Việt Nam sẽ có vệ tinh radar quân sự do Nhật Bản chế tạo

author 19:15 19/09/2016

(VietQ.vn) - Theo báo giới Nhật Bản, lần đầu tiên nước này sẽ chế tạo vệ tinh radar quân sự cho Việt Nam.

 Nhật Bản sẽ chế tạo vệ tinh cho Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN/ huanqiu.com)

Cụ thể, TTXVN cho biết, Đài Bắc Kinh dẫn nguồn báo giới Nhật Bản ngày 18/9 đưa tin, lần đầu tiên nước này nghiên cứu và chế tạo vệ tinh trinh sát bằng radar dùng vào mục đích quân sự "ASNARO-2" cho Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản xuất khẩu vệ tinh trinh sát ra nước ngoài.

Vệ tinh này sẽ do Công ty NEC và Công ty điện máy Mitsubishi của Nhật phối hợp nghiên cứu và chế tạo. Hai công ty này đã ký thỏa thuận nghiên cứu và chế tạo với cơ quan hữu quan của Chính phủ Việt Nam.

Cũng theo báo giới Nhật Bản, do máy ảnh được lắp đặt trên vệ tinh này có tính năng đặc thù chụp ảnh ban đêm và chụp xuyên tầng mây nên các bức ảnh truyền từ vệ tinh trinh sát này có độ phân giải cao nhất thế giới hiện nay.

Do đó, vệ tinh này không những có thể phát huy vai trò giám sát tình hình khi xảy ra thiên tai và tìm hiểu tình hình sinh trưởng của cây trồng, mà còn có thể trinh sát quân sự ở mức độ nhất định.

Ảnh vệ tinh ‘vạch mặt’ nhà chứa máy bay trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng phi pháp các nhà chứa máy bay ‘khủng’ trên Biển Đông.

Liên quan tới vệ tinh của Việt Nam lên vũ trụ có sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản, trước đó, Đất Việt dẫn thông tin từ Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC), dự kiến tháng 9/2016 vệ tinh MicroDragon sẽ chính thức được chế tạo, tích hợp và đến tháng 9/2017 sẽ hoàn thành để sẵn sàng phóng lên quỹ đạo.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc VNSC cho biết, Vệ tinh MicroDragon được chế tạo và phóng lên quỹ đạo với các nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Vệ tinh này cũng sẽ phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển, thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái đất. Đồng thời, MicroDragon cũng sẽ thử nghiệm công nghệ vật liệu mới (Atomic oxygen, Antimony Tin Oxide Coating Solar cell).

Cùng với sự trợ giúp của JAXA, khi vệ tinh MicroDragon được đưa vào hoạt động như dự kiến sẽ hiện thực hóa một cách rõ nét lộ trình làm chủ công nghệ vệ tinh của VN.

Trong một thông tin liên quan, hồi tháng 1/2016, Thông tin tại lễ ký hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu và chuẩn bị phóng lên quỹ đạo một số vệ tinh viễn thám quan sát trái đất như VNREDSat-2, LOTUSat-1 và 2.

Giáo sư TSKH Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho hay, theo chiến lược phát triển tới năm 2020, Việt Nam sẽ thực hiện một số dự án vệ tinh trọng điểm quốc gia, trong đó sẽ phóng thêm một số vệ tinh quan sát nhỏ lên quỹ đạo.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, trên quỹ đạo hiện có khoảng 1.100 vệ tinh viễn thám và hơn 100 vệ tinh viễn thông, trong đó Việt Nam có 3 quả vệ tinh.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang