Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ cường quốc CNTT Nhật Bản

author 14:55 21/06/2013

(VietQ.vn)- Đây là những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam 2013 vừa khai mạc sáng 20/6 tại Hà Nội.

CNTT là con đường ngắn nhất để phát triển đất nước

Với chủ đề “Công nghệ thông tin - nền tảng của phương thức phát triển mới nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia,” Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam lần thứ 3 năm nay đã thu hút gần 500 đại biểu.

Khách mời đặc biệt tại diễn đàn là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định "Diễn đàn năm nay bàn về việc phát huy vai trò của CNTT trong nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào các vấn đề xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cải cách thể chế, đẩy mạnh cải cách giáo dục đào tạo - đây là những vấn đề đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm giải quyết”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn CNTT cấp cao 2013
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn CNTT cấp cao 2013

 

Hơn 10 năm qua, công nghệ thông tin đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, đóng góp trực tiếp gần 7% GDP của đất nước, đồng thời có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Hạ tầng viễn thông và dịch vụ viễn thông Việt Nam đang từng bước phát triển để ngang tầm khu vực và thế giới. Mức độ triển khai Chính phủ điện tử của Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 4 trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Theo kết quả khảo sát Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2012, Việt Nam xếp vị trí thứ 83 trên tổng số 190 quốc gia được thực hiện đánh giá. Với kết quả này Việt Nam tăng 7 bậc so với năm 2010.

Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore, Malaysia, Brunei. Việt Nam đã đứng trong Nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm và trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã lọt vào danh sách 10 thành phố mới nổi về gia công phần mềm.

Tháng 6/2013, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu dân cư 2013-2020 nhằm đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho mọi giao dịch của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thủ tướng yêu cầu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và quản lý hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, coi đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước phát triển, tiến cùng thời đại.

Đồng thời, cần xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia bảo đảm khả năng kết nối liên thông, đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn và bảo mật thông tin quốc gia.

Với sự hiện diện của ngài Yukio Hatoyama tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác và học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, một cường quốc hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin và truyền thông,”

Bài học CNTT từ Nhật Bản

Có mặt tại Vietnam ICT Summit 2013, ông Yukio Hatoyama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản và hiện là Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á, đã chia sẻ bài học thành công của nước này khi đề cao vai trò của công nghệ thông tin trong chiến lược phát triển kinh tế.

"Sau khi tuyên thệ không bao giờ tiến hành chiến tranh, Nhật Bản đổ nguồn lực vào phát triển kinh tế. Không nói quá rằng chuyên môn công nghệ chính là động cơ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, nhanh chóng biến Nhật Bản thành một trong các nước dẫn đầu công nghệ thế giới", ông Hatoyama nhấn mạnh.

Ngay cả khi bong bóng kinh tế Nhật đã vỡ và tình hình trở nên khó khăn, ngân sách chính phủ không tăng, nhưng chính phủ Nhật Bản vẫn luôn tin tưởng vào sự cần thiết của việc liên tục tăng ngân sách cho khoa học và công nghệ, nền tảng của sức mạnh quốc gia.

Luật Khoa học và Công nghệ Cơ bản của Nhật đã có hiệu lực từ 1995. Bên cạnh đó, để triển khai chính sách có hệ thống theo kế hoạch nhằm thúc đẩy khoa học và công nghệ, chính phủ Nhật đã thiết lập Kế hoạch Khoa học và Công nghệ Cơ bản, được làm 5 năm một lần và hiện trong giai đoạn lần thứ tư.

Do vậy, để biến Nhật Bản thành quốc gia CNTT hàng đầu, chính phủ đã hình thành chiến lược Nhật Bản điện tử (e-Japan), giảm phí truy nhập Internet còn một phần ba so với trước trong vòng bốn năm trong khi tăng số thuê bao Internet tốc độ cao lên 20 lần.

Nhờ đó, hạ tầng CNTT Nhật Bản được triển khai rất nhanh chóng. Trong năm 2006, khi các mục tiêu chính của chiến lược Nhật Bản điện tử về cơ bản đã được thực hiện, chính phủ đề xuất chiến lược u-Japan với mục tiêu chuyển từ hạ tầng chủ yếu dựa trên dịch vụ hữu tuyến sang tạo ra mạng phổ cập kết nối liền mạch dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến.

Nguyên Thủ tướng Nhật cho rằng trong lĩnh vực CNTT-TT, điều quan trọng hiện nay đối với Việt Nam là đầu tư tài nguyên vào phát triển nguồn nhân lực sao cho trong tương lai gần, người dân với chính đôi tay mình có thể hiện thực hóa một xã hội mạng phổ cập.

"Rõ ràng rằng, đào tạo số lớn kỹ sư CNTT -TT là hết sức quan trọng cho cả phát triển tương lai của Việt Nam cũng như cho công dân được sống với phong cách tiện nghi thoải mái", ông Hatoyama nói.

Khánh Ngọc

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang