Viêm não và cách nhận biết để phòng tránh

author 16:47 02/07/2014

(VietQ.vn) - Viêm não là một bệnh nguy hiểm, thường gặp ở trẻ nhỏ và để lại những di chứng nghiêm trọng. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị nhưng có thể phòng tránh được nếu biết về bệnh này.

Bệnh viêm não và cách nhận biết

Bệnh viêm não và cách nhận biết. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây bệnh viêm não

Nguyên nhân gây bệnh do các Arbovirus gây ra. Loại virus này được lây truyền thông qua muỗi và bét là những động vật chân đốt (arthropod) nên có tên là arbovirus (Arthropod-borne virus). Các virus này là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm não dịch tễ.

Trong những năm gần đây, viêm não dịch tễ chiếm số lượng bệnh viêm não cao nhất trong các công trình nghiên cứu đã được công bố. Ở Việt Nam, điển hình là viêm não Nhật Bản thường xuất hiện vào mùa hè khi mà lượng muỗi trong môi trường sống đạt mật độ cao nhất trong năm.

Các sinh vật truyền bệnh từ một cơ thể vật chủ này sang một vật chủ khác được gọi là vector truyền bệnh. Muỗi là một vector truyền bệnh quan trọng, đặc biệt là tryền virus từ chim và các động vật gặm nhấm sang người. Một điều đáng lưu ý là khi muỗi chích các động vật máu nóng (trong đó có người) thì trước khi hút máu chúng phải bơm nước bọt có chứa chất chống đông máu vào để thuận lợi cho quá trình hút máu. Tuy nhiên nếu muỗi này đã có chứa virus gây bệnh thì virus cũng theo nước bọt bơm vào đó để đi vào hệ tuần hoàn động vật bị hút máu.

Các loài chim sống trong khu vực có nhiều nguồn nước đứng như các ao, hồ, đầm lầy thường dễ nhiễm virus gây viêm não. Khi chim nhiễm virus viêm não, lượng virus trong máu của chúng tồn tại ở mật độ rất cao trước khi chim lành bệnh và xuất hiện miễn dịch chống bệnh. Nếu muỗi hút máu chim trong giai đoạn này thì chúng sẽ trở thành vector mang bệnh suốt đời. Chính muỗi mang virus gây bệnh này khi hút máu một con chim lành khác thì sẽ truyền virus cho chim này và rồi có thể chim này lại chuyển virus gây bệnh cho một con muỗi khác nữa. Chính nhờ quá trình này mà virus được lưu hành rộng rãi trong quần thể các loài chim.

Thông thường thì phương thức truyền virus trên đây không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cả muỗi và chim và cũng không gây nguy hiểm cho con người. Một phần là do muỗi thường chỉ thích hút máu các loài chim và các động vật có vú nhỏ. Người chỉ là một lựa chọn thứ hai. Tuy nhiên trong điều kiện môi trường thay đổi như thời tiết bất thường hay thay đổi khí hậu, lượng chim nhiễm bệnh và lượng muỗi tăng lên rất nhiều. Trong những rường hợp như thế, người sẽ đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Các triệu trứng của bệnh viêm não

Dấu hiệu trong trường hợp viêm não thể nhẹ gồm: Bệnh nhân có thể có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn. Mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê.

Dấu hiệu của bệnh viêm não

Dấu hiệu của bệnh viêm não. Ảnh minh họa

Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu quan trọng giúp định hướng chẩn đoán. Các dấu hiệu này bao gồm: Nôn mửa, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.

Vì viêm não có thể xuất hiện sau hoặc đi kèm với các chứng nhiễm virus nên đôi khi có những triệu chứng đặc trưng của các bênh này trước khi có viêm não. Tuy vậy, viêm não thường xuất hiện mà không có triệu chứng báo trước nào cả.

Phòng bệnh viêm não như thế nào?

Viêm não bản thân nó không thể phòng ngừa được ngoại trừ các biện pháp phòng ngừa các bệnh lý có thể dẫn đến viêm não. Các bệnh này thường là những bệnh nhiễm trùng thông thường ở trẻ em như sởi, quai bị và thủy đậu và có thể phòng ngừa hiệu quả bằng tiêm chủng.

Trong những vùng mà viêm não được lây truyền do côn trùng, nhất là muỗi, thì trẻ em nên: Tránh chơi ngoài trời vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất). Cần mặc áo quần phủ kín tay chân như mang vớ, tất, dùng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ. Vệ sinh môi trường: phát quang bụi rậm, thông thoáng cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước, loại bỏ các dụng cụ thừa có khả năng đọng nước. Mục đích nhằm giảm thiểu nơi cư ngụ cũng như nơi đẻ trứng của muỗi.

Viêm não không lây qua đường ăn uống, dùng chung đồ dùng... Muỗi là côn trùng truyền bệnh trung gian. Lứa tuổi 3 - 8 dễ mắc bệnh. Bệnh đến rất nhanh, một trẻ khỏe mạnh bình thường đột nhiên sốt ly bì, đau đầu, nôn, co giật, đờ đẫn, mệt mỏi rồi hôn mê. Bệnh không có biểu hiện tiêu chảy như hội chứng viêm não cấp ở các tỉnh phía Nam.

Nếu thấy trẻ có những triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện, bác sĩ thăm khám phát hiện có dấu hiệu úng não trên lâm sàng, chọc nước trong não tủy xét nghiệm thấy có biến đổi sẽ chẩn đoán chắc chắn được bệnh.

 

 

Thanh Huyền (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang