‘Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á’

author 16:28 11/04/2018

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á tại cuộc họp báo cập nhật tình hình tăng trưởng và triển vọng phát triển châu Á 2018.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2018 Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đạt kết quả tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ GDP dự báo tăng lên 7,1%, trước khi giảm xuống còn 6,8% vào năm 2019.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định: "Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018. Nhờ đó, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ của lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước, cũng như sự cải thiện của lĩnh vực nông nghiệp".

Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2018 của ADB cũng chỉ ra, kim ngạch thương mại hàng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore.

‘Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á’

 ‘Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á’ - ADB nhận định.

Đánh giá những thành công về tăng trưởng kinh tế trong năm 2017, ông Aaron Batten, Chuyên gia cao cấp kinh tế quốc gia (ADB) cho biết, Việt Nam đã vượt quá mức kỳ vọng khi đạt mức tăng trưởng 6,8% - mức cao nhất trong 10 năm qua. Cùng với đó, sản xuất chế tạo đã trở thành động lực khi sản lượng đạt mức tăng cao 14,4%; dịch vụ gia tăng với doanh số bán lẻ tăng 10,9% và cho vay của ngân hàng tăng 18%; xuất khẩu cũng tăng mạnh, thương mại toàn cầu hồi phục; đặc biệt là hàng điện tử đã giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 21,2% trong năm 2017.

Đối với Việt Nam, cơ hội để đạt mức tăng trưởng 7,1% vào năm 2018 có thể nhờ vào những động lực tăng trưởng như: tiêu dùng trong nước khi chỉ số niềm tin của người tiêu dùng ngày càng tăng lên; hay sự cải thiện về môi trường kinh doanh và việc làm; cùng với đó là tình hình phục hồi của nền nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thách thức đặt ra như cần khôi phục sự bền vững về tài chính đối với yêu cầu thu hẹp thâm hụt ngân sách và ổn định nợ công; hay sức ép củng cố cán cân đối ngoại và kiểm soát lạm phát; sự thiếu hụt về kỹ năng của thị trường lao động ...

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng lao động và bảo đảm tăng trưởng được duy trì bền vững, công bằng, theo khuyến cáo của ông Eric, trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã có thể huy động nguồn cung lớn từ lớp nhân lực trẻ tuổi, được đào tạo để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo.

Thông qua báo cáo về triển vọng phát triển châu Á 2018, Ngân hàng ADB cũng gửi tới thông điệp chính đối với Việt Nam là trong năm 2018, triển vọng phát triển kinh tế khá sáng sủa trong khi môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức, khó lường. Để duy trì và phát triển bền vững, cần sự đóng góp của tất cả các ngành kinh tế và cần thu hẹp khoảng cách về kỹ năng nghề nghiệp của lực lượng lao động, vốn là nhân tố then chốt để thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì tăng trưởng.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang