Việt Nam tăng cường hợp tác, tiếp cận công nghệ vũ trụ tiên tiến

author 06:24 04/04/2017

(VietQ.vn) - Ngày 3/4, Hội thảo "Công nghệ viễn thám phục vụ cho phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam - Ứng dụng trên đất liền" đã được tổ chức tại Hà Nội.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với tập đoàn CLS (Pháp) tổ chức. Việc tổ chức Hội thảo này sẽ tạo cơ hội cho các tổ chức KH&CN, các chuyên gia trong nước có thể trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, ứng dụng mới của viễn thám với các chuyên gia quốc tế hàng đầu đến từ Hoa Kỳ, Pháp. Từ đó, có tiềm năng mở ra các cơ hội hợp tác giữa các bên.

Với mục tiêu phát triển KH&CN gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến 2020, Bộ KH&CN đã và đang có nhiều nỗ lực trong đổi mới quản lý KH&CN, trong đó hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kết quả, kinh nghiệm nghiên cứu và hội nhập quốc tế hướng tới phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Ông Đào Ngọc Chiến (đại diện Vụ Công nghệ cao) và đại diện Công ty Plannet (Mỹ) ký bản ghi nhớ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận công nghệ vũ trụ mới nhất trên thế giới. Ảnh Thanh Tâm/Vnexpress

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Vũ trụ đến năm 2020 của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006, trong đó ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước là một trong những ưu tiên hàng đầu.

"Việt Nam hiện đang có vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 được đưa lên quỹ đạo ngày 07/5/2013 và theo lộ trình phát triển, dự kiến sẽ có vệ tinh LOTUSat-1 vào năm 2019 và LOTUSat-2 vào năm 2022. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia và một số cơ sở dữ liệu viễn thám chuyên ngành đã và đang được xây dựng. Do đó, những điều kiện về hạ tầng này sẽ hình thành nền tảng quan trọng trong việc hợp tác, chia sẻ với các đối tác quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ viễn thám, đặc biệt là các ứng dụng trên đất liền" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Thứ trưởng mong rằng, tại Hội thảo này, tất cả các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước phát huy tối đa trí tuệ, cùng thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám để từ đó nghiên cứu xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác hướng đến những lợi ích lâu dài, bền vững cho phát triển kinh tế xã hội của tất cả các bên.

Tại Hội thảo, các tham luận đã tập trung đề cập đến việc ứng dụng công nghệ vũ trụ tại Việt Nam; CLS và các ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường; Ứng dụng công nghệ viễn thám trong hoạt động quản lý, quy hoạch bền vững nguồn nước... Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của công nghệ vũ trụ, việc ứng dụng còn rời rạc.

Cũng trong Hội thảo, Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Công ty Plannet của Mỹ đã ký bản ghi nhớ nhằm xây dựng chương trình trao đổi và hỗ trợ chính quyền các cấp, các nhà khoa học Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ vũ trụ mới nhất trên thế giới.

 Lê Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang