Vì sao Việt Nam chưa có sản phẩm phần mềm có thương hiệu?

author 06:00 29/09/2014

(VietQ.vn) - Sự thiếu đầu tư nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm và nguồn nhân lưc là nguyên nhân dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu của các DN phần mềm Việt Nam.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo đánh giá của Thế giới, Việt Nam đã lọt vào 10 nước dẫn đầu về công nghệ phần mềm (CNPM).

Mặc dù số liệu thống kê cho thấy doanh thu và số lượng lao động trong lĩnh vực phần mềm tại Việt Nam vẫn  tăng theo từng năm, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng  lại có xu hướng chậm lại, nếu những năm trước tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 10-20% thì đến năm 2012 trở lại đây tốc độ này đã giả xuống khoảng 3%.

Lao động có tay nghề cao là yếu tố còn thiếu phát triển công nghệ phần mềm tại Việt Nam

Lĩnh vực hoạt động chính của ngành CNPM là dịch vụ gia công phần mềm (ITO) và gia công quy trình kinh doanh (BPO)

Đặc thù của ngành CNPM là phát triển chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và chi phí lao động. Hơn nữa, CNPM có tỷ lệ gia tăng rất cao trong doanh thu sản phẩm, quy trình sản xuất mang tính quốc tế hóa cao,  không phụ thuộc vào biên giới, chi phí đầu tư cho máy móc thiết bị không cao…nên thực sự là cơ hội cho các nước đang phát triển như  Việt Nam đi tắt, đón đàu bắt kịp các nước phát triển.

Mặc dù có những bước phát triển nhất định, ngành CNPM trong nước vẫn đang phải đối mặt với một số hạn chế, thách thức.

Trước hết về nguồn nhân lực: CNPM và dịch vụ tuy tăng trưởng nhanh về số lượng doanh nghiệp nhưng năng lực cạnh tranh của ngành CNPM Việt Nam vẫn chưa cao do thiếu tính chuyên nghiệp, trình độ tiếng Anh còn hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu nhân lực cho những vị trí chủ chốt như trưởng dự án, kiến trúc sư phần mềm.

Trên thực tế, CNPM của chúng ta hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần khiêm tốn nhu cầu của thị trường trong nước.  Nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược đầu tư lâu dài về sản phẩm cũng như thị trường.

Theo thống kê của Hội Tin học TPHCM, số doanh nghiệp chi cho việc tiếp thị, phát triển thị trường từ 10-20% tổng chi phí chỉ vào khoảng 27%. Thống kê này cũng cho thấy có đến 33% DN có tổng chi phí ccho cả đào tạo phát triển nguồn nhân lưc lẫn chi cho nghiên cứu phát triển chỉ dưới mức 5% so với tổng chi phí và cũng chỉ có 27% DN chi trên 10% cho các hoạt động này.

Sự thiếu đầu tư nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm và nguồn nhân lưc là nguyên nhân dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu của các DN phần mềm Việt Nam. Hệ quả là có rất ít doanh nghiệp phần mềm đủ tầm để phát triển các sản phẩm phần mềm ở quy mô lớn và chuyên ngành  như: giải pháp cho ngành tài chính, ngân hàng, thuế…và cũng chưa có sản phẩm có thương hiệu xuất khẩu.

Về yếu tố công nghệ bao gồm: công nghệ sản xuất sản phẩm, công nghệ cung cấp dịch vụ cà công nghệ về quản lý, tiếp thị xâm chiếm thị trường. CNPM về bản chất dựa chủ yếu vào chất xám của con người, sản phẩm dành cho con người, là một trong các ngành đòi hỏi công nghệ cao, có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh, vòng đời sản phẩm và dịch vụ ngắn, tính cạnh tranh rất quyết liệt cả trong nước và trên thị trường quốc tế.

Đáng tiếc rằng, tỷ lệ chi cho nghiên cứu khoa học dành riêng cho CNTT còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa xứng đáng với vai trò quan trọng của CNTT, một ngành kinh tế-kỹ thuật công nghệ cao của đất nước và có tốc độ đổi mới công nghệ nhanh chóng. Việc thúc đẩy triển khai phần mềm nguồn mở để tiết kiệm chi phí, tăng khả năng sáng tạo và tính chủ động trong lĩnh vực phần mềm của doanh nghiệp trong nước vẫn rất chậm và còn nhiều hạn chế.

Từ thực trạng trên, chuyên gia cho rằng,  ngoài vấn đề tài chính, thuế và vay ưu đãi, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về thị trường cung cầu, nhu cầu của nhà nước (cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) như khách hàng lớn hất của thị trường nội địa. Cập nhật đẩy đủ và kịp thời thông tin về xu hướng phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình tiếp thị, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm dịch vụ.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng vần được hỗ trợ triển khai các chương trình, dự án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các dự án nghiên cứu-phát triển.

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang