Vì tự chủ, trường Đại học Tôn Đức Thắng có quyền phong giáo sư cho giảng viên?

author 16:01 16/09/2015

(VietQ.vn) - Theo lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng, việc áp dụng thí điểm nhiều quyền tự chủ cho nhà trường, nên trường hoàn toàn có thể phong giáo sư cho giảng viên mà không trái luật.

Xung quanh ý kiến cho rằng việc trường Đại học Tôn Đức Thắng (Q.7, TP.HCM) tự phong giáo sư, phó giáo sư là trái luật, sáng ngày 16/9, ông Vũ An Ninh – Trưởng phòng hành chính tổng hợp của trường cho Chất lượng Việt Nam biết, đây là việc hoàn toàn không trái với pháp luật qui định, phù hợp với quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà trường được phép áp dụng thí điểm một số việc mà luật chưa qui định.

Cụ thể, ông Vũ An Ninh đã giải thích: Những người được nhà trường bổ nhiệm là giáo sư, phó giáo sư phải là các chuyên gia, nhà khoa học có học vị từ tiến sĩ trở lên, hợp đồng làm việc với trường phải từ 1 năm trở lên. Vì đối tượng này không phải là công chức, thực hiệm nhiệm vụ và hưởng mọi chế độ đãi ngộ, thu nhập do trường trả bằng nguồn thu của chính nhà trường, không phải từ ngân sách, nên việc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ, cung cấp các điều kiện làm việc tương xứng, trả thu nhập chỉ có giá trị trong nội bộ nhà trường, là quyền của trường.

Trưởng phòng hành chính tổng hợp trường ĐH Tôn Đức Thắng Vũ An Ninh (ảnh: H.T)

Đối với các trường khác, khi giáo sư của Tôn Đức Thắng đi đến những nơi này, họ có công nhân để sử dụng hay không, trả lương như thế nào là tùy vào nhu cầu của và sự đồng ý hay không của họ. Vì thế, mọi sự can thiệp vào việc bổ nhiệm nội bộ của trường là vi phạm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học theo tinh thần nghị quyết 29 và qui định tại điều 32 của Luật giáo dục Đại học.

TS Lê Văn Út – Trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ, trường Đại học Tôn Đức Thắng đã chia sẻ: Trước khi triển khai ý định này, nhà trường đã tham khảo rất nhiều mô hình của các trường Đại học ở những nước tiên tiến trên thế giới, và thấy rằng, các chức danh chuyên môn như giáo sư, phó giáo sư thường gắn liền với một trường Đại học nào đó, nên việc công nhận này là rất bình thường.

Về tên gọi, theo TS Út có thể giống nhau, nhưng bản chất hoàn toàn khác nhau. Vì với giáo sư do trường bổ nhiệm chỉ có giá trị trong trường Tôn Đức Thắng, chỉ tồn tại trong thời gian mà giảng viên dạy tại trường, phải đáp ứng một số tiêu chuẩn khắt khe nhất định do nhà trường đưa ra, thậm chí còn khắt khe hơn do Nhà nước qui định, nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc ngưng dạy thì sẽ bị bãi miễn như thường.

Còn ngược lại, đối với các chức danh như giáo sư, phó giáo sư do Hội đồng chức danh Nhà nước quy định, các chức danh sẽ có giá trị vĩnh viễn, suốt đời. Chính vì vậy, TS Út cho rằng, dư luận đã có nhiều ngộ nhận về hai chức danh khác nhau trong thời gian gần đây.

Chính vì được Chính phủ đang cho phép áp dụng thí điểm, nên trường Đại học Tôn Đức khẳng định: Không cần phải báo cáo trước với Bộ GD&ĐT, còn hiện Trường cũng đã có báo cáo sơ bộ vụ việc này lên các cấp quản lý trực tiếp trường.

TS Lê Văn Út nhấn mạnh: Chính vì được phép thí điểm, không sai luật, nên chắc chắn việc này trường sẽ áp dụng trong thời gian dài sắp tới.

Hà Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang