“Việt Nam còn thiếu những bộ phim tài liệu báo chí”

author 10:41 19/06/2012

(VietQ.vn) - “Những bộ phim cổ điển của các bạn là những bộ phim hay. Nhưng để vượt qua biên giới Việt Nam ra thế giới thì chăc chắn điện ảnh tài liệu Việt Nam cũng phải vượt qua biên giới của chính mình”.

Đó là chia sẻ của đạo diễn người Bỉ Thierry Michiel với PV Chất lượng Việt Nam tại liên hoan phim tài liệu Việt Nam - Châu Âu vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo ông, qua những lần liên hoan phim như thế này, các nhà làm phim Việt Nam có cơ hội đối thoại với các nhà làm phim tài liệu châu Âu, không chỉ về cách làm phim mà còn là dịp tiếp cận văn hoá nước bạn.

Qua 4 lần sang Việt Nam tham dự festival phim tài liệu, hẳn ông đã hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam?

Tôi khám phá Việt Nam qua những bộ phim và tôi có được nhiều điều thú vị và ngạc nhiên. Trước hết, tôi được xem những bộ phim lịch sử, về chiến tranh (trước và sau chiến tranh), về ma tuý, về cuộc sống lao động của những người công nhân, về trẻ em, về các bệnh viện… Từ đó tôi có nhiều cái nhìn khác nhau

Đạo diễn người Bỉ Thierry Michiel.
Đạo diễn người Bỉ Thierry Michiel.

về xã hội Việt Nam, những con người khác nhau trong xã hội. Và điều đặc biệt hơn, qua những bộ phim này, tôi được khám phá những bộ phim, những kịch bản mang tính tự sự. Có những bộ phim nói về đời sống gia đình, những câu chuyện thầm kín. Tôi thấy chủ đề khai thác bắt đầu được mở rộng ra nhiều hơn và nói nhiều hơn các khía cạnh của đời sống thường ngày. Như vậy, cái nhìn của người xem sẽ không chỉ là những vấn đề mang tính lịch sử mà còn là những vấn đề đương đại nữa.

Bốn kì liên hoan phim cũng gắn liền với 4 khoá học đào tạo làm phim tài liệu mà ban tổ chức dành cho các đạo diễn, nhà làm phim trẻ tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi trong các khoá học ấy?

Hiển nhiên là có sự thay đổi lớn trong những khoá đào tạo của chúng tôi kể từ khoá đầu tiên. Và sự thay đổi này khá là nhanh. Những khoá đầu, tôi thường xem những bộ phim tài liệu của hãng phim tài liệu và khoa học trung ương. Đó gần như là những bộ phim mang phong cách cổ điển và có những phim khá là kinh điển của phim tài liệu Việt Nam. Tôi đánh giá cao những bộ phim này bởi đó là những bộ phim về đề tài chiến tranh, gắn liền với tên tuổi của những nhà làm phim dũng cảm thời bấy giờ. Dần dần, sự tham gia của nhiều người với khoá làm phim cũng đông đảo hơn. Và đặc biệt, tôi thấy có rất nhiều phụ nữ làm phim tài liệu. Chúng tôi cũng có nhiều dự án làm phim về nhiều chủ đề, rồi cùng nhau phân tích và rút kinh nghiệm trong mỗi khoá học. Từ đó phân tích điểm yếu, điểm mạnh của các bạn, làm thế nào để phát triển kịch bản theo 1 chủ đề để có một bộ phim hay và hấp dẫn.

Theo ông, phim tài liệu Việt Nam cần bổ sung thêm những yếu tố nào để bắt kịp sự phát triển của phim tài liệu thế giới?

Qua chứng kiến, tôi thấy các bạn có một số lượng khán giả đông đảo, quan tâm thực sự đến phim tài liệu. Tôi nghĩ sự kiện này không nên chỉ giới hạn ở Hà Nội, Đà Nẵng nữa. Tôi nghĩ nó sẽ phải vượt biên giới của thủ đô ra nhiều tỉnh, thành phố khác. Bởi vì phim tài liệu Việt Nam đang chuyển biến.

Những bộ phim cổ điển của các bạn là những bộ phim hay. Nhưng để vượt qua biên giới Việt Nam ra thế giới thì chắc chắn là điện ảnh tài liệu Việt Nam cũng phải vượt qua biên giới của chính mình. Đặc biệt, điều tôi muốn nói ở đây là vấn đề kiểm duyệt. Kiểm duyệt về chủ đề, về nội dung. Tôi thấy có những bộ phim rất phù hợp nhưng lại khắt khe với đầu ra của nó. Tôi nghĩ các nhà làm phim Việt Nam có thể làm hai bản chiếu. Một bản chiếu quốc tế phù hợp và một bản chiếu dành cho công chúng trong nước.

Tôi cũng thấy trong phim tài liệu Việt Nam có rất nhiều câu bình luận, nhiều lời bình chủ quan của tác giả thay vì để nhân vật nói lên tâm sự thật của mình. Trong phim tài liệu, bao giờ cũng phải mang tính tài liệu. Ngoài tính bi, hài thì cũng phải có tính thơ ca trong phim. Ngoài ra, tôi nghĩ mỗi tác giả làm phim phải có bản sắc riêng của mình. Để làm sao khi xem phim của hãng phim nào, người xem sẽ nhận ra ngay là của hãng phim đó. Quan trọng nhất, chính tác giả làm phim phải có phong cách tiêng của mình.

Ngoài ra, ở Việt Nam còn thiếu những bộ phim tài liệu báo chí và điều tra. Làm phim tài liệu báo chí điều tra là vô cùng quan trọng bởi nó sẽ cho thấy xã hội phát triển thế nào, xã hội đang có vấn đề gì xảy ra, những nạn nhân trong xã hội thế nào… Ví dụ chúng ta có thể làm phim về việc một công ty nước ngoài khi vào đầu tư tại Việt Nam có ảnh hưởng thế nào đến đời sống người dân. Tôi thấy các bạn rất thiếu mảng phim ấy. Michiel Mu là một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng tại Mỹ. Ông thường làm phim về đề tài này và sức ảnh hưởng của những bộ phim do ông làm khiến nhà chức trách  Mỹ đang chuẩn bị sửa đổi điều luật không cho phép sử dụng vũ khí tự do trong mỗi người dân. Đó chính là ảnh hưởng của nhà làm phim đến xã hội.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Phương Quốc thực hiện

Thierry Michel là đạo diễn của nhiều bộ phim tài liệu đã giành các giải thưởng quốc tế như: “Những đứa bé ở Rio”, “Donka”, “Chụp X-quang tại một bệnh viện ở Châu Phi”, “Iran dưới tấm mạng che mặt”, “Mobutu, vua của Zare” và “Vượt lên trên bóng tối”...

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang