Việc chưa công bố dịch sởi không liên quan tới cam kết xóa dịch

author 11:38 19/04/2014

Tỉ lệ trẻ tử vong cao là do không được tiêm chủng đầy đủ, GS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, cũng thừa nhận không có vắc-xin nào hiệu quả 100%.

GS Nguyễn Trần Hiển

PV:- Thưa ông, con số 112 trẻ tử vong liên quan tới bệnh sởi được chính thức công bố có được coi là bất thường không? Mức độ nguy hiểm thế nào, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: -Nếu so sánh với con số tử vong trong 15 năm vừa rồi thì đó là con số bất thường. Bệnh sởi là về kinh điển nhìn chung là một bệnh lành tính, vi rút chưa có sự biến đổi về độc lực.

Tuy nhiên bệnh sởi là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh sởi gây suy giảm miễn dịch làm trẻ dẽ mắc bội nhiễm các tác nhân gây bẹnh nhiễm trùng khác.

Những biến chứng kinh điển của sởi là viêm loét miệng, viêm tai, mù, viêm phổi, viêm não … và dẫn tới tử vong. Những trẻ có nguy cơ cao bị bệnh nặng và tử vong là những trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, suy giảm miễn dịch, bệnh nền sẵn có như bệnh chuyển hóa, dị tật bẩm sinh, bệnh mã tinh....

Hiện Bộ Y tế đã giao cho Viện VSDTTW phối hợp với các viện và bệnh viện khác nghiên cứu, nhằm phân tích, xác định nguyên nhân cụ thể của các trường hợp trẻ tử vong này.

PV: -Nếu xảy ra trường hợp tương tự ở các nước trên thế giới, thông thường, họ sẽ phản ứng ra sao,thưa ông?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: - Điều đầu tiên, là phải xem xét nguyên nhân tử vong, xem lại phác đồ điều trị, chăm sóc nâng cao thể trạng, tiêm globuline phồng nhiễm vi rút sởi và phòng biến chứng, điều trị bôi nhiễm, dự phòng bằng vắc xin…
Ngay khi phát hiện có dịch bệnh sởi ở một số tỉnh miền núi năm 2013, mặc dù nhiều tỉnh chưa công bố dịch, Bộ Y tế đã Bộ Y tế đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh sởi tăng cường phòng chống bệnh sởi; triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi; xem xét chỉnh sửa.

Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh sởi; chỉ đạo công tác điều trị làm tốt việc phân tuyến hạn chế chuyển viện lên tuyến trên tránh việc quá tải và lây lan bệnh dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ nâng cao năng lực về điều trị.; tổ chức tuyên truyền cho người dân không nên đưa những trường hợp mắc sởi nhẹ hoặc những trường hợp mắc bệnh nhẹ đến bệnh viện để tránh lây chéo.

Dịch sởi bùng phát mạnh số ca trẻ dưới 9 tháng tuổi tăng bất thường

PV:- Dư luận băn khoăn bởi thống kê của Bộ Y tế, có 111 hay 25 trường hợp tử vong liên quan tới sởi nhưng “cần tách ra là có 25 ca tử vong hoàn toàn do sởi, còn các trường hợp khác là tử vong do mắc bệnh khác rồi nhiễm sởi…”. Phải hiểu thế nào về công bố “hai số liệu đều đúng” này, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: - Theo phân tích của Bệnh viện nhi Trung ương. 25 trẻ tử vong do sởi là những trẻ nhập viện do mắc sởi ngay từ đầu. không mắc bệnh lý nền khác, không có bằng chứng về nhiễm các tác nhân khác.

Tuy nhiên, chúng tôi hiện đang nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân cụ thể của tất cả các trường hợp tử vong này.

PV:- Bộ khẳng định không giấu dịch, nhưng các bệnh viện lại đang kêu cứu, ông đánh giá động thái này của Bộ Y tế thế nào? Con số 111 trẻ tử vong liên quan tới Sởi đã đủ để Bộ Y tế công bố dịch hay chưa, tại sao Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: - Theo định nghia dịch xảy ra khi số mắc vượt quá số mắc dự tính trung bình tại một thời điểm tại một khu vực, Con số tử vong đánh giá mức độ nặng của bệnh và các yếu tố nguy cơ tử vong khác.

Theo số liệu báo cáo, số ca mắc sởi hiện nay tôi khẳng định năm nay là năm có dịch theo chu kỳ của dịch sởi, tuy nhiên tính đến thời điểm này số mắc thấp hơn vụ dịch năm 2009 . Điều này là chắc chắn.

Tuy nhiên, tại Điều 2 của Quyết định số 64/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ, điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Điều 38, Chương IV Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định thẩm quyền công bố dịch cụ thể: a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C; b) Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch; c) Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Bộ y tế tuân thủ các qui dịnh trên khi công bố dịch. Ở tuyến tỉnh, công bố dịch là thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố dưới sự tham mưu của Sở y tế địa phương dựa vào điều kiện, mức độ, tính chất bệnh dịch của từng địa phương để quyết định công bố dịch.

PV:- Dư luận đặt câu hỏi, việc không công bố dịch có liên quan tới “cam kết 2017” VN sẽ xóa sổ dịch sởi do Bộ Y tế ký với các tổ chức y tế thế giới. Ông có chia sẻ với băn khoăn này của dư luận không và tại sao?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: -Tôi khẳng định không liên quan gì tới cam kết này, Bộ y tế luôn cung cấp và cập nhật các thông tin về só ca mắc sởi. Khi bệnh sởi chưa được loại trừ hoàn toàn, tỷ lệ tiêm chủng không đạt 100% thì số lượng trẻ có khả năng cảm thụ virut sởi vẫn có khả năng xảy ra.

Nhất là khi hiệu quả vắc-xin không thể đạt hiệu quả 100%, nghĩa là vẫn có 5% trẻ tiêm chủng đẩy đủ mà vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, cộng với tỷ lệ tiêm chủng không cao, thì dịch sởi chắc chắn vẫn còn xảy ra.

Theo số liệu giám sát của chúng tôi, cứ 3-5 năm dịch sởi lại xảy ra. Dịch xảy ra cắc năm 2006, năm 2009, và năm nay 2014, đỉnh dịch sởi thấp hơn. Điều đó có nghĩa là dịch sởi năm 2014 là một chu kỳ khác của dịch sởi, nhưng số ca mắc ít hơn năm 2009, dịch diễn biến tản phát ở nhiều tỉnh với số ca mắc thấp.

Đó là do tác động của chương trình tiêm chủng mở rộng, nếu không thì sẽ có nhiều ổ dịch lớn tập trung với số ca mắc sẽ lớn hơn rất nhiều.Còn vì sao chưa công bố dịch, thì phải căn cứ trên Luật phòng chống truyền nhiễm mà Quốc hội thông qua và điều kiện công bố dịch do Thủ tướng quyết định.

Vắc xin sởi tiêm đúng và đủ thì hầu như không bị bệnh!

PV: -Khẳng định là có dịch, nhưng trong trường hợp địa phương lần lữa không muốn công bố vì muốn giấu dịch, muốn chạy theo thành tích, Bộ Y tế sẽ làm gì, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: - Bộ Y tế đã có chỉ đạo UBND các tỉnh công bố dịch dựa trên những điều kiện Thủ tướng quy định.

PV:- Thực trạng đang xảy ra với bệnh sởi khiến người ta liên tưởng tới dịch tiêu chảy cấp xảy ra năm 2009: tốc độ lây lan nhanh, số liệu thống kê lệch, loay hoay biện pháp khống chế… Điều này thể hiện vấn đề gì trong công tác y tế dự phòng của Việt Nam, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: - Tôi khẳng định, công tác y tế dự phòng đã có hiệu quả tích cực, tỷ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 năm 2013 đạt trên 95%, đó là tỷ lệ rất cao.

Tuy nhiên tỷ lệ tiêm sởi mũi 2 chỉ đạt 86%, đó là lý do giải thích các truwofng hợp mắc bệnh tản phát. Nhưng để loại trừ được dịch sởi cần phải tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao liên tục trong nhiều năm tiêm phòng, không còn cách nào khác.

Tình hình dịch sở năm nay của Việt Nam tương tự như đang xảy ra ở các nuwosc châu Mỹ Châu Phi, Châu Âu, châu Á. Đặc biệt ở khu vực Tây Thái Bình Dương các nước có số mắc cao là Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Singapore...

Để đạt được mục tiêu năm của khu vực là loại trừ sởi vào năm 2017, ngành y tế phải có nhiều cố găng trong triển khai tiêm vắc xin thường xuyên, tiêm đủ hai mũi. iêm chiến dịch, tiêm vét, đạt tỷ lệ cao.

PV: - Đó là lý do Bộ y tế chỉ đạo cho “tiêm vét” vaccine sởi. Điều này cho thấy sự bất lực của ngành y tế hay chỉ là giải pháp đối phó xoa dịu dư luận của Bộ Y tế, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: - Văc xin sởi hiện đang được đánh giá là hiệu quả nhất trong các các vắc xin dự phòng dịch bệnh. Nếu trẻ tiêm đủ hai mũi hầu như không mắc bệnh mà đa số xảy ra với những trẻ chưa tiêm hoặc tiêm không đủ.

Tiêm vét là cần thiết để đảm bảo tất cả trẻ đều được tiêm chủng. Ngay cả Mỹ, sau 13 năm loại trừ dịch sởi thì mới đây cũng đã bị mắc lại do bị xâm nhập vi rút từ ngoài vào những người quần thể không có miễn dịch do chưa tiêm vác xin.

PV:- Một vấn đề khác, nhiều nghi vấn cho rằng có tới 4,4% số trẻ đã tiêm chủng vẫn mắc bệnh, điều này phải giải thích thế nào?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: - Không vắc-xin nào hiệu quả 100%, trong 100 trẻ tiêm đủ hai mũi vẫn có 5% trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh do vì hiệu quả của vắc-xin chỉ đạt 95%.

Cũng có ý kiến nghi ngờ chất lượng vắc-xin, tôi xin khẳng định đây là vắc-xin do Trung Tâm Nghiên Cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh Phẩm Y tế (bộ y tế) sản xuất dưới sự hỗ trợ hoàn toàn từ công nghệ, dây truyền sản xuất của Nhật Bản, đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt của Tổ chức thế giới. và được viện Kiểm định quốc gia Vác xin và sinh phẩm y tế thường xuyên kiểm định chất lượng.

Các kiểm định về vắc-xin đều được đánh giá tốt. Vắc xin này được đánh giá là một trong các vắc-xin tốt nhất hiện nay..

PV: - Vắc-xin tốt nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra. Vậy, theo ông để chặn đứng được dịch bệnh ngành y tế cần phải làm gì ngay lúc này, và phải làm thế nào, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Trần Hiển: - Việc làm đầu tiên và phải làm ngay là giảm tỉ lệ tử vong. Sởi là bệnh lành tính, tỉ lệ tử vong thấp, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong năm nay lên tới 111 trẻ có liên quan tới sởi là con số cao, lại xảy ra chủ yếu ở Bệnh viện nhi Trung ương.

Do đó, phải xem xét lại toàn bộ quy trình tiếp nhận, phân luồng bệnh nhân tránh tính trạng quá tải, lây nhiễm chéo, gây bội nhiễm tăng nguy cơ tử vong và lan truyền bệnh.

Thứ hai, phải tăng cường chống nhiễm khuẩn cho bệnh viện.

Thứ ba, là tăng cường điều trị bằng globuline miễn dịch cho trẻ chưa tiêm vắc-xin nhằm giảm lây nhiễm chéo và biến chứng do sởi, tăng cường chế độ chăm sóc dinh dưỡng , bổ sung vitamin A liều cao, điều trị nhiễm trùng bội nhiễm bằng kháng sinh.

Thứ tư, phải tiêm chủng vắc-xin phòng sởi, tiêm đủ hai mũi cho tất cả trẻ em nếu chưa được tiêm hay chưa mắc sởi theo lịch tiêm chủng.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Theo Báo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang