Viện Hàn lâm KHCN: Chuyển giao 52 bằng độc quyền sáng chế cho doanh nghiệp đưa vào sản xuất

author 16:35 14/01/2020

(VietQ.vn) - Năm 2019 toàn Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có 52 bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích và sáu công nghệ đã được chuyển giao cho doanh nghiệp đưa vào sản xuất.

Thông tin tại buổi gặp mặt báo chí, truyền thông nhân dịp năm mới 2020, PGS.TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trong năm 2019 vừa qua, Viện đã triển khai nhiều mặt hoạt động khoa học và công nghệ và đã có những kết quả đáng kể, quan trọng đóng góp tích cực vào thành công chung của đất nước.

Cụ thể trong công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, năm 2019, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục là đơn vị đứng đầu cả nước trong công tác nghiên cứu cơ bản, với tổng số công bố hơn 2.273 bài, trong đó số bài báo quốc tế là 1178, tăng 20% so với năm 2018.

Số bài đăng trên tạp chí quốc tế uy tín đạt tiêu chuẩn (SCI và SCI-E) là 888 bài tăng 20,8% so với năm 2018, chất lượng các công bố quốc tế tăng. Số bài báo có chỉ số IF>=3 là 210 bài (23,7%) và số lượng bài báo đăng trên tạp chí có chất lượng cao đạt chuẩn Q1 (theo phân loại của Scimago) là 359 bài (40,4%). Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã phát hiện công bố được 133 loài sinh vật mới cho khoa học…

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức chuyến khảo sát hỗn hợp bằng tàu Viện sĩ M.A. Lavrentiev từ 8/11 đến 24/11/2019 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam; Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân tổ chức phiên họp ủy ban đại diện toàn quyền các quốc gia thành viên. Tham dự phiên họp có Đại diện toàn quyền của 16 quốc gia thành viên và 4 nước quan sát viên, Hội nghị nêu rõ ứng dụng của công nghệ hạt nhân đang được tiếp tục phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất điện;

"Năm 2019, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được các cơ quan trong nước và quốc tế trao tặng nhiều giải thưởng cao quý: GS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học nhận giải thưởng Ramanujan; PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học và TS Lê Trọng Lư, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Giải thưởng Loreal Unesco được trao cho 1 nhà khoa học nữ của Viện Hóa sinh biển; Nhà nước đã trao tặng giải A cho bộ sách: Động vật chí Việt Nam (tập 26 đến 31) và Thực vật chí Việt Nam (tập 12 đến tập 21), nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ phát hành; TS. Nguyễn Thị Ánh Dương có bài đăng trên tạp chí Nature (tạp chí Khoa học uy tín nhất thế giới)…", PGS.TS Hà Quý Quỳnh cho hay.

PGS.TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ảnh: Hán Hiển 

Về phát triển và ứng dụng, triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ, với các cơ chế khuyến khích đăng ký cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… để thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, năm 2019 toàn Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có 52 bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích và 6 công nghệ đã được chuyển giao cho doanh nghiệp đưa vào sản xuất.

Các kết quả đề tài, dự án có tính ứng dụng thiết thực được chuyển giao cho địa phương, cơ sở sản xuất, thu hút sự đầu tư kinh phí đáng kể, như: Công trình chế tạo và thương mại hóa sản phẩm phụ gia hoạt tính ứng dụng sản xuất sơn chống cháy; hệ thống thông tin, định vị và giám sát tàu cá; quy trình chế tạo vật liệu cao-su nanocompozit; phương pháp kết nối thiết bị đo và điều khiển với máy chủ điện toán đám mây qua mạng internet và qui trình công nghệ sản xuất vắc-xin tái tổ hợp phòng chống bệnh cúm gia cầm A/H5N1 từ cây thuốc lá,...

Các công nghệ, thiết bị quan trọng hiện đại được đưa vào ứng dụng gồm: Vệ tinh Micro dragon được phóng vào quỹ đạo; Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ đưa vào hoạt động; Trung tâm cảnh báo động đất, sóng thần làm tốt công tác dự báo, thông báo tới toàn dân và xã hội các trận động đất trên lãnh thổ nước ta và có ảnh hưởng đến lãnh thổ nước ta.

Cũng theo PGS.TS Hà Quý Quỳnh, trong công tác đào tạo, năm 2019, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bổ nhiệm 37 nhà giáo đạt chuẩn GS, PGS, chiếm 8,45% số GS, PGS của cả nước được công nhận. Trong đó, số nhà giáo được bổ nhiệm tại Học Viện Khoa học và Công nghệ là 33, tại Trường Đại học công nghệ Hà Nội là 1 và tại Viện Toán học là 03. Giáo sư trẻ nhất là GS.TS Trần Thế Bách 43 tuổi, ngành sinh học; PGS trẻ nhất là PGS. TS. Nguyễn Đại Hải, 35 tuổi.

Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang