Việt Nam thiếu 4 triệu phụ nữ vào năm 2050 vì thích sinh con trai

author 12:18 11/10/2017

(VietQ.vn) - Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ước tính đến khoảng năm 2050 nước ta sẽ thiếu khoảng 4 triệu phụ nữ.

Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, tỷ số giới tính nam tăng cao mỗi năm, nếu không quyết liệt và triệt để nhằm đảm bảo cân bằng giới tính thì đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. Điều này sẽ khiến một bộ phận nam giới phải kết hôn muộn, không có khả năng kết hôn.

Tình trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam do cả nước ham đẻ con trai

Theo Vietnamnet, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, VN hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại VN ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Vietnamnet

 Dù xuất hiện muộn, nhưng tốc độ mất cân bằng giới tính tại VN đang tăng rất nhanh, lan rộng từ thành thị đến nông thôn và ở khắp 6/6 vùng lãnh thổ. Càng người có điều kiện kinh tế, học vấn cao lại càng chọn giới tính khi sinh nhiều.

Theo ông Tân, dù Việt Nam xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính đã tăng nhanh một cách chóng mặt. Cụ thể trong năm 2006 tỷ số giới tính nam/ nữ là 108/100, năm 2013 lên đến 113,2/100, năm 2014 và 2015 vẫn tiếp tục giữ ở mức mất cân bằng giới tính cao lần lượt là 112,2/100 và 112,8/ 100.

Bên cạnh đó, một số huyện ngoại thành Hà Nội có tỉ lệ giới tính khi sinh đạt ngưỡng báo động đỏ như: Ứng Hòa (132,6 bé trai/100 bé gái); Mê Linh (127/100); Ba Vì (123,6/100); Sóc Sơn (123,5/100); Sơn Tây (123,2/ 100); Mỹ Đức (121,9/100).

 Nguy cơ thiếu 4 triệu phụ nữ vào năm 2050

Theo Báo Giao thông, Thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ cho thấy, 50% số tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh năm sau cao hơn năm trước. Tại khu vực thành thị, tỷ số giới tính khi sinh giảm, trong khi ở khu vực nông thôn lại tăng. Hiện có 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất là: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.

Ước tính đến khoảng năm 2050 nước ta sẽ thiếu khoảng 4 triệu phụ nữ. Ảnh: Dân trí

 Ông Nguyễn Văn Tân cũng cảnh báo: “Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050. Điều đó sẽ dẫn tới phá vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, không có khả năng kết hôn, gia tăng tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm, bạo hành giới, tội phạm xuyên quốc gia…gây mất ổn định trật tự an ninh, an toàn xã hội và dẫn đến những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc”.

Tình trạng mất cân bằng dân số còn làm gia tăng những vấn đề về bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ gia tăng…

Tốc độ già hóa dân số nhanh chóng

Theo Dân trí, Thứ trưởng bộ Y tế Việt Nam ông Phạm Lê Tuấn cho biết, Việt Nam bắt đầu thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011, với tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm 10%, là một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới. Với các nền kinh tế phát triển, việc chuyển đổi sang dân số già có thể diễn ra một vài thế kỷ, Việt Nam chỉ mất trên 20 năm. Hiện tại, Việt Nam có hơn 10 triệu người lớn tuổi và dự báo số người cao tuổi sẽ tăng cao vào năm 2030, có thể đạt tới con số 28 triệu vào năm 2050.

Nhiều người cao tuổi Việt Nam chật vật kiếm sống. Ảnh: Channel news asia.

Bên cạnh đó, người Việt sống thọ nhưng không khỏe mạnh. Nửa thế kỷ qua, tuổi thọ trung bình của dân số thế giới tăng thêm 21 tuổi còn Việt Nam tăng đến 33 tuổi. Tuy nhiên, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình, với tỷ lệ một người mắc 2,69 bệnh.

Các chuyên gia khuyến nghị trong 22 năm trước khi “về già” Việt Nam cần tận dụng thời gian để điều chỉnh chính sách nhằm giảm nhẹ các tác động do già hóa dân số gây ra, đặc biệt là chuẩn bị tiềm lực kinh tế, phát triển an sinh xã hội để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người cao tuổi. 

Đặng Thục Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang