Việt Nam có đột phá mới trong điều chế vaccine chống dịch tả lợn châu Phi

author 06:31 03/07/2019

(VietQ.vn) - Bộ NN&PTNT vừa tổ chức buổi họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vaccine, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn phải tiêu huỷ là trên 2,9 triệu con, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn của cả nước. Nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát trong thời gian tới vẫn rất cao, đe doạ tới ngành chăn nuôi.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thời gian qua, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu vaccine và bước đầu đã có kết quả nhất định, phân lập được virus, làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất vaccine trong thời gian tới. Đáng chú ý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra được vaccine bước đầu khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm có kết quả rất tích cực.

Thông tin cụ thể về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu lây lan nhanh, gây ra thiệt hại lớn, Học viện đã được giao nhiệm vụ tìm hiểu và nghiên cứu vaccine phòng, chống dịch bệnh này.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu 4 loại vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi gồm (vaccine vô hoạt (đã thử nghiệm trong phòng thí nghiệm), nhược độc truyền thống (đã làm các kỹ thuật tạo chủng virus, đang cấy chuyển thử nghiệm sinh học phân tử), vaccine nhược độc tự nhiên (đang sàng lọc chọn chủng tự nhiên), vaccine dùng công nghệ xóa gene (đang triển khai các nghiên cứu).

Với vaccine vô hoạt, nhóm nghiên cứu thành công, phân lập, lựa chọn được một số chủng virus, lựa chọn môi trường sản xuất vaccine và xác định được chủng virus cường độc để đánh giá chất lượng vaccine. Trong khi thử độc lực virus trên lợn thì đã chọn ra được 3 chủng virus dịch tả lợn châu Phi có độc lực cao; Xác định được cơ chế sinh bệnh, sự phân bố của virus.

Ảnh minh họa 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã tiến hành thử nghiệm tại 3 trại lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vaccine thì đều chết do bênh dịch tả lợn châu Phi.

Đánh giá về độ an toàn của vaccine, bà Lan cho biết, vắc xin an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên).

“Tuy nhiên, với loại vaccine vô hoạt đã sản xuất ra, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng hơn. Trong khi đợi Bộ NN&PTNT cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vaccine, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, chúng tôi cũng đề nghị nhóm nghiên cứu chuẩn bị sản xuất từ 300 - 500 liều vaccine để phục vụ thí nghiệm. Hạn chế, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.

Cùng tại buổi họp, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi kết hợp với biện pháp an toàn sinh học là giải pháp có thể hạn chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với các cơ sở chăn nuôi hiện nay.

Việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic bổ sung trong thức ăn chăn nuôi cho phép tận dụng được nguồn nguyên liệu, lao động sẵn có ở các nông hộ, địa phương làm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm vật nuôi (không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi).

Ông Dương cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có chính sách khuyến khích áp dụng rộng rãi các mô hình chăn nuôi lợn nêu trên trong sản xuất.

Trong suốt nhiều năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu sản xuất được 7 dòng vaccine dịch tả lợn châu Phi (đã đánh giá tính hiệu lực) từ các chủng giống virus nhược độc.

Tuy nhiên, việc thương mại hóa các loại vaccine này gặp nhiều khó khăn, do chi phí sản xuất rất cao, vì vậy việc phòng bệnh cho các trang trại chăn nuôi lợn với dịch tả lợn châu Phi không được thực hiện. Mỗi khi mầm bệnh lây lan, biện pháp được áp dụng là tiêu hủy đàn lợn.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam cách đây hơn 4 tháng và lây lan nhanh trên 61 tỉnh, thành trên cả nước. Theo thống kê, đã có gần 3 triệu con lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy. Hiện dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm và nguy cơ tiếp tục lây lan các tỉnh còn lại, nhất là khu vực ĐBSCL.

Bảo Lâm

Thủ tướng ban hành Quyết định về hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch tả lợn Châu Phi(VietQ.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang