Vị thế hàng Việt đã lên rất rõ

author 08:45 03/02/2014

(VietQ.vn) - Từ chủ trương của Bộ Chính trị triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khắp các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng (NTD) đã đồng hành trong suốt thời gian qua hướng về tôn vinh hàng Việt.

Dùng hàng Việt ngay càng nhiều

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, một xu hướng đáng mừng hiện nay là NTD Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Đã có 71% NTD tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% là hàng sản xuất trong nước. Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.

Hàng Việt đã được NTD ưa chuộng nhiều hơn

Hàng Việt đã được NTD ưa chuộng nhiều hơn. Ảnh minh họa

Còn theo một khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công Thương, kể từ khi phát động Cuộc vận động, tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên  liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%.

Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Kết quả từ Cuộc vận động đã giúp cả nước hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước đạt 2.617.963 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 (tính từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên 10% so với năm kế trước); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI cả nước) năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12 năm 2011, thấp xa  so với kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra là dưới 10%, năm 2013 chỉ tăng 6,04% so tháng 12 năm 2012 và đây là năm có CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Đồng thời, Cuộc vận động cũng góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu: Năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD chỉ bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%; năm 2011, tỷ lệ này là 9,89% thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt trạng thái xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD.

Có được những kết quả nói trên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương là do tại các địa phương, các Sở Công Thương trong 4 năm qua đã tổ chức được gần 1.700 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 13.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 24.000 gian hàng, thu hút gần 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 1,78 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia.

Cũng theo thống kê, tính từ khi thực hiện Cuộc vận động đến nay, các Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện được 1.554 hội chợ, triển lãm, thu hút 72.450 lượt doanh nghiệp tham gia, với doanh thu bán hàng là khoảng 11.839 tỷ đồng. Các ngành hàng tham gia hội chợ, triển lãm rất đa dạng, phong phú gồm các mặt hàng truyền thống của địa phương, đồ may mặc, đồ dùng gia đình, sành sứ, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng văn hóa phẩm, chế biến, bánh kẹo, giầy dép, đồ gỗ nội thất…

Cũng trong 4 năm qua, hưởng ứng cuộc vận động, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công Thương. Nhìn chung lượng hàng hóa đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân không xảy ra hiện tượng khan hiếm, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt gây rối loạn thị trường. Về kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ tháng 7/2009 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra hơn 655.000 vụ, phát hiện và xử lý 277.472 với số tiền xử lý vi phạm hành chính trên 850 tỷ đồng.

Tiếp tục nâng chất cho hàng Việt

Tại chương trình làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cho rằng, Bộ KH&CN đã triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đúng hướng và phù hợp nhu cầu thực tiễn, có kết quả cụ thể về định lượng trong triển khai các giải pháp, cơ chế chính sách.

Ngày càng có nhiều chuyến hàng đưa hàng Việt về nông thôn

Ngày càng có nhiều chuyến hàng đưa hàng Việt về nông thôn. Ảnh minh họa

Theo Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian tới, Bộ KH&CN cần phối hợp các bộ, ngành liên quan chọn chương trình phối hợp để kiểm tra theo chuyên đề, tạo sự chuyển biến thực sự trong việc sản xuất và tiêu dùng hàng Việt. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành tổ chức lại các giải thưởng liên quan đến chất lượng hàng hóa Việt Nam; tham gia việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa gắn với chương trình quốc gia; hướng dẫn bảo hộ các sản phẩm hàng hóa trí tuệ. Bên cạnh đó là đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, triển khai mạnh mẽ các sản phẩm quốc gia và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá chất lượng, xây dựng thương hiệu gắn với thông tin tuyên truyền;... Đặc biệt, cần tập trung phối hợp với cơ quan truyền thông vận hành diễn đàn tự hào Việt Nam để giới thiệu về các sản phẩm chất lượng tốt của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, sau 4 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam" theo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ KH&CN bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Bộ đã ban hành cơ chế chính sách nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, sản xuất thử nghiệm, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước, góp phần phát triển thị trường nội địa cũng như xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN và phát triển thị trường KH&CN. Chú trọng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó, Bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật, công bố tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hợp quy phù hợp với tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý bảo hộ thương hiệu hàng hóa trong nước giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn hàng Việt có chất lượng. Hệ thống thanh tra và các đơn vị có chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thông qua việc giám sát giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiên quyết xử lý các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tùy theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn cũng đã kịp thời thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng về hàng hóa không đạt chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện biện pháp đảm bảo chất lượng để nâng cao uy tín chất lượng hàng hóa do Việt Nam sản xuất khi đưa ra thị trường.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang