Việt Nam có thể 'kiếm' 50 triệu USD nhờ xuất ngoại cá cảnh

author 11:11 20/11/2015

(VietQ.vn) - Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh hằng năm lên 40-50 triệu USD thay vì chỉ 10-12 triệu USD/năm như hiện nay.

Đây là nhận định mới nhất của ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam về tiềm năng xuất khẩu cá cảnh của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể phát triển ngành cá cảnh hơn nữa, tăng kim ngạch xuất khẩu hằng năm lên 40-50 triệu USD thay vì chỉ 10-12 triệu USD/năm như hiện nay.

Kiếm 50 triệu USD nhờ xuất ngoại cá cảnh

Trong tương lai, Việt Nam có thể "kiếm" 50 triệu USD nhờ xuất ngoại cá cảnh thay vì 10 triệu USD như hiện nay

Hiện, Việt Nam hiện có khoảng trên 500 cơ sở sản xuất, ương nuôi cá cảnh, tập trung ở một số đô thị lớn như TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Cá cảnh không chỉ được tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. TP.HCM được coi là trung tâm của hoạt động xuất khẩu cá cảnh Việt Nam. Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, tính đến hết tháng 10/2015, số lượng cá cảnh xuất khẩu của TP đã đạt hơn 11 triệu con, giá trị xuất khẩu đạt 9,7 triệu USD.

Số lượng loài cá cảnh xuất khẩu khoảng trên 60 loài, phổ biến như cá neon, cá dĩa, cá xiêm, cá mô ly, hắc kim, trân châu cá bảy màu, hải quỳ, cá mó, khoang cổ, hoàng hậu. Thị trường xuất khẩu chính của cá cảnh là châu Âu chiếm nhiều nhất với 58%; châu Á 28%; châu Mỹ 9,5% và châu Úc chiếm 3,5%. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy mô sản xuất của nghề cá cảnh còn chưa tập trung, phân tán nhỏ lẻ, chưa tiếp cận nhiều với khoa học mới về lai tạo cá cảnh, thuần dưỡng sinh sản cá cảnh tự nhiên. Ngoài ra, khả năng tài chính  hạn chế cũng ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề đầu tư phát triển ngành cá cảnh Việt Nam. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều giống cá cảnh đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới lại chưa được phép nhập khẩu về Việt Nam. Do đó, nhiều giống cá cảnh chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, và quan trọng là nhiều nước đã sản xuất hàng chục năm nay, nhưng Việt Nam vẫn chưa cho phép nhập khẩu con giống. Nhiều giống cá cảnh được sản xuất ở Việt Nam đang bị thoái hóa nên mất dần khách hàng nước ngoài.

Vĩ những lý do trên nên phát triển cá cảnh chưa tương xứng với tiềm năng của ngành. Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do cơ quan nhà nước, từ vĩ mô đến vi mô chưa quan tâm đúng mức. Chẳng hạn, đến năm 2011, cá cảnh mới được đưa vào danh sách các đối tượng nuôi quan trọng của nông nghiệp TP.HCM.

Nhận định chung về tình hình, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho hay, chính vì những tiềm năng to lớn chưa được phát huy hết nên Việt Nam có thể phát triển ngành cá cảnh hơn nữa, tăng kim ngạch xuất khẩu hằng năm lên 40-50 triệu USD thay vì chỉ 10-12 triệu USD/năm như hiện nay.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang