỗi tiểu thương sử dụng khoảng từ 2 - 10 kg túi mỗi ngày. Các dạng túi ni lông cũng rất khác nhau và có giá khoảng từ 22.000 - 36.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hồng Nga, chủ sạp bán vải tại chợ cho biết, phần lớn các tiểu thương không tự đi mua túi ni lông mà có người đến tận sạp chào bán. Ngày nào họ cũng có người thường trực tại đây, chỉ gọi điện thoại là được cung cấp. Khi được chúng tôi hỏi về chất lượng các loại túi cũng như tác hại khi sử dụng nhiều túi ni lông, phần lớn các tiểu thương chỉ cười.

Chị Tăng Hồ Mỹ, chủ sạp vải áo dài trên đường Trần Hưng Đạo B, cho biết, chủ yếu là bao bì phải chắc, nhất là những loại túi kích cỡ lớn, cần đựng cho nhiều vải chuyển cho những người mua sỉ mà phải vận chuyển về tỉnh. Còn với khách bán lẻ không cần quan tâm lắm vì một sấp vải thường rất nhẹ. Riêng với loại túi ni lông tự hủy cũng có số ít tiểu thương biết đến. Chủ yếu do hội phụ nữ quận có tuyên tuyền và phát sử dụng thử. Tuy nhiên, do loại túi này không được phổ biến lại không có "cơ chế" bán tận sạp nên không mấy chủ sạp hàng quan tâm sử dụng.

Thay đổi thói quen, quá khó!

Ông Hồ Tuấn Kiệt, Phó phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Bao bì Vafaco cho biết, công ty chuyên sản xuất bao bì tự hủy và từ năm 2012, sản phẩm của công ty đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận là bao bì tự hủy. Trung bình giá khoảng 44.000 - 50.000 đồng/kg. Hiện sản phẩm của công ty chuyên cung cấp cho hệ thống siêu thị tại TP. HCM nhưng với hệ thống phân phối dành cho thị trường bán lẻ rất hạn chế. Nguyên nhân về mặt chênh lệch giá thành chỉ là yếu tố nhỏ. Vấn đề quan trọng chính là do ý thức của người tiêu dùng chưa sử dụng bao bì tự hủy.

Đồng thuận với quan điểm này, bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, cho biết thêm, theo nghiên cứu do Quỹ Tái chế thực hiện, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành tiêu thụ khoảng 70 tấn túi ni lông. Trong thời gian qua, quỹ đã phát triển rất nhiều chương trình vận động cộng đồng tăng cường sử dụng những sản phẩm có lợi hơn cho môi trường, giảm thiểu sử dụng túi ni lông, nhưng thực sự hiệu quả rất khó đạt như mong muốn. Hơn nữa, về giá thành cũng là điều cần xem xét thêm. Hiện đang có rất nhiều cơ sở sản xuất túi ni lông mà không hề đăng ký kinh doanh. Hay nói đúng hơn là trốn thuế nên giá thành họ bỏ cho tiểu thương, người buôn bán lẻ rất thấp, chưa tới 20.000 đồng/kg. Vậy làm sao các sản phẩm túi thân thiện với môi trường "chính hãng" có thể cạnh tranh nổi.

Túi nhựa thân thiện với môi trường vẫn "khó gần" với người tiêu dùng. Ảnh: N. M
Túi nhựa thân thiện với môi trường vẫn "khó gần" với người tiêu dùng. Ảnh: N. M

Không cải thiện được thói quen tiêu dùng, mọi gánh nặng về việc sử dụng túi ni lông quá mức đang đổ dồn lên hoạt động thu gom và xử lý chất thải. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị, cho biết, hiện tỷ lệ ni lông trong rác thải thu gom chiếm khoảng 10%/tổng lượng rác thải (khoảng 7.000 tấn/ngày). Điều này khiến giải pháp xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp gặp nhiều khó khăn, bởi vì thời gian phân hủy rác lâu, chi phí xử lý tốn kém. Quan trọng hơn là khả năng tái sử dụng lại bãi chôn lấp bị kéo dài trong khi thành phố đang rất thiếu đất dành cho xử lý chất thải.

Hiện công ty đang phải tìm giải pháp xử lý túi ni lông trước khi đưa vào bãi chôn lấp, song cần thiết hơn vẫn là phải giảm thiểu từ đầu nguồn sử dụng. Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh thêm, trong tổng số túi ni lông sử dụng, có rất ít lượng túi đến được bãi chôn lấp rác. Còn lại là thất thoát chưa kiểm soát được và rất có thể tình trạng ngập nước do tắt hệ thống thoát nước chính từ thói quen sử dụng túi ni lông quá mức từ phía người dân thải ra môi trường.

Giảm 65% lượng túi nilon dùng trong siêu thị đến năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Một trong các nhiệm vụ quan trọng của Đề án là tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi nilon khó phân hủy đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ này.

Đồng thời, đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải túi nilon khó phân hủy đối với môi trường vào chương trình giảng dạy ở các cấp học theo các hình thức, nội dung phù hợp.

Tăng cường sản xuất và sử dụng sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy, trong đó, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy. Cụ thể, phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải túi nilon khó phân hủy,đặc biệt trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang