Việt Nam chế tạo thành công rô-bốt chiến trường

author 08:21 27/05/2012

PGS.TS Chu Anh Mỳ, Trưởng Trung tâm công nghệ, Học Viện Kỹ thuật Quân sự đã chủ trì nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại rô-bốt mới có khả năng ứng dụng trong dân sự và quân sự hiện nay.

Rô-bốt phun cát

Theo TS Chu Anh Mỳ, Rô-bốt phun cát đã được nhóm nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công. Đây là sản phẩm dùng để làm sạch bề mặt các tấm thép phục vụ công nghiệp đóng tàu. Đây là sự kết hợp của tay máy 4 bậc tự do với mô-đun di chuyển. Vòi phun cát được gá theo tay máy. Tay máy gồm 3 khớp quay và 1 khớp tịnh tiến. Mô-đun di chuyển có kết cấu 6 bánh lốp nhằm tăng khả năng bám, ổn định khi di chuyển trên nền cát dày, không bằng phẳng.

Rô-bốt phun cát. Ảnh: Trung Kiên
Rô-bốt phun cát. (Ảnh: Trung Kiên)

Rô-bốt leo cầu thang và quan sát trong nhà

Rô bốt này được thiết kế có khả năng ứng dụng trong trinh sát; phát hiện, di chuyển các vật lạ nguy hiểm, độc hại. Với kích thước 1000x600x500mm; rô-bốt có hệ thống cơ khí được thiết kế vững chắc, ổn định; hệ thống điều khiển tin cậy, rô-bốt có khả năng leo lên, leo xuống các loại cầu thang thông dụng; di chuyển linh hoạt qua các địa hình không bằng phẳng (vượt vật cản có chiều cao tối đa 210mm, độ dốc lớn nhất 300, chiều rộng rãnh tối đa 400mm). 

Sản phẩm rô-bốt leo cầu thang này có khả năng di chuyển với vận tốc trung bình là 0,4m/s (vận tốc tối đa là 0,8m/s); có thể rẽ phải, rẽ trái, tiến, lùi, dừng một cách linh hoạt; quan sát được xung quanh nhờ các camera không dây và gửi ảnh về giao diện máy tính tại vị trí điều khiển; ghi được video qua camera với khoảng cách tối đa 300m… 

Robot leo cầu thang. (Ảnh: Trung Kiên)
Robot leo cầu thang. (Ảnh: Trung Kiên)

Rô-bốt leo cầu thang và quan sát trong nhà sử dụng nguồn DC chuyên dụng, có cấu trúc mở để sẵn sàng tích hợp thêm các cơ cấu chấp hành, cảm biến cũng như các mô-đun công tác khác.

Bộ điều khiển của rô-bốt leo cầu thang được thiết kế tối ưu, gồm trung tâm tính toán và xử lý tín hiệu (CPU) và các cụm mạch lực (driver). Các hệ thống phát động (motor), dẫn động, cảm biến... được tính toán  lựa chọn theo chuẩn rô-bốt công nghiệp. Vị trí của rô-bốt được xác định nhờ tín hiệu cảm nhận của các sen-sơ siêu âm. Rô-bốt phun cát hoạt động theo 2 chế độ: Chế độ tự động hoàn toàn và chế độ điều khiển bằng tay.

Rô-bốt chiến trường

Nhằm ứng dụng trong trinh sát; chiếm lĩnh trận địa; chiến đấu bí mật, bất ngờ; tác chiến trên đường phố; chống bạo loạn... nhóm nghiên cứu đã bước đầu chế tạo thành công rô-bốt chiến trường. 

Robot chiến trường. (Ảnh: Trung Kiên)
Robot chiến trường. (Ảnh: Trung Kiên)

Rô-bốt chiến trường có trọng lượng nhỏ hơn 120kg; kích thước không lớn hơn 1500x800x1000mm với hệ thống cơ khí vững chắc, ổn định; hệ thống điều khiển tin cậy, rô-bốt có thể di chuyển linh hoạt qua các địa hình không bằng phẳng, gồ ghề, mấp mô (địa hình tự nhiên); rẽ phải, trái, tiến, lùi, dừng một cách linh hoạt; quan sát được xung quanh nhờ các camera không dây, gửi được ảnh camera về giao diện máy tính tại vị trí điều khiển, ghi được video camera và có thể ngắm bắn qua ảnh camera và gá lắp được súng AK hoặc B41…

Đ.S (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang