Việt Nam được lợi gì từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP?

author 06:27 06/10/2015

(VietQ.vn) - Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội.

Sau 6 ngày đàm phán căng thẳng tại thành phố Atlanta (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt thỏa thuận cuối cùng vào khoảng 18 giờ tối ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam).

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương

Trưởng đoàn đàm phán 12 nước thành viên TPP họp báo công bố đạt được thỏa thuận cuối cùng tối 5/10 (giờ Hà Nội). Ảnh Zing

Tại buổi họp báo công bố sự kiện trọng đại này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam - Vũ Huy Hoàng cũng đã có bài phát biểu về lĩnh vực dệt may Việt Nam.

Ông Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Dệt may đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của chúng tôi. Vì vậy, khi tham gia TPP, lĩnh vực dệt may của chúng tôi sẽ tăng trưởng nhanh hơn, làm lợi cho người nghèo. Do ngành này tại Việt Nam đang sử dụng khoảng một triệu nhân lực. Tôi muốn cảm ơn các quốc gia TPP vì đã tạo các điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam”.

Từ năm 2010, Việt Nam đã tham gia đàm phán để gia nhập TPP. Sau 5 năm, chúng ta đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức lớn này.

Theo bà Phạm Chi Lan, tham gia TPP thì Việt Nam có cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Các quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam với các thành viên TPP có thể cải thiện nhanh chóng, vừa mở rộng, vừa đi vào chiều sâu, tạo thêm nguồn lực cho Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới.

Trong các thành viên TPP, có những quốc gia quan trọng, có khả năng bổ sung cao cho nền kinh tế VN như Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Singapore... Đây cũng là những đối tác đầu tư rất tiềm năng của VN. TPP có thể giúp thúc đẩy đầu tư của các nước này vào Việt Nam, đặc biệt trong một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn như phát triển các ngành công nghệ cao, nâng cao trình độ của các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị trong khu vực và trên toàn cầu.

Các nước châu Á - Thái Bình Dương nói chung là thị trường quan trọng của Việt Nam. Hai trong ba nước nhập khẩu lớn nhất của VN là Hoa Kỳ và Nhật Bản. TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của VN sang các nước này cũng như các thành viên khác của TPP nhờ những cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn, cao hơn so với những cam kết hiện có trong khu vực.

Về sự khác biệt giữa việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích:

Đàm phán TPP khác với đàm phán WTO. Đối với các nước tham gia WTO, quá trình đàm phán đều là đàm phán "một chiều", theo cách nước muốn gia nhập phải đưa ra những cam kết của mình mà không thể thương lượng, đưa thêm nội dung gì vào hiệp định WTO đã có. Chỉ sau khi trở thành thành viên WTO, nước đó mới có quyền tham gia các đàm phán mới của WTO hoặc đề xuất những vấn đề mới để WTO xem xét đưa ra đàm phán chung.

Tuy nhiên, chấp nhận và chấp hành các luật chơi của WTO cũng hoàn toàn không phải là một điều dễ dàng đối với các nước muốn gia nhập. Trung Quốc đã mất 15 năm và Việt Nam mất 12 năm đàm phán mới được kết nạp vào WTO.

Tham gia TPP, Việt Nam có cơ hội là một đối tác đàm phán bình đẳng với 8 thành viên của TPP hiện nay để cùng nhau đưa ra những cam kết chung trong TPP.

Rõ ràng Việt Nam có điều kiện tốt hơn để cân nhắc các lợi ích và thách thức của mình cũng như của các thành viên liên quan để có thể chủ động đàm phán nhằm đi tới những thỏa thuận cùng có lợi.

Tất nhiên, mọi cuộc đàm phán đều đòi hỏi các bên thông hiểu và sẵn sàng thỏa hiệp với nhau. Điều quan trọng nhất là chúng ta bảo vệ và giành được những lợi ích cốt lõi của mình. Những lợi ích này phải được đặt trong yêu cầu phát triển với chuẩn mực ngày càng cao hơn của đất nước.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang