Bình Dương: 'Viên ngọc quý' trên đất phương Nam

authorTrần Thanh 12:00 10/04/2017

(VietQ.vn) - Bình Dương là tỉnh có nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) phát triển mạnh và hoạt động khá sôi nổi. Nơi đây được coi là báu vật quý của đất phương Nam.

Sự kiện: Văn hóa Việt Nam

Tiếp nối thành công của Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu năm 2014. Năm nay, Bình Dương là “Người tiếp lửa & tôn vinh di sản văn hóa của miền đất Phương Nam”.

Thông qua, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II sẽ giới thiệu đến người dân trên mọi miền đất nước về “tài sản” văn hóa truyền thống quý báu cần được bảo tồn và phát huy trước sự du nhập của các loại hình văn hóa từ các nước trên thế giới trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 sẽ góp phần thiết thực vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Có một di sản quý trên đất phương Nam

Đờn ca tài tử là sản phẩm du lịch độc đáo của đất phương Nam 

Với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bảo tồn và phát triển”, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 sẽ tiếp nối sự tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. 

Đây là hoạt động thiết yếu nhằm bảo tồn và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ giai đoạn 2014 - 2020 của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch; là hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc với Nghệ thuật Đờn ca tài tử, đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa tinh thần của công chúng. Bên cạnh đó, Festival còn là hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường liên kết vùng trong việc hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố tại khu Nam Bộ nói chung và Bình Dương nói riêng.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ kỳ vọng thông qua các hoạt động trong khuôn khổ của Festival, góp phần nâng cao nhận thức, tích cực hành động của toàn xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc đối với Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tăng cường sự liên kết vùng trong việc hợp tác về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam".

Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II gồm một chuỗi hoạt động nghệ thuật được Ban Tổ chức và các nghệ nhân, nghệ sĩ đầu tư công phu và ấn tượng. Khơi dậy sự đam mê và mang lại niềm tin cho các nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc nỗ lực bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử; góp phần cho Đờ ca tài tử không bị mai một, nhất là trong tình hình bùng nổ thông tin với các thiết bị truyền thông đa phương tiện như hiện nay. Bên cạnh việc quảng bá về đất nước Việt Nam và quê hương Nam bộ; Festival lần này còn là sân chơi lành mạnh cho những ai yêu thích Đờn ca tài tử, là nơi vinh danh và tưởng nhớ đến các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân tài danh đã cống hiến cho sự phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Chương trình khai mạc có 3 phần: khai từ - nơi gặp gỡ của tình yêu và nghi thức khai mạc; Chương trình nghệ thuật giới thiệu đặc trưng của Đờn ca tài tử Nam bộ và những nét tinh túy độc đáo, tiêu biểu nhất của các tỉnh, thành phố; Phát triển Đờn ca tài tử phù hợp với xu thế thời đại xứng tầm là di sản văn hoá của nhân loại.

Mở đầu cho chương trình nghệ thuật sân khấu hoá là tiết mục "Nhớ thời khẩn hoang" đã tái hiện cảnh quan Nam bộ và công lao của người đi khẩn hoang. Tiếp đó là nhạc lễ-Tài tử giới thiệu sự ra đời của Đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật được phục vụ trong nhạc lễ, sau đó phát triển có thêm lời ca và trở nên gần gũi với nhân dân.

Sau tiết mục nhạc lễ, các nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn đờn, ca, hoạt cảnh thể hiện sức sống mãnh liệt của Đờn ca tài tử trong đời sống người dân Nam bộ. Chương trình nghệ thuật đã để lại ấn tượng cho người xem khi được biết thêm về Đờn ca tài tử, loại hình văn hoá đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Với sự chuẩn bị dàn dựng công phu trên sân khấu hoành tráng, chương trình nghệ thuật đêm khai mạc đã mang đến cho khán giả nhiều thông điệp về bảo tồn, phát huy Đờn ca tài tử Nam bộ. Đồng thời, khẳng định với thế giới rằng “báu vật” này đã và sẽ được kế thừa, phát triển một cách mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trong thời đại hội nhập hiện nay.

Festival Đờn ca tài tử lần thứ II, Bình Dương 2017 diễn ra từ ngày 8 đến 12/4/2017 tại thành phố mới Bình Dương. với 21 tỉnh, thành phố tham dự, festival có nhiều hoạt động, như: Không gian Đờn ca tài tử Nam bộ; không gian ẩm thực và đặc sản Nam bộ; cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật khoảnh khắc Festival Đờn ca tài tử lần thứ 2 năm 2017; lễ tôn vinh các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ Đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ; tọa đàm khoa học với chủ đề “Đờn ca tài tử - Tài nguyên di sản phát triển du lịch”…

Qua Festival, các nhà quản lý, các nghệ nhân, nghệ sĩ được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm từ đó chung tay bảo tồn bộ môn Đờn ca tài tử, tất cả vì mục tiêu phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển văn hóa gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng./.

Trần Thanh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang