Việt Nam không còn nhiều gạo để xuất khẩu

author 07:18 07/08/2014

(VietQ.vn) - Hiện nay lượng gạo trong dân ở ĐB SCL còn lại rất ít, nông dân thậm chí không có hàng để bán. Trong khi đó, nhu cầu mua gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Mặc dù sản lượng vụ lúa hè thu năm nay khá lớn, song do nhu cầu gạo xuất khẩu bỗng nhiên tăng mạnh nên hiện nay, lượng gạo còn lại trong dân tại khu vực ĐB SCL rất ít. Thêm vào đó, thương nhân Trung Quốc lại đang dồn sức thu mua gạo xuất khẩu tiểu ngạch, khiến nhiều doanh nghiệp phải lên tiếng về việc hết gạo để xuất khẩu.

Không còn nhiều gạo để xuất khẩu từ nay tới cuối năm

Theo kết quả báo cáo của 11/13 tỉnh thành tại ĐBSCL gửi về Bộ Công Thương, lượng gạo đang tồn đọng ở khu vực này là rất lớn, khoảng 500.000 tấn trong thương lái và 800.000 tấn trong dân, đó là chưa kể sản lượng lúa sẽ thu hoạch thêm từ nay tới cuối năm.

Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thì cho biết, sau khi cân đối giữa lượng gạo đã xuất khẩu, tồn kho của năm 2013 chuyển sang và dự kiến sản lượng lúa sẽ thu hoạch, sản lượng gạo còn để tiêu thụ từ nay tới cuối năm rơi vào khoảng 5 triệu tấn.

Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp cho rằng lượng gạo xuất khẩu còn

Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng lượng gạo xuất khẩu còn "nhiều". Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), lại cho rằng, lượng gạo tồn đọng thực sự không còn nhiều như vậy. Theo phân tích của ông Năng, căn cứ vào báo cáo của Bộ NN&PTNT thì vụ đông xuân có 4,15 triệu tấn gạo; vụ hè thu 3,15 triệu tấn; vụ thu đông dự kiến có 400.000 tấn; vụ mùa 200.000 tấn và tồn kho của năm 2013 chuyển sang 400.000 tấn, thì tổng cộng sản lượng lúa trong năm đạt khoảng 8,3-8,4 triệu tấn.

Mặt khác, tính tới nay, các doanh nghiệp hội viên của VFA đã xuất khẩu được 3,6 triệu tấn, xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 1,6 triệu tấn (Ông Năng cho biết số liệu của Công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam), tính luôn cả 2 triệu tấn đã ký hợp đồng nhưng chưa giao thì coi như Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 7,2 triệu tấn. Như vậy lượng gạo còn trong dân, đã tính cả sản lượng các vụ còn lại trong năm, chỉ còn khoảng 1 triệu tấn.

Rõ ràng rằng, nếu các số liệu thống kê, dự báo của Bộ NN&PTNT, VFA và Agromonitor đưa ra là chính xác, thì lượng gạo phục vụ cho xuất khẩu tới cuối năm thật sự không còn nhiều.

Tiếc vì hết gạo xuất khẩu ngay khi thị trường rộng mở

Phát biểu tại Hội nghị Bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL, ông Năng của Vinafood 2, cho biết nhu cầu nhập khẩu của các nước hiện còn rất lớn: “Ngoài việc thực hiện tiếp các hợp đồng đã ký, thì mình (doanh nghiệp) đang đàm phán bán tiếp tục cho Philippines thêm 500.000 tấn nữa”.

Theo ông Năng, đối thủ của Việt Nam trong cuộc đua cung cấp 500.000 tấn cho Philippines chỉ có Thái Lan. “Bởi Ấn Độ không thể xuất gạo thông thường  được nữa vì từ đầu năm đến nay họ chỉ mới xuất được 5 triệu tấn (tương đương 25% dự trữ quốc gia) nhưng lạm phát của họ đã tăng lên rất nhanh nên Ấn Độ không thể cạnh tranh với Việt Nam được nữa. Còn Campuchia, Myanmar chỉ xuất lẻ tẻ thôi, không đáng lo ngại”, ông Năng cho biết.

Gạo Việt Nam đang có nhiều lợi thế xuất khẩu trong giai đoạn này

Gạo Việt Nam đang có nhiều lợi thế xuất khẩu trong giai đoạn này. Ảnh minh họa

Trong khi đó, dù Thái Lan đang vãn còn là một ẩn số nhưng với quy định của Philippines là chỉ mua gạo mới thì Thái Lan gần như không thể đáp ứng được.

Ngoài ra, Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để ký tiếp các hợp đồng với Indonesia và Malaysia, với các nước khác nữa, khi mà nhu cầu nhập khẩu của thị trường đang tăng rất mạnh. Có thể thấy, cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt đang rộng mở hết cỡ. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là gạo ở đâu để bán?

Doanh nghiệp  kêu than vì không mua được gạo xuất khẩu

Tại Hội nghị Bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL, ông Lâm Hoàng Sa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, nông dân hiện nay thì không có lúa để bán, nhưng thương lái thì có. Nguyên nhân là do giá gạo đã được đẩy lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm qua, người nông dân phần nhiều thỏa mãn với mức lợi nhuận mình thu được nên cũng không ém, giữ hàng để chờ tăng giá. Hầu hết mọi người đều bán lúa, gạo ngay sau khi thu hoạch xong cho thương lái.Tuy nhiên các thương lái đã nhận ra được tình trạng khan hiếm và các đầu mối xuất khẩu có xu hướng tăng lên, vì vậy có xu hướng giữ hàng lại để chờ giá tăng cao.

Doanh nghiệp chịu lỗ mua gạo với giá cao cũng chưa chắc có gạo để mua

Doanh nghiệp dù có chịu lỗ, mua gạo với giá cao cũng chưa chắc có gạo để mua. Ảnh minh họa

Trước thực tế khan hiếm gạo, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đề nghị các địa phương cần nhanh chóng rà soát kỹ lại tình hình thu hoạch lúa của địa phương mình để có giải pháp ứng phó phù hợp. Còn ông Năng thay mặt cá doanh nghiệp đặt vấn đề :“Tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương cần giúp xem xét vấn đề khan hiếm gạo như thế nào, chứ cái này rất khó cho doanh nghiệp bởi giá mua gạo trong nước đang cao hơn cả mức giá các nước nhập khẩu đưa ra”.

Phan Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang