Việt Nam có nên đầu tư nhiều vào Toán học?

author 09:27 05/03/2013

(VietQ.vn) - Ngày xưa, tôi cũng rất thích học toán. Nhưng đến khi sang Úc và Mĩ, tôi cực kì ngạc nhiên khi thấy điểm vào ngành toán ở các đại học tại đây thấp nhất so với các ngành khác.

Giải Fields...kém xa giải Nobel

Thành tựu của Ngô Bảo Châu có thể xem là một điểm sáng của người Việt Nam, chứ không phải của nền khoa học Việt Nam. Nó nói lên tố chất khoa học của người Việt cũng chẳng thua kém ai. 

Nhưng tố chất đó phải ở trong bối cảnh và điều kiện thuận lợi thì mới phát huy được.  Nếu không có được một người thầy tuyệt vời định ra hướng đi và một môi trường khoa học quá tốt thì chắc gì đã có sự kiện giải Fields đến tay một người Việt Nam...

Chính các nhà báo viết về khoa học và giáo dục (nhưng lại ít được học về KHCN), đã làm cái tên Ngô Bảo Châu quá nổi tiếng.
Chính các nhà báo viết về khoa học và giáo dục (nhưng lại ít được học về KHCN), đã làm cái tên Ngô Bảo Châu quá nổi tiếng.

Trong một buổi nói chuyện ở một đại học bên nhà sau khi nghe tin giải Fields, tôi có nói rằng ngay cả một nước Trung Quốc trên 1 tỉ người cũng từng mơ một giải Fields nhưng họ chưa có được. Không biết nhân sự kiện này Trung Quốc còn nhớ có một kiến trúc sư người Việt từng thiết kế và xây tử cấm thành cho họ hay không? Từ nay, chúng ta có thể nói rằng có một người gốc Việt Nam từng được trao tặng giải Fields. 

Giải Fields tuy rất danh giá, được ví von như là giải “Nobel toán học”, nhưng là giải cho người trẻ và dù phần thưởng vật chất thì còn kém xa giải Nobel. Phần thưởng cho giải Fields hình như là khoảng 15 ngàn USD, tức tương đương với giải thưởng của một chuyên ngành y. 

Từ nay, hi vọng rằng nghiên cứu sinh Việt Nam ta khi đi xin học bổng nước ngoài sẽ được đón nhận bằng một thái độ trân trọng hơn thời trước đây, thời mà những người thuộc thế hệ tôi bị (phải dùng chữ “bị”) xem như là một dân tộc nghèo nàn và dốt nát khi đối đầu với hệ thống đại học phương Tây.  Nhìn như thế để thấy rằng giải thưởng Fields không chỉ là một phần thưởng cho cá nhân Ngô Bảo Châu mà còn có thể có tác động tích cực đến một thế hệ nghiên cứu sinh Việt Nam.

Tuy nhiên, phản ứng của giới báo chí và chính phủ trước sự kiện giải Fields làm tôi thấy có gì lấn cấn. Bất cứ người Việt Nam nào làm khoa học cũng thấy hãnh diện trước thành tựu của Ngô Bảo Châu. Nhưng cách mà báo chí và vài quan chức chính phủ thể hiện niềm hãnh diện thật lạ lùng.

Báo Tuổi Trẻ còn gửi 2 phóng viên sang Ấn Độ để tường thuật về hội nghị toán học.  Hai phóng viên!  Các báo khác thì tường thuật từng động thái đến bước đi trong mỗi giờ của Ngô Bảo Châu, cứ như là có gắn hệ thống định vị.  Chưa thấy một sự xâm phạm cá nhân nào ghê gớm như thế. 

Một vài quan chức thì có những hành động rất kì cục, như rút bút trong túi áo ra tặng cho Ngô Bảo Châu. Lễ vinh danh được tổ chức hoành tráng, với hàng ngàn người tham dự, kể cả người đứng đầu chính phủ, và truyền hình trực tiếp. Đành rằng vinh danh một tài năng là cần thiết, nhưng tôi nghĩ những việc làm đó đã đi quá tầm, và phản ảnh một phần nào sự thiếu trưởng thành của một quốc gia.

Ở Úc

Nhìn cách làm của Việt Nam, tôi thấy ngậm ngùi cho các nhà khoa học Úc.  Úc có nhiều người đoạt giải Nobel y học.  Tính từ 1915 đến nay, Úc đã có 9 người được trao giải Nobel y học và 1 người chiếm giải Fields. 

Không biết trước đây thì sao, nhưng từ ngày tôi đến Úc đến nay (30 năm) tôi chưa thấy một nhà khoa học Úc đoạt giải Nobel được tường thuật và vinh danh như ở Việt Nam ta. Còn nhớ trước đây, khi ông Barry Marshall, hay trước đó là Peter Doherty và mới đây nhất là Elizabeth Blackburn (cả hai đều có song tịch Mĩ và Úc) được trao giải Nobel y học, báo chí Úc chỉ có khoảng 10 dòng chữ, thậm chí 5 dòng chữ (như trường hợp bà Blackburn) để đưa tin. 

Không có phóng viên theo dõi. Không có tặng giải thưởng quốc gia. Không có tặng bút. Không ai lên tiếng cho căn hộ. Không có tặng thẻ máy bay bạch kim. Không có lễ đón ở sân bay. Không có truyền hình trực tiếp. Không có vinh danh trong Quốc hội.

Ông Peter Doherty khi về Úc vẫn phải nộp đơn xin chức danh NHMRC Fellow như bao nhiêu người khác (hoàn toàn không có đặc cách), cũng phải xin tài trợ cho nghiên cứu như các nhà khoa học khác trong nước. 

Trong một buổi nói chuyện tại Viện Garvan, ông còn nói rằng chỉ có khoảng 50% đơn xin tài trợ của ông là thành công, phân nửa bị bác! Thật ra, Úc là nước còn trẻ nhưng là một nước trưởng thành về mặt khoa học. Một nước trưởng thành khoa học không có những hình thức vinh danh quá tầm hay quá khôi hài để biến người được vinh danh thành nạn nhân.  Cái khác giữa Úc và Việt Nam có lẽ là ở thái độ đối với nhân tài.

Nhưng cách hành xử của Úc không có nghĩa rằng Úc xem thường khoa học. Ngược lại, Úc rất quan tâm đến phát triển khoa học. Chính phủ dành ra hàng tỉ đôla hàng năm để chi cho các chương trình nghiên cứu, để nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ khoa học quốc gia. 

Họ quan tâm đến việc nâng cái mà chúng ta hay quen gọi là “critical mass”, chứ không đặt trọng tâm vào việc phát triển một vài trung tâm nghiên cứu hay vài cá nhân. Có lẽ quan điểm của họ là khi đã có critical mass thì chuyện đoạt giải thưởng quốc tế không còn là vấn đề lớn nữa.

Phân vân về Toán và các lĩnh vực ứng dụng

Nói cho cùng, việc huấn luyện một vài cá nhân để có giải thưởng quốc tế (như giải Olympic) dễ hơn là nâng cao mặt bằng khoa học của một quốc gia.  Thay vì nhân cơ hội Ngô Bảo Châu, chính phủ Việt Nam tuyên bố một chính sách khoa học mới và tích cực hơn, thì sự việc lại được phô diễn quá hình thức chủ nghĩa và có thể nói là quá phường tuồng.  Một đất nước với trên 2000 năm văn hiến cần một thái độ bình tĩnh hơn, một hành xử nghiêm chỉnh hơn, và nhất là một cách phô trương mang tính trưởng thành hơn.

Có lẽ một trong những phản ứng tích cực nhân sự kiện Ngô Bảo Châu là tuyên bố thành lập viện toán học cấp cao. Đương nhiên, giới toán học vui mừng trước tuyên bố này, nhưng tôi thấy phân vân. 

Chưa biết ngành toán học Việt Nam đã đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế, khoa học và an sinh của Việt Nam, nhưng đã có vị tuyên bố rằng Viện Toán ở Hà Nội là một viện khoa học thành công nhất ở Việt Nam. 

Ai cũng có thể tuyên bố như thế cho ngành của mình, nhưng vấn đề quan trọng là bằng chứng, là thước đo trong thực tế. Nếu lấy số bài báo khoa học làm thước đo thì ngành toán đóng góp khoảng 9-10% tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam, trong khi đó ngành vật lí cũng có số bài báo tương tự (hay cao hơn chút). 

Riêng ngành y sinh học đóng góp ~30% tổng số bài báo khoa học. 

Nếu lấy chất lượng làm thước đo, khoảng 45% các công trình nghiên cứu về toán của Việt Nam chưa bao giờ được trích dẫn sau 5 năm công bố (tỉ lệ ngày trong ngành vật lí là 31% và ngành y sinh học là 18%).  Ít ai trích dẫn phản ảnh một phần chất lượng nghiên cứu, nhưng cũng một phần là văn hóa ngành (ngành toán ít trích dẫn hơn ngành vật lí).  Nhưng dựa vào hai chỉ số trên, khó có thể nói Viện Toán hay ngành toán là thành công nhất ở Việt Nam.

Nhìn sang các nước láng giềng, ngành toán của Việt Nam tốt hơn nhiều nước, nhưng vẫn còn kém hơn Singapore.  Chúng ta thử xem qua một vài con số thống kê xem sao:

Nước

Số bài báo về toán học 2000-2005

Chỉ số trích dẫn trung bình

Chỉ số H

Việt Nam

326

2.44

11

Singapore

1474

5.43

30

Malaysia

170

1.94

7

Philippines

3

6.67

2

Indonesia

17

1.41

3

Thailand

98

1.57

6

Bảng trên cho thấy trong thời gian 2000-2005, Việt Nam công bố được 326 bài báo khoa học về toán, với tổng số trích dẫn 797 lần.  Tính trung bình, số lần trích dẫn cho mỗi bài báo là 2.4, chỉ số H là 11. Trong cùng thời gian, Singapore công bố 1474 bài, với chỉ số trích dẫn trung bình là 5.43, chỉ số H là 30.  Như vậy, ta tuy hơn Thái Lan hay Malaysia, nhưng thua xa Singapore về số lượng và chất lượng.  Nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. 

Thái Lan và Mã Lai có nền toán học kém hơn ta, nhưng kinh tế và mặt bằng khoa học của họ thì bỏ ta xa gần 30 năm.

Bảng số liệu trên còn cho thấy chúng ta cần khiêm tốn hơn trong những tuyên bố về thành công của toán học. Số liệu trên còn gián tiếp đặt dấu hỏi về ưu tiên cho đầu tư giữa các ngành khoa học.

Nên tập trung đầu tư vào y tế

Ở Việt Nam hiện nay, y tế và môi trường là hai lĩnh vực thiết yếu nhất.  Chỉ cần dạo qua một vòng các bệnh viện sẽ thấy người bệnh ở Việt Nam khổ cực biết là dường nào.  Đã có bệnh nhân tự tử chỉ vì không thể có khả năng tài chính để điều trị. 

Phần lớn thuốc men đều phụ thuộc vào các công ti nước ngoài cung cấp với giá rất cao, trong khi đó kĩ nghệ dược trong nước còn yếu kém, do thiếu nghiên cứu khoa học. 

Quá tải bệnh viện
Quá tải bệnh viện

Môi trường sống xuống cấp kinh khủng. Hệ thống sông ngòi đang bị ô nhiễm trầm trọng, và dẫn đến hệ quả bệnh tật ở qui mô quốc gia.  Nghiên cứu môi trường ở Việt Nam cũng rất thiếu: thiếu chuyên gia, thiếu thiết bị, thiếu tài trợ. Nhưng chẳng ai nói đến dành ngân quĩ cho hai lĩnh vực khoa học thiết yếu này. Có lẽ các lãnh đạo thích trừu tượng hơn là nhìn vào thực tế.

Tiêu ra trăm tỉ đồng để phát triển ngành toán có lẽ cần thiết, nhưng sẽ đem lại lợi ích gì thực tế cho Việt Nam? Đã là đầu tư, cho dù là đầu tư khoa học, thì câu hỏi đó cần phải được đặt ra, bởi vì nước ta vẫn còn nghèo và việc chi tiền phải “liệu cơm gấp mắm”, chứ không thể xa xỉ được. 

Giả dụ như Việt Nam sẽ có một viện toán học cấp cao, với nhiều bài báo khoa học trên các tập san toán hàng đầu thế giới (hiện nay thì Viện Toán chưa có những bài như thế), câu hỏi đặt ra là những bài báo đó sẽ đem lại lợi ích gì cho người bệnh, cho môi sinh?  Tạo ra sản phẩm để điều trị bệnh nhân?  Không.  Đăng kí bằng sáng chế?  Không.  Đăng kí bản quyền về một phương trình đã được giải quyết?  Chưa thấy ai đăng kí bản quyền phương trình. 

Nếu có ứng dụng thì toán, nói cho cùng, chỉ là một công cụ hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học. Mà, không có toán thì người ta vẫn có công cụ khác. Không có được một “closed solution” bằng toán thì nhà nghiên cứu vẫn có thể dùng máy tính để mô phỏng và có một “heuristic solution”. 

Có toán học, nghiên cứu khoa học phát triển đẹp hơn; nhưng không có toán học thì khoa học vẫn phát triển nhanh.  Nhìn qua thế mạnh của khoa học Thái Lan và Malaysia, chúng ta dễ dàng dù ngành toán học của họ không bằng ta, nhưng họ phát triển mạnh trong các lĩnh vực khoa học thực nghiệm như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ dược. 

Họ không cần viện toán cấp cao để đưa nền kinh tế của họ bỏ chúng ta 30 năm.

Ngày xưa, tôi cũng rất thích học toán.  Nhưng đến khi sang Úc và Mĩ, tôi cực kì ngạc nhiên khi thấy điểm vào ngành toán ở các đại học tại đây thấp nhất so với các ngành khác. 

Chẳng hạn như ở bang New South Wales, trong khi học sinh chỉ cần 70 điểm là có thể vào học ngành toán, nhưng để học các ngành khoa học thực nghiệm và kinh tế thì số điểm tối thiểu phải trên 85.  Phần lớn sinh viên theo học ngành toán như là một ngành phụ, như học thêm một công cụ, để họ có thêm bằng cấp để dễ xin việc sau này.  Úc không có một viện toán như Việt Nam, và cũng chưa có dự định đầu tư vào toán cao cấp như Việt Nam. 

Nhưng theo tôi biết số và chất lượng ấn phẩm toán của Úc hơn Việt Nam khá xa. Và, khỏi cần so sánh thành tựu khoa học của Úc với Việt Nam, vì so sánh không còn ý nghĩa. Chưa thấy ai nói toán là động lực phát triển khoa học hay kinh tế Úc.

Một câu hỏi không thoải mái vẫn đặt ra: Chúng ta cần ưu tiên xây dựng một nền toán học để đứng vào hàng 40 trên thế giới, hay cần xây dựng một nền khoa học, một "critical mass" khoa học có khả năng đem lại an sinh và phúc lợi trực tiếp cho người dân Việt Nam?

GS Nguyễn Văn Tuấn

(Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và ĐH New South Wales, Úc)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang