Việt Nam 'hút' nhiều đơn hàng may mặc của Trung Quốc

author 10:57 24/03/2015

(VietQ.vn) - Việt Nam đang đón nhận sự dịch chuyển mạnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, nhiều đơn hàng dệt may của Trung Quốc đã chuyển sang.

Thời gian gần đây, Việt Nam tham gia liên tiếp 8 hiệp định thương mại quốc tế và đang trong giai đoạn hoàn tất 7 hiệp định tiếp theo. Các Hiệp định FTA  mở ra đồng nghĩa với việc mang đến cơ hội cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam. Trong mọi cuộc chơi, luôn có người thành công, kẻ thất bại.

Dệt may Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc trên quá trình hiioj nhập FTA. Ảnh minh họa

Dệt may Việt Nam chinh phục người Mỹ

Chia sẻ về những khó khăn khi Việt Nam tham gia tích cực trong chuỗi giá trị và cung ứng thị trường toàn cầu, nơi đã có sẵn các nhà cung cấp khác và mối quan hệ cung - cầu hầu như đã được xác lập sẵn, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là một chuỗi cung ứng linh hoạt, tuy có cam kết chặt chẽ giữa các đối tác, nhưng nó linh hoạt ở chỗ dịch chuyển địa điểm các đối tác đó.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Trường chia sẻ, một minh chứng rõ ràng trên thị trường mà nhiều người nhận ra rằng, dệt may của Việt Nam sẽ tốt hơn dệt may của Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Khi có điều kiện thuận lợi, tác nhân dịch chuyển sẽ "chạy" vào Việt Nam. Cho dù thị phần cao đến đâu, thị trường nào tốt hơn thì nơi đó được xác lập.

“Trước khi có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị phần ở Mỹ của Việt Nam là dưới 3%, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thị phần này đã là 10%, chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Đơn hàng tại thị trường Mỹ dành cho Việt Nam đang tăng lên và thị phần này lấy phần lớn của Trung Quốc”, ông Trường chia sẻ. 

Không những thế, theo thông tin của các công ty dệt may, tính tới thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng sản xuất đến hết quý I năm 2015, thậm chí một số doanh nghiệp lớn có đơn hàng sản xuất đến hết quý II cho sản phẩm hoàn tất. 

Nhận định về hoạt động của ngành dệt may, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng khẳng định: “Tôi nghĩ là không ai hơn được các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, 15 tỷ USD xuất khẩu năm vừa qua đã chứng minh rằng họ đã làm rất tốt công việc của mình”. 

Liên quan đến vấn đề những rào cản kinh tế - thương mại khi thị trường mở cửa, đặc biệt khi các Hiệp định FTA mới có hiệu lực, PGS.TS Trần Đình Thiên –Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam khá “nhanh mắt, nhanh tay”, học và triển khai rất tốt. 

“Tôi nghĩ rằng với tinh thần như vậy, với thị trường mở thì những hoạt động này cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam. Đây là cuộc đua để các thị trường sôi động các nền kinh tế giao thoa tốt hơn. Doanh nghiệp Việt Nam với sự linh hoạt và với môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, thì doanh nghiệp Việt sẽ tiếp cận với thế giới nhanh hơn”, ông Thiên chia sẻ. 

Bối rối ngành Thép

Cũng liên quan đến những khó khăn khi thị trường mở cửa, đặc biệt là việc Việt Nam đã ký FTA giữa Việt Nam - Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakztan, nơi mà cả nền công nghiệp sản xuất thép khổng lồ sang Việt Nam với mức thuế bằng 0%. Đây được xem là nguy cơ cho các doanh nghiệp thép của Việt Nam sẽ đối mặt với khủng hoảng thừa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam ký kết với Liên minh hải quan trong đó có Nga, vì Nga là thị trường lớn và đã từng là thị trường truyền thống. Cả Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ đều muốn xâm nhập vào Nga và lợi ích trên thị trường Nga lớn đến nỗi châu Âu cũng phải cân nhắc khi xảy ra biến động gần đây. 

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc ký kết các Hiệp định và mở cửa thị trường thì các ngành dệt may, giày dép, hàng thủy sản và nhiều sản phẩm của Việt Nam có thế mạnh. Đổi lại, hàng xuất khẩu của Nga không nhiều (xăng dầu, sắt thép, săm lốp ô tô), cho nên muốn họ mở cửa thị trường cho mình thì mình cũng phải cân nhắc mở cửa thị trường cho những sản phẩm quan trọng của nước bạn. 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, việc cạnh tranh trong ngành thép đã diễn ra từ lâu, không chờ đến lúc ta đàm phán với Nga. Trong khi đó, nếu Nga xuất khẩu thép vào Việt Nam thì họ phải vận chuyển thép từ Biển Đen về, chi phí không phải rẻ. . 

“Tôi không nghĩ rằng khi ký FTA giữa Việt Nam - Liên minh hải quan Nga sẽ “bóp chết” ngành sản xuất thép của chúng ta. Chúng ta không so sánh giá thành xuất xưởng vì giá của Việt Nam bởi đúng là không thể đọ được của thép Nga, nhưng họ cũng phải chịu chi phí vận tải về đây”, Thứ trưởng Bộ Công Thương chi sẻ.

Trà Phương

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang