Vì sao UBND tỉnh Bình Thuận họp gấp về kho báu 4.000 tấn vàng?

author 21:19 17/03/2016

(VietQ.vn) - Chủ tịch tỉnh Bình Thuận vừa ký văn bản giao cho chủ tịch UBND huyện Tuy Phong chủ trì làm việc với các cơ quan về thông tin kho báu 4.000 tấn vàng.

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký văn bản ngày 15/3 giao cho chủ tịch UBND huyện Tuy Phong chủ trì làm việc với các cơ quan liên quan.

Vì sao UBND tỉnh Bình Thuận họp gấp về kho báu 4.000 tấn vàng?

Bình Thuận họp gấp về kho báu 4.000 tấn vàng. Ảnh minh họa.

Thành phần các bên trong cuộc họp này được ghi trong giấy mời gồm đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của Sở VH-TT&DL, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở TN&MT, UBND xã Phước Thể…

Trong thành phần, có một cá nhân đặc biệt là ông Hoàng Văn Đợi, cư trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM.

Lý do buổi họp có mời ông Hoàng Văn Đợi là để ông Đợi báo cáo về quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về kho báu, cung cấp những tài liệu, bằng chứng làm căn cứ.

Câu chuyện về "kho báu Yamashita" – kho báu 4.000 tấn vàng nóng trở lại từ năm 1992 khi ông Trần Văn Tiệp, một người dân ở quận Phú Nhuận, TPHCM gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Thuận xin phép được thăm dò và khai thác "kho báu Yamashita" tại đỉnh núi Tàu, thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận).

Nhiều tài liệu cho rằng trong thế chiến thứ 2, quân đội Nhật đã vơ vét nhiều vàng bạc, của cải ở các nước vùng châu Á mà họ chiếm đóng.

Từ cuối năm 1944, khi Nhật thua trận và sắp đầu hàng quân đồng minh, Tư lệnh quân đội Nhật ở Châu Á - Thái Bình Dương lúc ấy là Đại tướng Yamashita Tomoyuki nhận được lệnh bằng mọi cách phải đưa toàn bộ số của cải về Nhật. Tuy nhiên, âm mưu này bị quân đồng minh phát hiện, ráo riết tìm cách ngăn chặn. Nguy cơ hàng chục ngàn tấn vàng bạc, châu báu sẽ rơi vào tay đồng minh...

Trước tình thế đó tướng Yamashita Tomoyuki đã đưa ra phương án cho phép quân đội Nhật bí mật chôn giấu tại các địa điểm ven biển. Ở vị trí mỗi kho báu được lập một tấm bản đồ duy nhất, giao cho một người cất giữ. Khi đó người Nhật đã tính tới việc sẽ quay lại để lấy kho báu này vì đường biển sẽ thuận lợi và an toàn hơn đường bộ.

Câu chuyện về kho báu của Yamashita vì thế được lưu truyền và quan tâm ở tất cả những quốc gia Đông Nam Á có biển. Giấc mơ vàng càng trở nên sôi sục khi vào năm 1970, ông Ferdinand Marcos tổng thống Philippines lên tiếng việc ông đã phát hiện được kho báu của Yamashita. Sau đó bà vợ ông này đã xác nhận số vàng mà chồng bà tìm ra hơn 4.000 tấn.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ vì nằm trên hải trình của những con tàu biển của quân Nhật đã đi qua. Người ta đồn rằng, khi những chiến hạm cực lớn chở vàng bạc, châu báu của Yamashita đến vịnh Cà Ná (nơi giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) thì bị không quân của quân đồng minh truy kích dữ dội. Đại tá Yoshida chỉ huy hạm đội đã bí mật chuyển 4.000 tấn vàng vào một hòn núi sát với vùng biển này rồi thuê người dân tộc địa phương chôn giấu sau đó đánh đắm đoàn tàu cùng toàn bộ thủy thủ đoàn.

Những ai chứng kiến, tham gia việc chôn giấu vàng từ con tàu của đại tá Yoshida đều bị giết để giữ bí mật tuyệt đối…nhưng một tộc trưởng người Raglai may mắn tẩu thoát khỏi cuộc thảm sát và rồi câu chuyện về "kho báu" núi Tàu được hé lộ với bao nhiêu cuộc tìm kiếm kho báu ly kỳ, xen lẫn những bi kịch kéo dài cho tới ngày nay.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang