Vì sao Việt Nam gặp khó khăn trong kiểm soát đường nhập lậu?

author 09:25 24/03/2021

(VietQ.vn) - Mặc dù ngành mía đường của Việt Nam thời gian qua có nhiều tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trong ngành mía đường vẫn là vấn đề nhức nhối, chưa được giải quyết triệt để.

Những tín hiệu tích cực 

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường" vừa diễn ra, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo thống kê của cơ quan Hải quan, giai đoạn 2017-2019 đường nhập khẩu vào Việt Nam đạt 200.000 tấn đến 400.000 tấn. Sau khi quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan có hiệu lực ngày 16/2 vừa qua đã tác động tích cực đến ngành mía đường.

Cũng theo bà Nguyễn Cẩm Trang, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức của cơ quan Hải quan trong tháng 2/2021, nhưng đã có một số dấu hiệu tích cực từ khi Quyết định số 477 có hiệu lực như vệc giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500-2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020. Giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50.000-100.000 đồng/tấn (giá mua trung bình hiện tại dao động khoảng 950.000-1 triệu đồng/tấn).

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho rằng, Quyết định số 477 đã xác định đúng đắn giá trị thực tế của ngành mía đường trong nước, nếu cạnh tranh sòng phẳng thì ngành mía đường trong nước không thua kém các nước trong khu vực. Đây là điều kiện tốt để từng bước phục hồi lại ngành mía đường trong nước, đặc biệt là vùng nguyên liệu của các nhà máy và các doanh nghiệp sản xuất mía đường", ông Tam nói.

Thực tế vụ 2020-2021, nhiều nhà máy đã tăng giá thu mua mía cho bà con nông dân, đối với Lam Sơn đã thông báo giá mua mía trước vụ là 1.000.000 đồng/tấn, cao hơn giá trong vùng 200.000 đồng/tấn và cao hơn so với vụ trước 2019-2020 là 150.000 đồng/tấn.

Ảnh minh họa 

Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại

Theo thống kê từ cơ quan Hải quan, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Năng lực sản xuất trung bình của Việt Nam hằng năm đạt 1-1,3 triệu tấn đường trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và cho sản xuất chế biến là khoảng hơn hai triệu tấn/năm.

Tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020 đạt hơn 1,5 triệu tấn. Do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến trong năm 2020 nên sản lượng sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể.

Tháng 1/2021, đường nhập khẩu vẫn tiếp tục đạt mức cao, đạt 113.000 tấn, do các doanh nghiệp chủ động tăng nhập khẩu để dự trữ nguồn hàng trước khi quyết định áp thuế phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương có hiệu lực.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cho rằng, ở thời điểm hiện tại khó khăn lớn nhất vẫn là việc kiểm soát đường nhập lậu. Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ, đường nhập lậu sẽ gây lũng đoạn giá đường trong nước. Đường các nhà máy sản xuất trong nước sẽ không tiêu thụ được, doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục gặp khó khăn như những năm trước đây.

"Bên cạnh đó, việc nhập khẩu đường từ Thái Lan qua nước khác rồi nhập về Việt Nam cũng khó được kiểm soát sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại", ông Tam nói.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhìn nhận ở khía cạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ngành mía vẫn chưa thực sự bền vững. “Tình trạng tranh mua nguyên liệu mía vẫn xảy ra trong những năm gần đây. Tuy nhiên, năm nay tình trạng càng trầm trọng vì sản lượng mía quá thấp, thiệt hại mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu là nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp, tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây tại các vùng sản xuất mía. Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu quan hệ giữa nông dân trồng mía và một số nhà máy vững chắc thì tình trạng này ít hơn và ngược lại”, ông Lộc nhấn mạnh.

Về mặt giải pháp, ông Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng, để ngành mía đường phát triển bền vững, không bị Thái Lan áp đảo và từng bước cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan, tăng cường hội nhập thì phải có nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, với nhà máy đường. Cụ thể, ngành mía đường phải khẩn trương tái cơ cấu đổi mới toàn diện nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, sớm hiện đại hóa các nhà máy, đa dạng sản phẩm, phụ phẩm từ bã mía như điện, phân bón…

Để làm được điều này, Nhà nước cần sớm xây dựng ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo hộ, vay vốn, thuế và các điều kiện thiết yếu cho nhà máy đường và người trồng mía…; tiếp tục kiểm soát nhập khẩu, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn một cách hiệu quả, triệt phá, xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là mặt hàng đường từ Thái Lan và các nước tuồn vào Việt Nam, kiểm soát thị trường nội địa…

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang