Việt Nam - Slovenia xúc tiến hợp tác kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực cơ khí

author 16:27 03/03/2021

(VietQ.vn) - Việt Nam và Slovenia có nhiều tiềm năng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí, về máy móc, thiết bị, tự động hóa công nghiệp và những giải pháp hậu cần trong lĩnh vực dệt may, thực phẩm đang bùng nổ của Việt Nam.

Ngày 2/3/2021, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Thương vụ- Đại sứ quán Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia và Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam – Slovenia 2021.

 Giao thương trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam – Slovenia 2021

Sự kiện thuộc Chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2021, nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực cơ khí giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Slovenia.

Tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục XTTM nhấn mạnh, cơ hội từ EVFTA- Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU) đã và đang mở ra những cánh cửa lớn cho Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với nhiều thị trường trên thế giới nói chung và Slovenia nói riêng.

Dự kiến năm 2021 EVFTA sẽ tiếp tục là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU. Những lĩnh vực kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển là nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu; ngoài ra, còn có các thị trường như tài chính, chứng khoán, bất động sản… Đặc biệt, với đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế tạo hiện nay, Việt Nam sẽ có thể gia nhập nhóm các nước công nghiệp mới nổi trong vài năm tới.

Về hợp tác kinh tế với Slovenia, những cam kết cắt giảm thuế quan đối với hàng có xuất xứ Việt Nam và Slovenia trong EVFTA sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh, giúp hàng hóa của hai quốc gia cùng có thể mở rộng thị phần tại thị trường của nhau cũng như các thị trường EU khác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương.

 
EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2020 đạt 49,6 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 34,9 tỷ USD, Việt Nam nhập khẩu từ EU đạt 14,7 tỷ USD.
 

Theo ông Vũ Bá Phú, các doanh nghiệp Slovenia có thế mạnh về máy móc, thiết bị canh tác trong lĩnh vực nông sản. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp này bán máy móc chế biến nông, lâm, thủy sản cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến đối tác để hợp tác sản xuất máy móc nông nghiệp tại Việt Nam.

Đây là cơ hội cho doanh nghiệp hai nước hợp tác để có thể sản xuất máy móc chế biến nông, lâm, thủy sản tại việt Nam.

Ông Izidor KRIVEC- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovenia cho rằng, Việt Nam và Slovenia có nhiều tiềm năng hợp tác kinh doanh về máy móc, thiết bị, tự động hóa công nghiệp và những giải pháp hậu cần trong lĩnh vực dệt may, thực phẩm đang bùng nổ của Việt Nam.

Ông Lê Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia đánh giá cao tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước. Ông Lê Dũng cho biết, khi đại dịch được kiểm soát tốt ở Châu Âu, dòng vốn đầu tư sẽ bắt đầu có xu hướng tăng lên. Việt Nam không chỉ là thị trường 97 triệu dân mà có thể trở thành trung tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường ASEAN với hơn 660 triệu người tiêu dùng.

Theo ông Lê Dũng, nhiều quốc gia bắt đầu coi Việt Nam như một địa điểm tuyệt vời cho chiến lược kinh doanh “Trung Quốc + 1”. Ví dụ, theo gói ưu đãi hiện tại của Chính phủ Nhật Bản trị giá 653 triệu USD cho việc chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, 37 trong số 81 công ty Nhật Bản đã đăng ký chuyển đến Việt Nam.

Tại sự kiện, 21 doanh nghiệp Việt Nam đã giao thương trực tuyến với 12 doanh nghiệp Slovenia để tìm hiểu thị trường, đối tác và giới thiệu sản phẩm, năng lực doanh nghiệp, qua đó tạo tiền đề để thiết lập quan hệ hợp tác trong tương lai.

Các doanh nghiệp Slovenia khẳng định, Việt Nam là nước đáng để hợp tác đầu tư và kinh doanh. Theo các doanh nghiệp này, Việt Nam ổn định về chính trị, không chỉ có tỷ lệ người biết chữ tốt hơn hầu hết các nước đang phát triển khác và chi phí nhân công cũng thấp, trong khi cơ sở hạ tầng trong nước phát triển, thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang