Việt Nam chưa có đủ người giàu?

author 07:42 10/04/2014

Người tiêu dùng xa xỉ thật sự sẽ là người xác quyết được cho bản thân một gu hưởng thụ thống nhất, chí tôn và thậm chí bảo thủ, xuất phát từ trải nghiệm và sự am hiểu tinh tường thấu đáo nhất.

Xa xỉ được đám đông hiểu là sự đắt đỏ và khả năng chi xài phóng khoáng.

Nếu có câu này ở giữa một thánh địa mua sắm thế giới, bạn sẽ bị cười vào mặt.

Người Việt ta, hay ít ra là một cộng đồng người Việt có thu nhập cao đến siêu cao, là những người khách hàng hào phóng của các cửa hiệu thời thượng nhất, từ đại lộ Montaigne đến khu Soho Nữu Ước. Những thiểu số người Việt này được trọng vọng, săn đón, và ưu ái bởi cung cách chi dùng hoang đàng mà không nhiều thân chủ bản xứ dám sánh bằng, dù với mức thu nhập tương đương. Đối với một số người, đây có thể coi là một tín hiệu hoan hỉ khi Việt Nam đã có người giàu.
Nhưng một mặt khác, đây hoàn toàn có thể được hiểu rằng cuộc nô dịch tiêu dùng của Việt Nam đã đến hồi sâu lắng, tinh vi, bền bỉ và bùng nổ trong một cao trào vượt khả năng chiều chuộng của vùng lãnh thổ. Chúng ta đang sinh sống, tương tác và mua bán trong một thị trường được điều khiển bởi lòng hiếu kỳ. Không rõ điều này có đến từ khi những nhà nghiên cứu thị trường đến Việt Nam và bắt gặp hình ảnh những đám đông lô xô háo hức xung quanh một cặp đang cãi nhau nổ cổ, nhưng dòng người vẫn nô nức đổ về trung tâm và bất cứ vị trí nào có đèn nhấp nháy và thức ăn…

Việt Nam có quá ít thời gian để thị phần thượng lưu chuyển mình thành xa xỉ, trong khi “xa xỉ” được đám đông hiểu là sự đắt đỏ và khả năng chi xài phóng khoáng.

Một khi sở hữu năng lực tiêu thụ cao và tư duy tiêu dùng bị điều khiển bởi lòng hiếu kỳ cố hữu từ cốt cách một xã hội con trẻ, người ta sẽ càng hào phóng hơn để tiếp cận bất cứ điều gì mới mẻ và lấp lánh. Điều này không khác lắm so với những dòng người vẫn đổ về các khu thương mại để chụp hình hơn là mua sắm, nô nức quây quanh một vụ cãi vã tối nghĩa đối với người ngoài, hay sở hữu những tuyệt phẩm công nghệ hoàn toàn không phù hợp với bản thân.

Có người hỏi tôi: Không lẽ người ta phải học về ngành bào chế để xứng đáng sở hữu một chai dầu thơm? Xin thưa không. Kẻ có gout, đàn ông hay đàn bà, là những ông hoàng bà chúa trong thế giới riêng của họ, do chính họ cầu kỳ phụng sự. Thế nên, Trường Pháp và Trào Lưu là hai khái niệm gần gũi, nhưng không thể lẫn lộn. Người đã đạt đến cảnh giới của ái mộ Trường Pháp mới có thể tự tại vượt trên sự chi phối toàn phần của Trào Lưu. Họ được nhận ra ở bất cứ đâu, khác biệt mà không cần phải lập dị. Cùng một món tiền, người này có thể chỉ sở hữu được sự Tiêu Thụ, trong khi người có gu thật sự đạt đến mức độ lạc thú của sự Hưởng Thụ chân chính, trong lòng tâm đắc, thấu đáo của những kẻ thật sự giàu có vô song. Và như vậy, ở Việt Nam, chúng ta chưa thật sự có đủ người giàu.

Theo motthegioi.vn
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang