Việt Nam là thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất khu vực

author 16:57 22/10/2020

(VietQ.vn) - Nhìn về tổng thể, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển năng động nhất trong khu vực và có tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 Đông Nam Á.

Theo thông tin công bố từ Bộ Công thương, doanh số thương mại điện tử bán lẻ B2C (Business to Customer - từ doanh nghiệp tới khách hàng) năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với mức tăng trưởng ổn định được duy trì qua các năm, doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2020 dự tính sẽ đạt mốc 13,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới dự tính nói trên. Cụ thể, trong giai đoạn đầu của dịch bệnh (từ khoảng tháng 2 đến tháng 4/2020), có 57% doanh nghiệp hoạt động kinh doanh liên quan tới thương mại điện tử cho biết doanh thu tăng trưởng dưới 30% so với cùng kỳ năm 2019, thậm chí tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, vẫn có 24% doanh nghiệp có doanh thu tăng trên 51% so với cung kỳ năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng về doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 ước giảm khoảng 6% mặc dù số lượng giao dịch tăng 25% (do các mặt hàng giao dịch thương mại điện tử giai đoạn Covid-19 có giá trị thấp). Với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, Bộ Công Thương nhận định, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử về doanh thu trong quý IV/2020 là 20%, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ ước đạt 12 tỷ USD.

Đối với kịch bản xấu nhất, khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trong quý IV/2020, sản xuất tiêu dùng trong nước bị tác động, nguồn hàng, các hoạt động dịch vụ bị ảnh hưởng lớn như vận tải hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống... sức tiêu dùng của người dân chậm thì khả năng quy mô thị trường thương mại điện tử bị tác động lớn, ước đạt 11 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ chỉ đạt 13%.

Việt Nam là thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất khu vực dù chịu tác động của dịch Covid-19. Ảnh minh họa. 

Theo Bộ Công Thương, dù năm 2020 dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bị sụt giảm đáng kể so với dự tính ban đầu, khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhìn về tổng thể, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển năng động nhất khu vực và có tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 Đông Nam Á.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị hàng hóa, dịch vụ đạt trung bình 600 USD/người/năm. Từ đó, doanh số thương mại điện tử B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đồng thời, khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa Hà Nội, TP.HCM với các địa phương khác cũng được kỳ vọng thu hẹp lại.

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là mắt xích quan trọng giúp thương mại Việt Nam phát triển. Đặc biệt, thương mại điện tử tương tác (social commerce) có nhiều triển vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi xu hướng này đang thu hút quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, cần một hệ thống thể chế thuận lợi và đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để tạo ra được hạ tầng kỹ thuật cho nền kinh tế số.

Bên cạnh những hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý doanh nghiệp phải tối ưu hóa mô hình kinh doanh và tập trung phát triển kỹ năng mới nhằm sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh cũng như có giải pháp để quản lý tài sản trí tuệ khi thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh trong thời kỳ mới.

Khó khăn trong quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài (VietQ.vn) - Hiện nay, số lượng người bán nước ngoài trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang gia tăng. Do vậy, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối trong TMĐT, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang