Vì sao xăng sinh học E5 chưa giảm giá?

author 14:56 03/07/2014

(VietQ.vn) - Giá xăng sinh học đang bị lệ thuộc vào tỷ lệ phối trộn và giá thành E.100. Tuy nhiên, cả hai điều kiện này Việt Nam đều chưa đủ.

Xung quanh câu chuyện triển khai bán xăng sinh học đại trà từ 1/12 tới, ông Nguyễn Sinh Khang (ảnh), Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã có buổi trao đổi với báo chí.


Thưa ông, hiện tại, năng lực sản xuất xăng sinh học của PVN như thế nào? Liệu trong quá trình sản xuất có gặp vướng mắc gì không?

Thời gian qua, PVN đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, cụ thể, chi tiết, từ việc đầu tư các nhà máy sản xuất Etanol, quy hoạch nguồn nguyên liệu bền vững để phục vụ công tác sản xuất của nhà máy, xây dựng hệ thống phối trộn, phân phối đến công tác truyền thông, quảng bá xăng sinh học, để các doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh xăng sinh học, người tiêu dùng hiểu đúng về những lợi ích của xăng sinh học.

PVN đã chỉ đạo PVOil đầu tư đồng bộ, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ việc sản xuất, kinh doanh đại trà xăng E5 khi lộ trình sử dụng xăng E5 có hiệu lực. Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai kinh doanh xăng sinh học 01/8/2010 đến nay, PVOil đã tiến hành đầu tư 09 trạn phối trộn xăng E5 trên địa bàn 38 tỉnh thành phố.

Tuy nhiên, một số vướng mắc trong quá trình sản xuất cũng đã xảy ra:

Trước hết thị trường tiêu thụ E100 trong nước còn hạn chế nên hiện nay phần lớn sản phẩm của nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp vì vậy các đơn vị đang sản xuất cầm chừng.

Mặt khác, giá thu mua nguyên liệu còn cao, biến động theo thời vụ, nguồn vốn để đầu tư mua nguyên liệu lớn do mỗi năm chỉ có một vụ sắn, lãi vay ngân hàng còn cao.

Hiện nay nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho công tác phân phối và tiêu dùng xăng E5. Trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ, chúng tôi tin rằng nhà nước sẽ cân đối và tính toán đến hiệu quả tổng thể của toàn bộ chương trình phát triển tổng thể năng lượng sinh học.

Vậy PVN có khẳng định sẽ đảm bảo nguồn cung xăng sinh học khi triển khai đại trà trên thị trường?

Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã cùng các đối tác khác hoàn thành xây dựng 2 nhà máy sản xuất Bio-ethanol với công suất là 200.000 m3/năm đủ để pha chế 4 triệu m3/xăng E5/năm.

Như vậy nguồn cung E100 của PVN đối với lộ trình phối trộn xăng sinh học với nhiên liệu truyền thống của TTCP là dư thừa và có thể cung cấp cho các doanh nghiệp khác hoặc xuất khẩu.

Nếu triển khai kinh doanh xăng sinh học, doanh nghiệp sẽ phải mất bao nhiêu chi phí đầu tư thiết bị, công nghệ?

Khi đã có sẵn cửa hàng xăng, các chi phí khác như: thuê mặt bằng, làm đường giao thông khi doanh nghiệp chuyển đổi kinh doanh xăng truyền thống sang kinh doanh xăng sinh học E5 là không có, vì vậy kinh phí đầu tư chuyển đổi hệ thống bán hàng là không lớn, nhưng về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Cụ thể, lợi ích đối với xăng sinh học phải được xem xét tổng thể trên các khía cạnh về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và phát triển nông thôn.

Thực tế, các đơn vị của PVN chỉ cần thêm 15-20 triệu đồng bao gồm các khoản: mua vật tư phụ kiện thay thế; xúc rửa bồn bể, vệ sinh môi trường; chi phí nhân công.

Thực tế, xăng sinh học đang được bán ngang với giá xăng khoáng hiện tại, có ý kiến cho rằng sản phẩm này có thể giảm giá bán khoảng 2000 đồng/l. Ông nghĩ sao?

Việc giảm giá xăng sinh học so với xăng khoáng thông thường 2.000 đ/l là chưa có cơ sở. Đây là sản phẩm mới nên doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác truyền thông để đưa sản phẩm ra thị trường nên giá thành sản phẩm còn cao. Hơn nữa, giá xăng sinh học hoàn toàn lệ thuộc vào tỷ lệ phối trộn và giá thành E 100. Tỷ lệ phối trộn càng cao, giá thành E.100 giảm thì xăng sinh học chắc chắn cũng rẻ theo. Tuy nhiên hiện ở Việt Nam xăng sinh học mới chỉ có tỷ lệ pha trộn 5% cồn ethanol với xăng truyền thống mà thôi.

Tuy nhiên, vừa qua, Thủ Tướng Chính Phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương nghiên cứu cơ chế chính sách để hỗ trợ tiêu dùng nhiên liệu sinh học. Vậy nên chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có chính sách để giảm giá tiêu dùng đối với xăng sinh học.

Giá chưa có sức cạnh tranh, hệ thống cửa hàng xăng sinh học lại còn mỏng nên mặt hàng này chưa đem lại tiện ích cho người tiêu dùng. Ông nhận định sao về thực trạng này?

Thực ra trên địa bàn Hà Nội và các thành phố khác thị phần của PVN với xăng dầu rất ít, hiện chỉ chiếm 20%. Trong khi đó, Petrolimex chiếm hơn 50%, thị trường, chính vì vậy chương trình triển khai bán xăng sinh học sẽ không thể thành công nếu  không có sự tham gia của đơn vị này. 

 

Xin cám ơn ông!

Hoàng Vũ (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang