Vì sao VietBank bất ngờ hủy chào bán hơn 6 triệu cổ phần cho đại gia 9x?

author 08:59 28/02/2019

(VietQ.vn) - Trong một động thái tương đối bất ngờ, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vừa thông báo hủy chào bán tiếp gần 6,6 triệu cổ phần cho cổ đông Nguyễn Phan Hoài Hiệp.

HĐQT VietBank vừa có Nghị quyết về việc hủy chào bán tiếp số lượng cổ phần chưa phân phối hết cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, hủy chào bán tiếp gần 6,6 triệu cổ phần cho cổ đông Nguyễn Phan Hoài Hiệp theo nguyện vọng của ông này.

Nghị quyết cũng nêu rõ, không tiếp tục chào bán tiếp số cổ phần gần 6,6 triệu cổ phiếu chưa phân phối hết cho cổ đông trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2018.

 VietBank vừa thông báo hủy chào bán tiếp gần 6,6 triệu cổ phần cho cổ đông Nguyễn Phan Hoài Hiệp.

Trước đó, gần 6,6 triệu cổ phiếu bị từ chối mua sau đợt phát hành 90,97 triệu cổ phần của VietBank sẽ được phân phối cho ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần, ông Hiệp dự kiến chi gần 66 tỷ đồng để mua 6,6 triệu cổ phần VietBank, tương đương 2% vốn điều lệ ngân hàng. Đây là tỷ lệ gần tương đương số cổ phần Bầu Kiên đang nắm giữ (2,035%).

Ai đang sở hữu Ngân hàng Vietbank?(VietQ.vn) - Đợt tăng vốn năm nay, Ngân hàng Vietbank muốn dùng số tiền thu về để mua tòa nhà Lim II, do công ty liên quan Hoa Lâm sở hữu.

Về phần ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp, ông này sinh năm 1994 là chủ sở hữu/người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu Tư THT Phú Trì, Công ty TNHH Đầu tư 29A Phú Trì, Công ty TNHH Đầu tư NDC Phú Trì và Công ty CP Đầu tư Phú Trì. Các doanh nghiệp này đều có địa chỉ tại 02 Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1.

 
Về tình hình hoạt động của VietBank trong năm 2018, năm qua, tổng thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 35% so với năm trước, đạt 1.045 tỷ đồng. Nhưng hoạt động dịch vụ lại sụt giảm 35%, chỉ đạt lãi 11 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan hơn khi chỉ có lãi hơn 1 tỷ đồng trong cả năm qua, thấp hơn rất nhiều so với mức 17 tỷ đồng đạt được của năm 2017.

Riêng mua bán chứng khoán có tăng trưởng cao nhất trong các mảng kinh doanh của VietBank năm vừa qua, đạt mức lãi 189 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, chi phí hoạt động năm 2018 tăng 11,3% lên 875 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2018, VietBank có 444 tỷ đồng nợ xấu, tăng 14,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của VietBank giảm từ 1,35% hồi đầu năm 2018 xuống còn 1,25% cuối năm qua.
 

VietBank được biết đến là một trong những ngân hàng thuộc nhóm nhỏ của hệ thống, được thành lập bởi những cổ đông từng có gắn bó với ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) là một trong những cổ đông sáng lập.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, Bầu Kiên đã rục rịch thoái vốn khỏi ngân hàng này. Cụ thể, cuối tháng 8/2018 vừa qua, Bầu Kiên đăng ký thoái toàn bộ 66.132 cổ phần với mệnh giá 1 triệu đồng (tương đương 6,61 triệu cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng), tương đương 2,035% vốn điều lệ VietBank. 

Trước đó, hồi giữa tháng 8, bầu Kiên cũng đăng ký bán nhưng không thành công do chưa thực hiện xong thủ tục lưu ký chứng khoán theo quy định.

Mới đây nhất, hồi tháng 1/2019, Đại hội cổ đông bất thường Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng chính thức thông qua đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của bà Đặng Ngọc Lan - vợ bầu Kiên.

 

Hiện bà Lan còn nắm giữ gần 15 triệu cổ phần, tương đương 4,6% vốn điều lệ của VietBank. Bố mẹ bà cũng sở hữu 1 triệu cổ phần, tương đương 0,244% vốn điều lệ. Sau khi các thành viên của gia đình bầu Kiên lần lượt thoái sạch vốn khỏi ngân hàng này thì hiện nhóm cổ đông gia đình bầu Kiên chỉ sở hữu chưa đầy 5% vốn của ngân hàng.

Nhóm cổ đông sáng lập hiện còn ở lại ngân hàng là nhóm liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm với người đại diện là ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT VietBank.

Hoàng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang