Vì sao việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ trở thành vấn đề cấp thiết?

author 06:19 08/10/2019

(VietQ.vn) - Sau nhiều năm đi vào áp dụng thực tế, Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ những bất cập và cần thiết phải có điều chỉnh sớm.

Theo đánh giá của chuyên gia, hiện nay, các tổ chức, cá nhân ngành văn hóa và du lịch vẫn chưa nhận thức chính xác và đầy đủ về sở hữu trí tuệ cũng như các vấn đề liên quan như về quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, các bản thu âm, bản ghi hình,…

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, đào tạo cơ bản và nâng cao về sở hữu trí tuệ như các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ,… trong ngành văn hóa và du lịch ở Việt Nam còn bỏ ngỏ, nhiều bất cập và hạn chế.

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), thời gian qua nhất là sau khi Luật SHTT được ban hành năm 2005, thì nhận thức của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình quản lý, thực thi và tuân thủ quyền SHTT trong ngành văn hóa và du lịch vẫn còn yếu kém, bất cập chưa thể được khỏa lấp. Tình trạng vi phạm các quyền SHTT rất tràn lan, phổ biến, phức tạp và khó kiểm soát, chủ yếu tập trung nhiều vào các nội dung quyền tác giả trong sách báo, phim ảnh, bản quyền phần mềm máy tính,…

Trước thực tế này, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, Luật SHTT đã ban hành khá lâu, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập cần được điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp hơn.

“Chúng ta đã sử dụng Luật SHTT (sửa đổi) từ năm 2009 đến nay là 10 năm. Đối với lĩnh vực văn hóa và du lịch là một trong những lĩnh vực phức tạp, trong khi thực tế về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực này cũng rất phức tạp, do đó có thể nói rằng Luật SHTT đến nay ít nhiều đã lạc hậu khi áp dụng cho hai lĩnh vực được coi là nhạy cảm này”, ông Bình nói.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm SHTT, Trường ĐH Luật TP.HCM đồng tình với quan điểm này và cho rằng, Luật SHTT ban hành từ 2005, sửa đổi 2009, và trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của công nghệ số có rất nhiều hình thức khai thác, truyền bá cũng như trình bày các tác phẩm với nhiều hình thức khác nhau, đã đặt ra nhiều vấn đề cần được nhìn nhận lại. Nếu không sửa chữa một số quy định hiện nay thì rất khó để giải quyết.

Ảnh minh họa 

Theo ThS Nguyễn Phương Thảo, giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là lĩnh vực không mới trong pháp luật SHTT Việt Nam. Mặc dù các quy định pháp luật điều chỉnh đối tượng này đã được ban hành từ lâu nhưng hành vi xâm phạm vẫn diễn ra phổ biến. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là ý thức tôn trọng quyền SHTT của người dân còn thấp, một số trường hợp do chưa có cơ hội tiếp cận các quy định pháp luật liên quan nên không nhận thức được về hành vi trái pháp luật của mình.

Bà Thảo cũng có những phân tích thêm về các vụ vi phạm SHTT trong thời gian qua được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó tiêu biểu là vụ tranh chấp quyền tác giả các hình tượng nhân vật trong truyện tranh Thần đồng đất Việt vừa tuyên án hồi đầu tháng 9/2019.

Giảng viên Nguyễn Phương Thảo cho rằng, số vụ kiện tụng mang nhau ra tòa chỉ chiếm phần rất nhỏ so với tranh chấp và vi phạm thực tế. Hầu hết chủ thể quyền không có động lực trong các vụ kiện, bởi vì họ thấy rằng kiện tụng quá gian nan. Như trường hợp tác giả Lê Linh trong vụ kiện Thần đồng đất Việt cho thấy, tác giả phải mất 12 năm, từ 2002-2019 mới đòi được công lý.

Tiếp tục câu chuyện về kết quả vụ Thần đồng đất Việt, PGS.TS Lê Thị Nam Giang nói thêm rằng, qua vụ án cho thấy, hiện nay việc xác định tác giả, đồng tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả trong một số tác phẩm đặc thù vẫn đang đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà pháp lý.

“Trong câu chuyện Thần đồng đất Việt, nếu bà Phan Thị Mỹ Hạnh chứng minh được ý tưởng không chỉ nằm trong đầu bà mà bà ngồi cạnh Lê Linh, đưa ra những góp ý và yêu cầu Lê Linh thể hiện, tôi nghĩ trong trường hợp này bà được công nhận quyền tác giả, rất tiếc là phía Phan Thị đã không chứng minh được, và tòa xét xử dựa trên cơ sở chứng cứ là phù hợp. Tương tự vậy, trong lĩnh vực phần mềm máy tính, nhiều khi có sự tham gia của hàng chục kỹ sư để lập nên phầm mềm, trường hợp đó xác định đồng tác giả không phải là câu chuyện đơn giản”, bà Thảo nói

Liên quan tới vấn đề trên, theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Luật SHTT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14) (sau đây gọi là Luật SHTT) là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.

Qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, thực tiễn hơn 10 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật SHTT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết. Do vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là rất cần thiết.

Mục tiêu của dự thảo Luật về quyền tác giả và quyền liên quan là: Sửa đổi, bổ sung Luật SHTT về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; bảo đảm ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của các quy định pháp luật về Quyền tác giả, quyền liên quan phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước…

Bảo Bình

Kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ(VietQ.vn) - Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 389 Quốc gia Đinh Tiến Dũng vừa giao Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia có văn bản chỉ đạo BCĐ 389 các Bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang