Việt – Nhật: Đối tác chiến lược ngày càng phát triển

author 17:09 15/01/2013

(VietQ.vn) - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 - 17/01/2013.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau khi được bầu làm Thủ tướng Nội các Nhật Bản (26/12/2012) và là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 trên cương vị Thủ tướng của ông Shinzo Abe sau chuyến thăm tháng 11/2006 trong nhiệm kỳ trước.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng được cho là nhằm thúc đẩy sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược hai nước trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư.

Việt Nam - Nhật Bản đã nâng quan hệ hợp tác lên tầm chiến lược. Ảnh minh họa

Điểm nhấn trong quan hệ hợp tác Việt – Nhật thời gian qua được nhắc tới nhiều kể từ năm 2002. Khi đó, lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”.

Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam. Hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới thông qua các tổ chức quốc tế như APEC, WTO, ASEM, ARF; vận động OECD giúp Việt Nam về kỹ thuật... Hai bên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, trong đó có Liên hợp quốc.

Nhật Bản luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vì Việt Nam được Nhật Bản đánh giá là thân thiện, có vị trí địa chính trị quan trọng, đồng thời là đối tác tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Các chủ trương, chính sách hợp tác với Việt Nam luôn dành được sự ủng hộ của cả các đảng cầm quyền và đối lập.

Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, hai nước đang nỗ lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng thông qua trao đổi các đoàn quân sự cấp cao, giao lưu giữa quân đội hai nước, tăng cường hợp tác trong chống khủng bố, hải tặc, đảm bảo an ninh hàng hải, đào tạo nguồn nhân lực…

Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản luôn được đánh giá là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và nước G7 đầu tiên công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường vào tháng 10/2011.

Vào ngày 01/10/2009, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế hai nước. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản-ASEAN, VJEPA tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Kể từ đầu thập niên 1990 đến nay, Nhật Bản đã nhanh chóng vượt lên trở thành bạn hàng, thị trường lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong năm 2011 đã đạt 21,181 tỷ USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 10,78 tỷ USD và nhập khẩu đạt 10,40 tỷ USD, trở lại xuất siêu sau 2 năm liên tiếp nhập siêu trong quan hệ thương mại với Nhật Bản. Trong Tuyên bố chung năm 2011, hai bên đặt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại song phương đến năm 2020.

Kim ngạch thương mại hai chiều tính đến hết tháng 11 năm 2012 đạt 22,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 11,9 tỷ USD (tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2011), nhập khẩu đạt 10,6 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2011).

Nhật Bản cũng đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa

Hai bên đã hoàn thành Giai đoạn IV Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và thỏa thuận khởi động Giai đoạn V Sáng kiến chung trong năm 2013.

Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Cụ thể, chỉ tính từ năm 1992 - 2011, Nhật Bản đã cam kết gần 20 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam.

Các nguồn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam tập trung vào mục tiêu giúp Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa – hiện đại hóa vào năm 2020. Việt Nam đã xác định 3 lĩnh vực trọng tâm để đạt mục tiêu gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và xử lý, tái cơ cấu các công ty nhà nước. Nhật Bản đã xác định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong cả 3 lĩnh vực này.

Ngoài 3 lĩnh vực trên, ODA của Nhật Bản còn dành hỗ trợ những khó khăn của Việt Nam trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, chịu nhiều bão, lũ...) Nhật Bản còn hỗ trợ xây dựng trường học, trạm y tế, những công trình xã hội... tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Việt Nam.  

Trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc-Trung - Nam. Viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho phát triển giáo dục - đào tạo ở Việt Nam.

Về hợp tác lao động và địa phương, Nhật Bản là một thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam. Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều dự án hợp tác giữa các địa phương hai bên đã được thực hiện hiệu quả như tình Osaka hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh triển khai thí điểm dự án về nước sạch, môi trường; tỉnh Fukuoka hỗ trợ thủ đô Hà Nội trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn ô nhiễm nguồn nước; thành phố Kitakyushu hỗ trợ thành phố Hải Phòng trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, hợp tác phát triển cảng biển…

Tính đến ngày 20/11/2012, Nhật Bản có 1.800 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số đầu tư đăng ký 29 tỷ USD, đứng thứ nhất trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng trong năm 2012 (tính đến 15/12/2012), Nhật Bản đăng ký mới 270 dự án và tăng vốn cho 108 dự án, dẫn đầu với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,14 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm.  

Nguyễn Nam

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang